Xây dựng văn hóa dạy học trực tuyến nhờ chính sách “cây gậy và củ cà rốt”
(Dân trí) - Từ một trường không có nền tảng giáo dục mở, sau 7 năm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM áp dụng thành công dạy học trực tuyến cho 100% chương trình đào tạo nhờ chính sách “cây gậy và củ cà rốt".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) - một trường rất năng động dạy về học trực tuyến hiện nay cho biết, nhìn lại lịch sử của trường, về giáo dục trực tuyến, nhà trường đã đi lên từ con số 0.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, khi triển khai “phổ cập giáo dục trực tuyến”, một trong những việc quan trọng hàng đầu là cải cách văn hóa làm việc của giáo viên. Làm sao họ ý thức được “thay đổi hay là chết”, làm sao họ đồng lòng làm một “cuộc cách mạng” trong phương thức giảng dạy…
Năm 2013, trường lấy 17 giảng viên hạt nhân đầu tiên làm nhân tố chính ở các khoa. 17 giáo viên đó tiến hành dạy học số, thông qua dự án Đại học bang Arizona (ASU), Mỹ. Chính sách nhà trường áp dụng là cây gậy và củ cà rốt. “Cây gậy” tượng trưng cho hình phạt, “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng.
“Chúng tôi đặt ra thưởng lớn. Nếu mỗi môn học online (cấp độ dạy hoàn toàn 100%, giáo viên và học viên không cần đến lớp) thì nhà trường sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/1 môn học cho người thầy, ngoài tiền dạy. Khi số lượng tăng từ từ, chúng tôi giảm tiền tài trợ, tiền thưởng xuống còn 2,5 triệu đồng. Còn bây giờ, giáo viên không dạy học online bị cắt lao động tiên tiến, dạy học online được đưa vào KPI. Kết quả, 100% giáo viên hiện nay đều dạy học số”, ông Dũng cho hay.
Thời điểm bắt đầu, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận hỗ trợ nền tảng dạy học số miễn phí từ trường Đại học bang Arizona (ASU), Mỹ. Nền tảng này đang sử dụng cho chương trình đào tạo đại trà từ năm 2013 - 2020. Năm 2018, nhà trường nhận hỗ trợ từ BlackBoard, nền tảng này vẫn đang sử dụng cho chương trình đào tạo Chất lượng cao.
Cách đây 3 năm, nhà trường làm liên hệ với Đại học Harvard, MIT của Mỹ và nhận được thuật toán, nghiên cứu rồi tự thiết kế nền tảng dạy học số. Ngày 26/4/2019 trường đại học ảo UTEx ra đời với hai phòng: UTEx LMS và UTEx MOOC. Platform này do nhà trường phát triển và được vào sử dụng cho chương trình đào tạo đại trà từ năm học 2020 - 2021. Do vậy, năm nay trường “khỏi phải tốn đồng nào” vì dựa trên mảng nguồn mở của Harvard đã xây dựng được nền tảng dạy học số của riêng mình.
Với những nỗ lực không ngừng, hoạt động dạy online của trường phát triển nhanh chóng. Học kỳ 1 năm học 2014-2015, chỉ có 52 khoá học online thì đến nay đã đạt tới 5.265 khoá học.
Năm ngoái, nhà trường nghiệm thu 17 khóa học online, mời giảng viên từ bang Arizona sang hướng dẫn thiết kế bài giảng đúng chuẩn MOOC (giáo dục trực tuyến mở đại trà). Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, chúng ta cứ nghĩ dạy học trực tuyến là dùng Zoom suốt tiết học 45 phút hay một buổi học… Nhưng thực tế, chúng ta phải làm sao để bài học online mỗi video chỉ kéo dài 7 phút, quá 7 phút người học mỏi sẽ chuyển sang các kênh giải trí liền.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, sắp tới trường không dạy lý thuyết trên lớp “face to face” nữa mà áp dụng mô hình học tập: 70-20-10. 70% học từ công việc thực tế, 20% học qua người khác và chỉ có 10% học trên lớp.
Không chỉ xây dựng phần mềm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM còn xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, 2 năm bỏ ra 120 tỷ đầu tư phần cứng - big data. Hiện nhà trường có UTE data center và UTEx data center nhằm nâng cao năng lực công nghệ thông tin của nhà trường.
Ưu điểm vượt trội của dạy học trực tuyến về khả năng đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học. Trong năm học 2019 - 2020, HCMUTE đã áp dụng thành công dạy học trực tuyến cho 100% chương trình đào tạo nhờ chính sách cây gậy củ cà rốt.
Để phát triển dạy học học tuyến bền vững, nhà trường đã thành lập UTEx và xây dựng thành công 16 khóa học trực tuyến; xây dựng trung tâm dữ liệu lớn; dạy học trực tuyến trở nên phổ biến tại trường. HCMUTE là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thành công dạy học trực tuyến.
Từ thực tế kinh nghiệm phổ cập giáo dục online tại nhà trường, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề xuất các trường đại học trong nước nên triển khai giáo dục trực tuyến một cách từ từ, từng bước bởi nếu gây áp lực lớn và quá nhanh thì giáo viên không chịu nổi.
Ông cũng đặt vấn đề: “Bây giờ khó khăn của thầy giáo là sinh viên học trên trang online rồi thì thầy giáo đến lớp làm gì?". Học chủ yếu qua thực hành, qua việc làm (70%) sẽ rất cần thầy giáo ra doanh nghiệp để tìm hiểu các vấn đề thực tế đưa vào trường học. Thầy dạy cho học sinh biết thế giới, công ty/doanh nghiệp đang cần giải quyết vấn đề này. Thầy giáo do vậy phải giỏi, tự học, giàu kinh nghiệm thực tế, chứ không online là thầy giáo ngồi chơi…
Mặt khác, với giáo dục online, các trường đại học nên tích cực thực hiện sẻ chia nền tảng nhằm tiết kiệm chi phí và tăng cường kết nối giáo dục trực tuyến toàn quốc.