Xét tuyển đại học tập trung: Bộ Giáo dục sẽ không làm nổi nếu “ôm” hết việc

(Dân trí) - Việc Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức xét tuyển tập trung đối với tất cả các trường ĐH trong mùa tuyển sinh tới, nhiều ý kiến lo ngại quyền tự chủ của các trường sẽ không có, quyền lợi thí sinh sẽ không được đảm bảo.


Thí sinh lo lắng cho cách xét tuyển đại học sắp tới (Ảnh: minh họa)

Thí sinh lo lắng cho cách xét tuyển đại học sắp tới (Ảnh: minh họa)

Xét tuyển tập trung: Quyền lợi thí sinh có được đảm bảo?

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết, việc tổ chức xét tuyển tập trung với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc của năm 2015, đồng thời cũng giải quyết được vấn đề TS “ảo" cho các trường.

Về quyền lợi của thí sinh, ông Trinh cho rằng, việc chạy phần mềm theo dữ liệu ĐKXT chung sẽ đảm bảo giải quyết được tình trạng TS ảo phát sinh do việc TS được đăng ký vào nhiều trường (2 trường ở đợt 1 và 3 trường ở mỗi đợt xét tuyển bổ sung).

Do 4 nguyện vọng của TS được xét tuyển đồng thời khi xét tuyển tập trung thay cho việc 2 nguyện vọng được xét tuyển ở mỗi trường (nếu trượt nguyện vọng trên được chuyển xuống nguyện vọng dưới) nên cơ hội trúng tuyển của TS sẽ được nâng cao và các em có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các ngành ưa thích hơn. Vì thế, các em sẽ đạt được kết quả tốt nhất phù hợp với kết quả thi và nguyện vọng đã đăng ký của mình.

Theo ông Trinh, việc xét tuyển tập trung cũng giúp cho công tác tuyển sinh đảm bảo công bằng, minh bạch trong toàn hệ thống, kết quả tuyển sinh phù hợp nhất với chỉ tiêu đối với mỗi ngành/nhóm ngành của trường, không gây ra tình trạng mất cân đối giữa thí sinh trúng tuyển với nguồn lực đào tạo của trường – đây là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Băn khoăn về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thạch, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hà Nội cho rằng, phương án xét tuyển mới như bộ trả lời trên báo chí thì tôi thấy rất thuận lợi cho các trường chống “ảo”. Tuy nhiên, bộ đưa ra sớm trước khi thành lập nhóm GX thì tốt hơn. Hiện tại, hướng dẫn chi tiết về phần mềm xét tuyển tập trung chưa có nên các trường chưa biết cụ thể ra sao. Hơn nữa, việc công bố xét tuyển ở thời điểm này làm thí sinh lo lắng không biết có thay đổi nữa không.

Theo ông Thạch, phần mềm bộ đưa ra mà lọc được thí sinh “ảo” thì tốt quá nhưng tôi nghĩ không đơn giản như vậy vì phần mềm mà vừa lọc được “ảo” và vừa phải đảm bảo quyền lợi đã hứa với thí sinh (mỗi thí sinh được 2 trường với 4 nguyện vọng) . Nếu theo mô hình cũ 1 thí sinh đỗ được vào 2 trường , đến phút cuối các em mới quyết định là học trường nào, vậy phần mềm mới này có giữ quyền lợi đó cho thí sinh hay không? Nếu không giữ quyền lợi đó cho thí sinh sẽ dễ gây phản ứng xã hội vì đã công bố như thế nào mà sau thực hiện không đúng là không được.


Bộ GD&ĐT cần thay đổi tiêu chí xét tuyển để phù hợp với phương án mới

Bộ GD&ĐT cần thay đổi tiêu chí xét tuyển để phù hợp với phương án mới

Khó đạt được kết quả nếu không thay đổi tiêu chí

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, với phương án xét tuyển tập trung mà Bộ GD&ĐT đưa ra để chống “ảo”, theo tôi sẽ khó đạt kết quả nếu không thay đổi tiêu chí vì thí sinh vẫn được nộp 2 trường. Các thí sinh đạt điểm cao thường đỗ cả 2 trường đại học và đương nhiên bao giờ thí sinh nộp giấy báo điểm vào trường nào thì trường đó mới biết được thí sinh đến học. Trong khi đó, thí sinh được quyền chọn 2 nguyện vọng, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 lại tương đương nhau.

Theo ông Lập, nếu cả nước chỉ có 1 hội đồng tuyển sinh tập trung về bộ là “chết” và sẽ rối ren ngay, không tuyển sinh được. Nếu bộ “ôm” làm hết mọi việc, các trường chỉ gửi dữ liệu lên thì bộ không thể làm nổi và quyền tự chủ của các trường sẽ không có.

Để có giải pháp tốt nhất về vấn đề này, ông Lập đưa ra 3 đề xuất mà Bộ nên làm:

Thứ nhất, chuẩn bị hạ tầng cơ sở thật tốt và phải tính toán toàn bộ để đảm bảo việc truy cập của thí sinh và của các trường một cách thông suốt.

Thứ hai, cần có cơ sở dữ liệu chung của cả nước để khi các em có điểm rồi đăng ký online vào trường, ngành nào đó hoặc các trường có thể cập nhật dữ liệu chung của bộ để xem có bao nhiêu thí sinh đăng ký vào trường mình.

Thứ ba, cần chuẩn bị phần mềm xét tuyển khoa học vì đó là cơ sở dữ liệu để tuyển sinh và phần mềm đó phải thỏa mãn được tính chọn lọc thí sinh tương đối tốt.

Cụ thể, với phần mềm này, bất cứ 1 trường đại học nào cũng phải nhìn được số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình đồng thời các trường cũng nhìn được những thí sinh đăng ký ở trường mình có đăng ký ở trường khác hay không và vào những ngành nào? Trên cơ sở đó các trường mới phân tích, tính toán được độ ảo.

Ví dụ: Thí sinh trúng Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông ở nguyện vọng 1 nhưng cũng trúng nguyện vọng 1 ở trường ĐH Bách khoa thì phần mềm phải cho các trường biết thí sinh này lựa chọn trường nào để loại trừ.

Thực hiện việc này phải làm bằng tay và phải có thuật toán để giải thích, so sánh giữa các trường, để các trường biết được thông tin thí sinh đã đăng ký vào các ngành trường mình như thế nào và ở trường khác như thế nào?. Bộ Giáo dục phải cho các trường một cái nhìn thông suốt.

Ông Lập cho rằng, nếu bộ làm tốt 3 việc này sẽ rất tốt và đương nhiên bộ sẽ phải khống chế điểm sàn, đảm bảo chất lượng và cho các trường tự xét tuyển. Bộ chỉ nên cung cấp dữ liệu còn để các trường tự thực hiện xét tuyển.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm