Xin đừng "trăm sự nhờ cô"…

(Dân trí) - Mỗi đứa trẻ đến trường đều mang theo những kỳ vọng từ bậc sinh thành, phải học giỏi, chăm ngoan… và đi kèm với kỳ vọng là lời gửi gắm "trăm sự nhờ cô" mà phụ huynh buông vội trong những lần gặp gỡ.

Mỗi đứa trẻ đến trường đều mang theo những kỳ vọng lớn lao từ bậc sinh thành, phải học giỏi, chăm ngoan, phát triển toàn diện… Và đi kèm với kỳ vọng là lời gửi gắm "trăm sự nhờ cô" mà phụ huynh buông vội trong những lần gặp gỡ trao đổi việc học của trẻ.

Tiếc thay, khi một đứa trẻ có chút biểu hiện sa sút việc học, lơ là việc rèn luyện nhân cách là y như rằng lời trách cứ mặc nhiên cứ ném về phía giáo viên. Tôi rất buồn khi tấm lòng của mình bị phủ nhận sạch trơn và bị quy chụp phần lỗi trong việc học trò sút kém.

Con tên Lan Anh, là lớp phó văn thể mĩ được các bạn yêu mến. Năm nay lớp 8, con cùng nhiều bạn trong lớp là niềm tự hào của tôi bởi những thành tích được duy trì từ hai năm trước. Dù vậy, trong cuộc họp phụ huynh gần đây, tôi vẫn đánh động với phụ huynh về những đổi thay về tâm sinh lý lứa tuổi cùng lời nhắn nhủ tha thiết mong bố mẹ đồng hành với nhà trường dõi theo việc học của con trẻ.

Hai tuần trở lại đây, nề nếp học tập của lớp khá ổn định nhưng việc học của Lan Anh có phần lơ là. Ban cán sự lớp báo với tôi về những lần con đến lớp thường xuyên quên vở, đôi ba lần thiếu bài soạn và hôm trước bị điểm thấp lúc trả bài đầu giờ. Tôi lờ mờ nhận ra những thay đổi nhỏ của con và quyết định gọi trao đổi với phụ huynh.

Tối, cuộc điện thoại của tôi với mẹ Lan Anh diễn ra trong tiếng thở dài thườn thượt của người mẹ lo lắng cho con trẻ. Chị kể Lan Anh là con gái duy nhất nên trong mọi người trong nhà cưng như trứng mỏng. Dạo gần đây bố mẹ con mới trang bị thêm trong phòng của con một chiếc ti vi nên con sa đà vào các chương trình truyền hình, ca nhạc thần tượng và những bộ phim lãng mạn nước ngoài.

Chị bảo nhiều lần gọi con xuống ăn cơm phải năm lần bảy lượt con mới rời phòng. Còn chuyện nhờ con làm giúp việc gì đó là y như rằng khó đến không tưởng bởi khuôn mặt phụng phịu và cái lắc đầu hờn dỗi của con gái.

Tôi trấn an chị, cố gắng phân tích về những đổi thay và chuyển biến tâm lý ở lứa tuổi "ẩm ương" cần sự lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ của người lớn. Đột nhiên, chị cắt ngang lời tôi và lên tiếng trách cứ: "Cô nên nghiêm khắc hơn với Lan Anh! Sao hai năm trước cô giáo khác chủ nhiệm con bé lại ngoan như thế? Cô phải dữ dằn hơn bọn trẻ mới sợ mà lo học!".

Sững sờ. Bàng hoàng. Tôi thông cảm với nỗi lo của một người mẹ đang bất ngờ đến thảng thốt trước những biểu hiện sa sút của con. Nhưng có phải lỗi hoàn toàn của người thầy - giáo viên chủ nhiệm trong việc con trẻ đổi thay tính tình, sở thích, mối bận tâm?

Gia đình vẫn luôn là cái nôi giáo dục chủ yếu góp phần quyết định việc hình thành nhân cách, thói quen và hành vi của trẻ! Khi bố mẹ vô tình lơi lỏng việc uốn nắn con trẻ, lẽ nào trách nhiệm giáo dục phó mặc tất tần tật cho nhà trường? Khi bố mẹ bắt đầu nhận ra con mình khó bảo ban và không nghe lời, lẽ nào thầy cô "ba đầu sáu tay" quán xuyến việc học tập, vui chơi, rèn luyện và nhiều điều khác nữa của trẻ?

Thay vì trách cứ giáo viên chủ nhiệm, giá như phụ huynh bình tĩnh phối hợp để tìm nguyên nhân kết quả học tập có phần sa sút cũng như luận bàn giải pháp tích cực thúc đẩy việc học của con trẻ. Xin đừng "trăm sự nhờ cô" như thế…    

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm