Xu hướng tìm việc năm 2025

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thị trường việc làm đang trải qua nhiều biến động, đòi hỏi người lao động lẫn doanh nghiệp phải thích ứng linh hoạt để tồn tại và phát triển.

Theo khảo sát mới nhất của JobsGO (nền tảng tuyển dụng và tìm việc hàng đầu Việt Nam) với hơn 1.300 người tham gia khảo sát, bức tranh toàn cảnh về xu hướng tìm việc năm 2025 dần được hé lộ với hai điểm nổi bật: nhu cầu thay đổi công việc ngày càng gia tăng, người lao động kỹ tính hơn trong việc lựa chọn môi trường làm việc.

Gần 50% người lao động tìm kiếm cơ hội mới

Theo khảo sát mới nhất của JobsGO, gần một nửa lực lượng lao động (48,4%) đang ấp ủ ý định tìm kiếm một vị trí công việc mới trong năm 2025. Trong đó, tỷ lệ nam giới có nhu cầu tìm việc nhỉnh hơn nữ giới, với 51,5% người tham gia khảo sát là nam có ý định thay đổi công việc. Áp lực tài chính lớn hơn đối với nam giới trong vai trò trụ cột gia đình hoặc sự khác biệt trong kỳ vọng và định hướng nghề nghiệp giữa hai giới đã góp phần tạo nên sự chênh lệch này.

Dù tỷ lệ mong muốn tìm công việc mới cao, nhưng có đến 70% người lao động không có ý định chuyển đổi ngành nghề. Dữ liệu này đã phần nào thể hiện sự ổn định tương đối của lĩnh vực họ đang làm, khi đa số vẫn muốn tiếp tục phát triển trong ngành, thay vì tìm kiếm một hướng đi mới.

Xu hướng tìm việc năm 2025 - 1

Đi sâu hơn vào các ngành nghề cụ thể, ngành xây dựng vươn lên vị trí dẫn đầu khi ghi nhận tới 61% người tham gia khảo sát có nhu cầu tìm việc mới. Theo Bộ Xây dựng, năm 2024, ngành đã tăng trưởng ấn tượng, ước đạt 7,8-8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ và cao nhất từ năm 2020, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Sự khởi sắc này không chỉ tạo đà cho sự phát triển của ngành mà còn thổi một luồng gió mới vào thị trường việc làm xây dựng, thúc đẩy những người lao động đã trải qua thời gian trì trệ dài tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Theo sau ngành xây dựng, những ngành kế tiếp có tỷ lệ mong muốn chuyển việc cao là kế toán - kiểm toán (59%) và khách sạn - nhà hàng (57%).

Ở chiều ngược lại, khảo sát của JobsGO cho thấy sự ổn định về nhân sự hơn ở nhóm ngành y tế, chăm sóc sức khỏe khi ghi nhận lượng người tham gia khảo sát có ý định nhảy việc thấp nhất (38,6%). Đây là tín hiệu tích cực phản ánh phần nào về mức độ gắn bó của nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Xét về khía cạnh địa lý, Đà Nẵng và khu vực miền Trung nói chung ghi nhận lượng người lao động tham gia khảo sát có dự định tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mới cao nhất cả nước (63,7%). Tỷ lệ này phản ánh tinh thần năng động và sẵn sàng thay đổi của người lao động địa phương trong quá trình tìm việc làm Đà Nẵng nói riêng cũng như khu vực miền Trung nói chung.

Trong khi đó, Hà Nội lại có tỷ lệ nhân sự muốn thay đổi công việc thấp nhất với 39,3%, cho thấy xu hướng an toàn và ổn định trong công việc của người lao động nơi đây.

Hơn 70% ứng viên đặt môi trường làm việc lên hàng đầu khi tìm việc mới

Dữ liệu của JobsGO chỉ ra rằng, uy tín công ty và môi trường làm việc tích cực là yếu tố được 72,8% ứng viên coi trọng nhất khi tìm bến đỗ sự nghiệp mới. Xu hướng này phần nào cho thấy sự thay đổi trong tư duy của người lao động, khi họ không chỉ quan tâm đến thu nhập mà còn chú trọng đến giá trị tinh thần và sự phát triển bền vững.

Xu hướng tìm việc năm 2025 - 2

Ngoài văn hóa doanh nghiệp, gần 70% ứng viên cũng đặt kỳ vọng cao vào mức lương, thưởng và phúc lợi cạnh tranh. Song, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc chuyển đổi công việc. Hơn một nửa số người được khảo sát sẽ chỉ chuyển việc nếu mức lương mới tăng ít nhất 20%. Đây là thực trạng dễ hiểu khi người lao động ngày càng thận trọng hơn trong việc đánh đổi sự ổn định hiện tại với những rủi ro tiềm ẩn khi chuyển sang một môi trường mới.

Nhu cầu học hỏi và phát triển chuyên môn cũng là một tiêu chí được nhiều ứng viên cân nhắc khi tìm việc mới (54,2%). Trong bối cảnh thị trường lao động biến động không ngừng, việc được đào tạo, nâng cao kỹ năng và kiến thức là yếu tố then chốt để người lao động duy trì khả năng cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi của công việc. Người lao động mong muốn được làm việc trong một môi trường khuyến khích học tập, nơi họ có thể tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng mới nhất, được tham gia vào các dự án thử thách và được hỗ trợ bởi các đồng nghiệp, người quản lý giàu kinh nghiệm.

Dưới góc nhìn của CEO JobsGO, ông Phạm Thanh Hải nhận định về xu hướng tìm việc năm 2025: "Trong nền kinh tế nhiều thách thức, người lao động thường có xu hướng lựa chọn an toàn là ổn định công việc. Vì vậy, tỷ lệ khảo sát gần 50% người được hỏi sẵn sàng nhảy việc chứng tỏ nhiều người đang không hài lòng với công việc hiện tại, và sẽ ra đi khi có cơ hội. Các công ty cần để ý và xử lý các vấn đề nội tại nếu muốn giữ chân nhân tài trong dài hạn".