Xây dựng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới

Văn Hiền

(Dân trí) - Ngày 16/11, tại Hội Khuyến học Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tọa đàm xây dựng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập" trong điều kiện bình thường mới.

Việc xây dựng các mô hình học tập nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4 và hội nhập quốc tế.

Tới dự tọa đàm có GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng đại biểu các tổ chức khuyến học quận, huyện, thị xã, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội.

Xây dựng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới - 1

Toàn cảnh Hội nghị tọa đàm xây dựng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Đơn vị học tập", "Cộng đồng học tập" trong điều kiện bình thường mới.

Hơn 1,4 triệu gia đình đăng ký gia đình học tập

Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng ban phong trào và thi đua khen thưởng, Hội Khuyến học Hà Nội đã báo cáo kết quả triển khai xây dựng các Mô hình học tập và kế hoạch năm 2022.

Xây dựng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới - 2
Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng ban phong trào và thi đua khen thưởng, Hội Khuyến học Hà Nội.

Kết quả đạt được: "Sau 1 năm triển khai các mô hình học tập, đã có 1.401.445 gia đình đăng ký gia đình học tập,  8.620 dòng họ đăng ký dòng họ học tập; 5.226  cộng đồng đăng ký cộng đồng học tập và 2.956 đơn vị đăng ký thực hiện.

Hội khuyến học đã xây dựng các kế hoạch 174; 175;177; 178 về công tác thông tin tuyên truyền, củng cố tổ chức, phát triển tổ chức Hội và hội viên; công tác kiểm tra, giám sát... 

Trao thưởng 200 gương học tập tiêu biểu năm 2021 và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình "Sóng và Máy tính cho em". Trao nguồn kinh phí 8500.000.000 đồng và 25 máy tính cho 7 huyện hội và một số đơn vị khác đang gặp nhiều khó khăn".

Hội Khuyến học Hà Nội mong muốn, trong thời gian tới đề nghị Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất với Chính phủ và Bộ Nội vụ sớm bổ sung tiêu chí các mô hình học tập vào Luật Thi đua Khen thưởng như tiêu chí Gia đình văn hóa, Làng văn hóa.

Đề nghị Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung, điều chỉnh bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập phù hợp tình hình thực tế hiện nay.   

Đề nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố có văn bản tiếp tục đôn đốc  UBND các quận, huyện, thị xã, thực hiện kết luận 49 của Ban Bí thư và Quyết định 489 của Thủ tướng Chính phủ, định kỳ kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các cơ sở.

Đẩy mạnh các mô hình học tập trong năm 2022

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh mong muốn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời, phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XDXHHT) trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả của các mô hình trong năm 2022.

Bà Minh cho hay: "Thứ nhất, cần tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về "đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, XDXHHT giai đoạn 2021 - 2030" và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030".

Xây dựng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới - 3
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện "Nhiệm vụ kép" theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Hội khuyến học các cấp động viên, phát huy tinh thần tự nguyện, tâm huyết của cán bộ, hội viên.

Vừa tham gia phòng chống dịch covid-19 vừa tích cực hoạt động khuyến học, khuyến tài, XDXHHT góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thủ đô trong điều kiện bình thường mới.

Thứ ba, Thành hội Hà Nội và các cấp hội thành viên xây dựng kế hoạch thực hiện tốt việc "Xây dựng các mô hình học tập" ở gia đình, dòng họ, địa phương, cơ quan, đơn vị;  Tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và tổ chức thực hiện nhằm thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia tạo thành phong trào lan tỏa trong toàn thành phố.

Thứ tư, chỉ tiêu đề ra với mỗi mô hình học tập tăng từ 3- 5% trở lên so với năm 2021, chú trọng xây dựng mô hình đơn vị học tập, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu các mô hình học tập đã đề ra. Cuối cùng, triển khai xây dựng mô hình "Công dân học tập", "Công dân số" theo các tiêu chí được Chính phủ phê duyệt".

Khuyến học, khuyến tài có vai trò quan trọng trong điều kiện bình thường mới

Đại diện Ban Khuyến học Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, bà Vũ Thị Thanh Huyền cũng bày tỏ tầm quan trọng của truyền thống khuyến học, khuyến tài của nhà trường trong điều kiện bình thường mới.

Xây dựng các mô hình học tập trong điều kiện bình thường mới - 4
Đại diện Ban Khuyến học Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, bà Vũ Thị Thanh Huyền.

"Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, việc khuyến học, khuyến tài là việc thường xuyên liên tục được phát động rộng rãi trong xã hội, gia đình và cộng đồng. Khuyến học đã được phát huy và trở thành một nét đẹp truyền thống mang lại những hiệu quả thiết thực cho ngành giáo dục", bà Huyền nhấn mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm rút ra sau khi xây dựng mô hình công dân học tập tại Nhà trường, bà Huyền cho hay: "Về điểm mạnh, đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. 

Ban hành đầy đủ kế hoạch, văn bản hướng dẫn và bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng, thiết thực, gắn với tình hình thực tế vị trí việc làm. Làm tốt công tác tuyên truyền, động viên, khích lệ viên chức, người lao động đăng ký tham gia phấn đấu.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như việc phấn đấu học tập cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Công tác theo dõi, giám sát chưa kịp thời, chặt chẽ; việc đánh giá chưa thực hiện một cách bài bản, kỹ lưỡng".

Đẩy mạnh, xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục chính thống

Ông Nguyễn Tuấn Long (Ban Khuyến học Đại học Mở Hà Nội) kiến nghị Hội Khuyến học Hà Nội cần đẩy mạnh, xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục chính thống và Đại học Mở Hà Nội sẵn sàng làm hỗ trợ công nghệ.

Theo ông Long, những tri thức chính thống cho người dân tự học cần chính thống, nếu không sẽ bị những thông tin sai lệch làm cho ảnh hưởng. Hội Khuyến học Hà Nội cần mạnh mẽ đưa ra đề xuất, đơn vị thành viên cùng nhau xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục. Trên trang thông tin của Hội cần có thêm một chuyên trang kiến thức dành cho nông dân, hay kiến thức sử dụng các vật dụng trong gia đình. 

Đại diện Ban Khuyến học Đại học Mở Hà Nội cũng nhấn mạnh: "Trường Đại học Mở Hà Nội sẵn sàng cùng với Hội Khuyến học để sử dụng công nghệ xây dựng bài giảng hay xây dựng khóa học mô tả thông qua những điển hình trong cuộc sống".

Ngoài ra, trách nhiệm của các trường Đại học, Cao đẳng đóng góp năng lực tự học là rất quan trọng. Đa dạng hóa các khóa học miễn phí, nâng cao năng lực tự học cho người dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm