Xét tuyển đại học năm 2020: May mắn và rủi ro sẽ rơi vào từng thí sinh
(Dân trí) - Ngày mai 19/9, các thí sinh xét tuyển đại học bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng. Theo các chuyên gia tuyển sinh, sẽ có sự xáo trộn đáng kể, may mắn và rủi ro có thể rơi vào từng thí sinh khác nhau.
Điểm sàn cao, điểm chuẩn sẽ tăng từ 2 -4 điểm.
Dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều trường đại học đã đưa ra mức điểm sàn khá cao so với mọi năm.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học và Sau đại học, ĐHQGHN cho biết, "với phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển cơ bản như Bộ GD&ĐT đã công bố, dự kiến mặt bằng chung của điểm trúng tuyển năm nay, sẽ tăng từ 2-4 điểm so với năm ngoái, tùy thuộc vào từng ngành, từng cơ sở đào tạo”.
Hiện nay, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm sàn và mức điểm đều tăng so với năm trước. Cụ thể, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mức điểm cơ sở đào tạo phía Bắc từ 20,00 điểm trở lên. Cơ sở đào tạo phía Nam từ 18,00 điểm trở lên.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển) đại học hệ chính quy năm 2020 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 20 (hai mươi) điểm.
Trường ĐH Luật Hà Nội, điểm sàn xét tuyển đối với thí sinh đăng ký dự tuyển khối C00 và theo học tại trụ sở chính Hà Nội là từ 20 điểm trở lên, thí sinh dự thi các tổ hợp khác là từ 18 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên).
Chiều này 17/9, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố điểm sàn khối ngành Sức khỏe và Sư phạm. Theo đó, mức điểm sàn ngành Sức khỏe tăng hơn năm ngoái, các ngành y khoa và răng hàm mặt 22 điểm; các ngành y học cổ truyền, dược 21 điểm; các ngành còn lại 19 điểm.
Với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, điểm sàn là 18,5. Riêng đối với các ngành năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc, huấn luyện thể thao, giáo dục thể chất, điểm sàn thấp hơn mức chung 1 điểm.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, dự kiến điểm chuẩn vào trường ĐH Y Hà Nội năm nay tăng từ 2- 3 điểm so với năm trước do phổ điểm khối B năm nay cao. Được biết, điểm chuẩn ngành Y đa khoa của trường ĐH Y Hà Nội năm 2019 là 26,75. Theo đó, dự báo điểm chuẩn ngành Y đa khoa năm nay sẽ lên tới 28 điểm.
Nhiều trường đã tuyển được gần 50% chỉ tiêu
Xét tuyển đại học năm 2020 có nhiều thay đổi, các trường đại học đưa nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, xét tuyển kết hợp với xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã tuyển được 50% chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển kết hợp như trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Thương Mại…
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, điểm sàn mà các trường đại học công bố để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng vào các trường cho phù hợp với mức điểm của mình.
Năm nay các trường xét tuyển riêng nhiều hơn. Về lý thuyết thì không ảnh hưởng gì, vì tổng thể chỉ tiêu không thay đổi. Tuy nhiên trên thực tế sẽ có sự xáo trộn đáng kể. Rất khó dự đoán xáo trộn đó cụ thể như thế nào, nhưng may mắn và rủi ro có thể rơi vào từng thí sinh khác nhau.
“Về cơ hội thì xác suất trúng tuyển của thí sinh vẫn không đổi nói chung, nhưng với từng thí sinh thì sẽ biến động” – ông Triệu nhấn mạnh.
Để giảm rủi ro, tăng xác suất trúng tuyển, ông Triệu cho rằng, thí sinh cần tuân thủ nguyên tắc 3 bậc khi điều chỉnh nguyện vọng, nên tăng số nguyện vọng có điểm thấp của năm 2019 so với điểm của mình.
Trường ĐH Ngoại thương, hiện đã tuyển xong 50% chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển kết hợp, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thí sinh hãy yên tâm bởi 50% thí sinh đã được xác định trúng tuyển tức là tổng số thí sinh xét tuyển bằng phương thức kết hợp cũng đã giảm đi tương ứng. Do đó, sẽ không có sự ảnh hưởng tới điểm chuẩn.
PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Hàng Hải cho hay, chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển đã được các trường công bố chi tiết trong đề án tuyển sinh và công khai với xã hội trước khi thí sinh đăng ký các nguyện vọng xét tuyển vào các trường. Vì thế chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT không bị ảnh hưởng bởi các phương thức xét tuyển khác.
