Hà Nội:
Xuất hiện trường đầu tiên không có học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Sử
(Dân trí) - Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa công bố tỷ lệ đăng ký môn thi tự chọn ở kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014. PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong 6 môn tự chọn, không có học sinh nào đăng ký môn Sử”.
Tỷ lệ học sinh (HS) đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn của Trường THPT Lương Thế Vinh như sau: Lý 75,6%; Tiếng Anh 56,3%; Hóa 50,8%; Địa 11,4%; Sinh 5,3% và Sử 0%.
PGS Văn Như Cương khẳng định: Không phải HS Trường THPT Lương Thế Vinh dốt môn Sử. Mấy năm trước khi môn Sử thi bắt buộc, hầu hết HS của trường đều đạt điểm trên trung bình.
Theo phân tích của các giáo viên, việc HS không lựa chọn dự thi môn Sử là điều dễ hiểu. Phân tích ra thì trong 6 môn được chọn thì môn Sử khó học nhất. Với việc giảng dạy hiện nay thì môn Sử vẫn là môn học thuộc, HS cần phải nhớ chi tiết các mốc sự kiện… Trong khi đó đối với các môn thi trắc nghiệm thì việc ôn tập đỡ vất vả hơn. Riêng môn Địa lý thì lại có bảng Atlat “phòng thân” nên thi cử cũng dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn thí sinh dự thi đại học quan tâm đến khối A, B, D. Đối với khối C thì tỷ lệ rất thấp. Chính vì thế việc có ít HS chọn môn Sử dự thi tốt nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
Tỷ lệ HS đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn của Trường THPT Lương Thế Vinh được PGS Văn Như Cương chia sẻ trên Facebook cá nhân và nhận được rất nhiều sự chia sẻ. Không ít những ý kiến "chua chát" được giáo viên và học sinh bộc bạch.
Bạn Little Beebình luận: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Thử hỏi mấy ai biết rõ sử nước nhà. Lịch sử thì học kiểu cô đọc trò chép. Lúc thi thì cố mà nhớ để chép, hoặc không thì cố mà mang cuốn tài liệu vào. Thực ra ai cũng yêu lịch sử nhưng môn Sử thì khác đấy thầy ạ”.
Chia sẻ với PGS Cương, một thầy giáo ở Thái Bình cho biết đã gửi thư lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với nội dung: “Tôi là một giáo viên dạy học môn Địa Lý, trong khi đó gần như 100% học sinh trong trường tôi lại theo học khối A, A1, B, D là những khối mà các em cho là có nhiều sự lựa chọn và cơ hội việc làm tốt hơn, bên cạnh đó, mục tiêu của các em là học để thi đại học, do vậy trong quá trình dạy học, tôi thấy tôi dạy môn Địa Lý, hoặc như không ít đồng nghiệp của tôi dạy các môn khác như Lịch Sử, Giáo dục công dân đều rất vất vả và khó khăn trong vấn đề động viên, thu hút để các em chịu học những môn không thi đại học này. Để các em chịu học đôi khi tôi còn dọa các em là môn Địa Lý là một trong các môn có thể thi tốt nghiệp.
Thế nhưng năm nay nghe đề án đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông, tôi và các đồng nghiệp của mình lại không biết bây giờ chúng tôi phải "dọa" học sinh thế nào để các em chịu học những môn như những môn của chúng tôi đây? Trong khi các em đã được tự chọn môn thi tốt nghiệp. Và được tự chọn thì các em có thể tự chọn ngay từ khi vào lớp 10, và nếu như thế sẽ nhiều em chỉ còn chú trọng đến 3 môn thi đại học”.
Theo phân tích của PGS Văn Như Cương, nếu tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi môn Sử thấp thì "môn Sử lại bị phang một đòn chí mạng".
S.H