Xét tuyển đại học 2019: Không giới hạn nguyện vọng nhưng thí sinh cần cẩn trọng!
(Dân trí) - Trong cơ chế đăng ký không giới hạn nguyện vọng và xét trúng tuyển từ nguyện vọng cao xuống thấp thì chỉ cần chọn được ngành, trường phù hợp, cuối cùng là xếp theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng và chờ kết quả.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT với thí sinh trước khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ngày 22/7.
Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển
Được biết năm 2019, cả nước có hơn 653.000 thí sinh đăng ký với tổng số hơn 2,5 triệu nguyện vọng vào các ngành đào tạo. Hiện thí sinh đang rất băn khoăn để “chốt” nguyện vọng cũng như điều chỉnh nguyện vọng. Bà có lời khuyên gì và có lưu ý gì dành cho thí sinh?
Thí sinh cần xác định tương quan điểm thi của mình trong phổ điểm thi chung để biết mình đang ở đâu.
Lựa chọn ngành học yêu thích, phù hợp năng lực, sở trường, điều kiện của mình. Cần tìm hiểu kỹ thông tin về ngành đăng ký, hình dung được công việc, nghề nghiệp tương lai mà vẫn yêu thích thì đó mới là sự lựa chọn đúng.
Sau khi đã chọn ngành rồi thì việc tiếp theo là tìm hiểu các trường có đào tạo ngành đó để chọn trường phù hợp về khoảng mức điểm trúng tuyển (tham khảo tương quan điểm trúng tuyển năm trước của trường trong tương quan với cả hệ thống), chất lượng đào tạo và mức học phí…
Trong cơ chế đăng ký không giới hạn nguyện vọng và xét trúng tuyển từ nguyện vọng cao xuống thấp thì chỉ cần chọn được ngành, trường phù hợp rồi thì cuối cùng là xếp theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng và chờ kết quả.
Việc cho thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng là không cần thiết và trên thực tế đã xảy ra tình trạng, nhiều thí sinh trúng tuyển không theo đúng nguyện vọng yêu thích nhất nên khi vào học đại học, các em không phát huy được sở trường, dẫn đến chất lượng đào tạo sụt giảm. Quan điểm của Bộ về ý kiến trên ra sao?
Đối với các thí sinh chưa tìm hiểu kỹ ngành, chương trình theo học để lựa chọn phù hợp hoặc không nghiên cứu, thích ứng với phương pháp học tập ở ĐH thì dễ chán nản, không hứng thú học tập nên kết quả học không tốt và sau này, không yêu nghề thì làm việc cũng sẽ không tốt.
Điều đó không hẳn do quy chế cho các em ĐKXT quá nhiều nguyện vọng mà chủ yếu do sự hướng nghiệp của nhà trường chưa có kết quả và sự tìm hiểu ngành nghề của các em chưa tốt.
Khó có cơ sở khách quan nào để xác định chỉ nên cho thí sinh ĐKXT bao nhiêu nguyện vọng mà các quan điểm đưa ra chủ yếu là do cảm tính. Vì vậy, hiện nay, quy chế tuyển sinh của chúng ta và hầu hết các nước phát triển cũng đều không giới hạn nguyện vọng ĐKXT.
Tuy nhiên, thực tế, cũng ít thí sinh ĐKXT quá nhiều nguyện vọng. Trung bình năm 2019, mỗi thí sinh ĐKXT 3,9 nguyện vọng cũng là con số bình thường và như vậy, không nhất thiết phải giới hạn nguyện vọng được phép đăng ký của thí sinh.
Đồng hành với thí sinh “ảo”
Thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng như vậy, khiến nhiều trường đại học lo lắng về tình trạng thí sinh “ảo”, Bộ có biện pháp gì để giúp các trường đại học tránh thí sinh “ảo”?
Cần xác định thí sinh ảo là vấn đề đồng hành trong công tác tuyển sinh, có thể nghiên cứu để dự đoán ngày càng chính xác chứ không thể tránh được hoàn toàn.
Trong thời gian đầu tự chủ tuyển sinh, Bộ hỗ trợ bằng cách quy định đợt 1, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất; trường nào có thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học thì phải đưa lên hệ thống để loại ra khỏi CSDL tuyển sinh của các đợt tiếp theo.