Điều chỉnh nguyện vọng theo điểm sàn xét tuyển
Chia sẻ với thí sinh, PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm, cho biết, khi biết mức điểm nhận hồ sơ (điểm sàn) mà các trường công bố, thí sinh cần so sánh với mức điểm mà mình đã đạt được để lựa chọn các chuyên ngành phù hợp với mức điểm của mình.
Thông thường điểm chuẩn trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn và mức thấp nhất sẽ bằng điểm sàn vì thế khi thay đổi nguyện vọng thí sinh nên lựa chọn các chuyên ngành phù hợp với mức điểm nhận hồ sơ mà các trường đã công bố.
Đặc biệt, nên tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển của các năm gần nhất vào chuyên ngành mình mong muốn xét tuyển để sắp xếp nguyện vọng cho phù hợp. Năm nay, nhìn chung điểm chuẩn các ngành đều tăng từ 1-3 điểm so với năm 2019.
Ông Khiêm lưu ý với các thí sinh, nguyên tắc xét tuyển là xét lần lượt các nguyện vọng từ trên xuống dưới, đỗ ở nguyện vọng nào thì dừng không xét nguyện vọng tiếp theo nên khi thí sinh thích học ở chuyên ngành nào đó thì xếp nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên trên và giảm dần mức độ ưu tiên đối với các chuyên ngành tiếp theo.
Để đảm bảo cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên đăng ký theo 3 tốp xếp nguyện vọng (NV) từ cao xuống: tốp NV trên (khả năng điểm chuẩn cao hơn điểm mình đạt), tốp NV giữa (khả năng điểm chuẩn bằng điểm mình đạt), tốp NVdưới (khả năng điểm chuẩn dưới điểm mình đạt). Do vậy, có thể chỉ cần 4-6 nguyện vọng là có thể có cơ hội trúng tuyển cao.
Tiến sĩ Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy Lợi cho rằng: "Với phổ điểm thi năm nay, thí sinh điểm cao thì xin đừng quá tự tin. Các thí sinh điểm cao từ 26 – 27 trở lên thì đỡ bận tâm hơn, còn lại các thí sinh hết sức cân nhắc vào phổ điểm chung và cần có các phương án dự phòng khi điều chỉnh nguyện vọng để tối thiểu mình phải trúng tuyển ngành mình yêu thích, nếu được trường yêu thích nữa thì tốt nhất".
Theo ông Thạc, thí sinh cần điều chỉnh nguyện vọng sao cho đúng nguyên tắc Cao - Bằng - Thấp. Cụ thể, điều chỉnh lại nguyện vọng xét tuyển đảm bảo có một số ngành/trường mình yêu thích đúng sở trường và năng lực ở nhóm các trường điểm chuẩn cao hơn so với kết quả của mình 1 chút, một số bằng với kết quả của mình và một số sẽ thấp hơn kết quả của mình. Lưu ý phổ điểm năm nay cao hơn năm các năm trước từ 2 – 3,5 điểm tùy tổ hợp.
PGS.TS Phạm Minh Toại, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Lâm Nghiệp, chia sẻ các thí sinh cần tìm hiểu và suy nghĩ kỹ trước khi thay đổi nguyện vọng để tránh bị trượt một cách đáng tiếc vì nhiều trường điểm xét tuyển sẽ cao hơn rất nhiều so với điểm sàn công bố; nên nghiên cứu kỹ điểm trúng tuyển của các ngành thuộc trường mà các em lựa chọn ít nhất 2 năm gần đây và phổ điểm thi năm 2020.
Theo PGS Toại, quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT không hạn chế nguyện vọng (ước mơ) của thí sinh nên các em hãy đặt nguyện vọng mà các em ước mơ nhất sẽ là nguyện vọng số 1 và hãy tự tin lựa chọn ngành yêu thích và trường phù hợp với mức điểm của các em.
Năm 2020, ĐH Lâm Nghiệp tuyển sinh 26 ngành học không chỉ là các ngành thuộc lĩnh vực lâm nghiệp mà đa ngành, đa lĩnh vực. Điểm sàn xét tuyển của trường biến động từ 15 đến 18 điểm. Thực tế 3 năm gần đây cho thấy mức điểm trúng tuyển sẽ không chênh lệch quá nhiều nên cơ hội trúng tuyển của các em sẽ rất cao.