Mất bao lâu để hoàn thiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội?
(Dân trí) - Hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) bao gồm hệ thống tàu vận chuyển khối lớn (MRT), tàu vận chuyển nhỏ (LRT) và tàu chạy trên đường một ray (Monorail). Đây là một tổng thể được thiết kế một cách tối ưu bao gồm tàu, đường ray, nhà ga và tất cả các khu phức hợp tích hợp xung quanh. Tất cả các thành phần trong hệ thống này khi được vận hành sẽ bổ trợ nhằm nâng cao hiệu quả cho nhau.
Lấy hệ thống đường săt đô thị của Singapore làm ví dụ, đất nước có dân số chỉ gần 6 triệu người, ít dân dân số Hà Nội 2 triệu người. Đường sắt đô thị Singapore gồm hai hệ thống tàu: hệ thống MRT chạy nhanh, vận chuyển khối lớn cho những mạch giao thông chính, và hệ thống LRT cho những nhu cầu di chuyển quãng ngắn. Tuy nhiên, người dân Singapore thường gọi chung hai thệ thống này là MRT. MRT Singpore được khánh thành và vận hành tuyến đầu tiên vào năm 1987, hiện tại đã trở thành phương tiện giao thông phổ biến thứ hai ở Singapore, chỉ sau xe buýt. Hệ thống này đang phục vụ trên 3 tỷ lượt hành khách mỗi năm và vẫn đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng.
Cho dù hiện nay là một trong những phương tiện giao thông thiết yếu ở quốc đảo này, thế nhưng ở giai đoạn bắt đầu, MRT Singapore không nhận được đồng thuận cao khi lên kế hoạch vào năm 1967 – trong chương trình của chính phủ về phát triểu dài hạn đô thị và quốc gia. Phải mất đến 10 năm đấu tranh, hệ thống MRT mới được bắt đầu xây dựng vào năm 1983. Chi phí đắt đỏ cho việc xây dựng với 5 tỷ Dollar Singapore vốn ban đầu cũng khiến chính phủ quốc gia này ngập ngừng quyết định dù nhiều dự án thiết kế, thi công, khảo sát đã được tiến hành nhằm chứng minh tính khả thi của hệ thống MRT.
Hệ thống ĐSĐT của Seoul – Thủ đô Hàn Quốc, một trong những hệ thống đường sắt đô thị lớn nhất trên thế giới với 8 triệu lượt khách mỗi ngày. Hệ thống này gồm 9 tuyến chính, trong đó tuyến số 1 được khánh thành đầu tiên, đi từ ga Seoul đến ga Cheongnyangni, vào năm 1974. Kể từ đó, hệ thống được đầu tư xây dựng và mở rộng liên tục với lần gần nhất là đoạn mở rộng tuyến số 7 từ ga Onsu đến ga Bupyeong-gu được hoàn thành vào cuối năm 2012. Như vậy chúng ta có thể thấy, việc xây dựng hệ thống metro cho bất kỳ thành phố nào cũng đều là một quá trình lâu dài, được triển khai theo từng giai đoạn.
Nói để thấy việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống ĐSĐT (metro) là một đại dự án, trong đó cần nhiều sự đầu tư về vốn, công nghệ và con người. Do đó, nó cần sự tham gia không chỉ của Chính phủ, Thành phố mà còn cần sự đóng góp từ các nguồn đầu tư khác. Việc hoàn thiện hệ thống ĐSĐT không thể thực hiện ngay trong một lúc. Để xây dựng và kiện toàn một hệ thống metro sẽ mất thời gian, tiền bạc, và công sức, nhưng đó là điều cần thiết phải làm với tất cả các đô thị có trên 1 triệu dân trên thế giới. Xin lưu ý rằng, hiện nay chỉ có Hà Nội, Tp. HCM và thủ đô Dhaka của Bangladesh là vẫn chưa có một hệ thống tàu đường sắt đô thị tích hợp, trong khi các thành phố khác trên thế giới đã và đang xây dựng thêm các tuyến metro của họ trong nhiều năm.
Hiện nay, hệ thống metro của Hà Nội mới đang ở những viên gạch đầu tiên:
+ Tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) đang vận hành liên động thử, dự kiến đưa vào khai thác vào đầu năm 2019;
+ Tuyến số 3. Đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang đẩy nhanh công tác thực hiện, dự kiến 2020 vận hành đoạn trên cao, năm 2022 vận hành toàn tuyến.
+ Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang thực hiện công tác điều chỉnh dự án.
Tuyến số metro số 3 Nhổn – Ga Hà Nội đang được tích cực xây dựng
Các tuyến tuyến ĐSĐT này khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp thêm lựa chọn phương tiện giao thông công cộng cho người dân, từ đó góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông nhờ thay thế phần nào đó các phương tiện cá nhân. Đây cũng là những thử nghiệm đầu tiên để người dân Hà Nội thiết lập thói quen mới về việc sử dụng phương tiện công cộng và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách giảm thiểu thời gian đi lại cũng như giảm thiểu ô nhiềm không khí.
Tất cả các hệ thống ĐSĐT trên thế giới đều là hệ thống mở, được phát triển liên tục. Hiện nay chưa có một hệ thống ĐSĐT nào tuyên bố mình là hệ thống đã hoàn thiện và chắc chắn sẽ không mở rộng thêm số tuyến, nhà ga nữa. Vì vậy, không thể có câu trả lời chính xác cho thời gian hoàn thiện ĐSĐT Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tất cả các tuyến đã nằm trong lộ trình xây dựng rõ ràng với sự phối hợp từ nhiều đơn vị uy tín: về vốn và hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đây là đề án có sự hợp tác đa quốc gia từ các chính phủ Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc … Về đầu tư và quản lý tài chính, có những tổ chức tài chính uy tín như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Dù huy động nhiều công sức, thời gian, tiền bạc, thế nhưng hệ thống ĐSĐT là chìa khóa để mở ra sự phát triển là thực tế đã được chứng minh.
HT