Tuy nhiên, trúng tuyển nguyện vọng 1 cũng vẫn có 1 tỷ lệ nhất định ảo không nhập học. Tỷ lệ ảo của các trường khác nhau nên các trường cần thống kê, nghiên cứu và tìm ra quy luật, xác suất để làm chủ tình hình, chủ động trong tuyển sinh.
Tăng mức xử phạt với trường tuyển vượt chỉ tiêu
Những năm vừa qua, rất nhiều trường đại học tốp trên có quy mô tuyển sinh rất lớn, khoảng 5.000 – 6.000 chỉ tiêu, tuyển vượt chỉ tiêu từ 10 – 15% khiến nhiều trường tốp giữa không còn nguồn tuyển, gây bức xúc và mất công bằng cho thí sinh. Năm nay, Bộ có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng này?
Trong CSDL tuyển sinh năm 2018 của toàn hệ thống, có 14 trường tuyển trên 5 ngàn sinh viên, trong đó, chủ yếu là các trường ĐH lớn như trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Bách khoa HN, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp, HV Nông nghiệp VN, các Trường ĐH như Duy Tân, Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Sư Phạm kỹ thuật TP HCM, Văn lang…
Một số trường vượt chỉ tiêu đã bị Thanh tra Bộ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, trừ vào chỉ tiêu năm sau.
Bên cạnh đó, một số trường không tuyển đủ thí sinh theo kế hoạch đã định, trong đó có những trường đầu ngành, đào tạo có chất lượng nhưng không được xã hội lựa chọn và đa số các trường do chưa khẳng định được uy tín hoặc ở địa bàn không thuận lợi… nên không tuyển đủ chỉ tiêu.
Giải pháp ngăn chặn tuyển vượt chỉ tiêu bao gồm những giải pháp pháp lý đã được quy định như: xử phạt vi phạm hành chính, xử lý vi phạm đối với người đứng đầu và các cán bộ có liên quan, trừ vào chỉ tiêu năm sau… Luật GDĐH đã quy định những trường vi phạm sẽ không được tự chủ xác định chỉ tiêu trong 5 năm tiếp theo; NĐ 138 cũng đang sửa đổi theo hướng tăng mức phạt vi phạm để đảm bảo tính tuân thủ nghiêm minh.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã yêu cầu các trường phải cập nhật lên hệ thống danh sách thí sinh nhập học chi tiết đến họ tên, ngày sinh, mã số sinh viên… và danh sách giảng viên chi tiết đến CMND để xây dựng CSDL GDĐH phục vụ quản lý và giám sát…
Hiện nay, có rất nhiều hình thức tuyển sinh như xét tuyển học bạ, đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp… Đa dạng các phương thức tuyển sinh như vậy có đảm bảo chất lượng giáo dục đại học không, khi các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức thì cần xác định tỷ lệ thế nào để đảm bảo chất lượng?
Chất lượng đầu vào phụ thuộc chủ yếu vào chính sách chất lượng của nhà trường, không phụ thuộc nhiều vào phương thức tuyển sinh. Những trường tốt xét tuyển học bạ thường đưa ra nhưng tiêu chí như: học lực giỏi, là học sinh trường chuyên, có giải của tỉnh, quốc gia, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… nên chất lượng vẫn tốt.
Tỷ lệ chỉ tiêu phân bổ cho mỗi phương thức xét tuyển thuộc thẩm quyền quyết định của nhà trường và phụ thuộc vào khả năng tuyển được thí sinh đáp ứng điều kiện của trường cho mỗi phương thức; không có căn cứ nào để xác định tỷ lệ của từng phương thức để áp dụng chung cho các trường với những phân khúc chất lượng khác nhau.
Chất lượng giáo dục đại học còn phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra … chứ không chỉ phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh.
Tuy nhiên, Bộ khuyến nghị các trường nghiên cứu, so sánh chất lượng quá trình, chất lượng đầu ra của sinh viên được tuyển bằng các phương thức khác nhau để hoàn thiện phương án/đề án tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Xin trân trọng cám ơn bà!
Hồng Hạnh