Vượt sóng, gieo chữ ở Trường Sa

Mặc sóng gió gian khổ, vẫn luôn có những người thầy xung phong lên đường gieo chữ, trồng người nơi đảo xa vì 2 tiếng Trường Sa thiêng liêng.

Tết Kỷ Hợi năm nay, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ bước sang tuổi 29 nhưng thầy Hạ đã có đến 5 năm sống cùng sóng gió công tác, giảng dạy ở Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Thầy cũng là bảo mẫu

Nhớ lại những ngày đầu xung phong ra biển đảo dạy học, thầy Hạ kể lại vào đầu năm 2013, khi đang dạy học ở quê nhà, thầy đọc được thông tin tuyển giáo viên ra công tác tại Trường Sa đăng trên báo. Khi đó ước mơ từ thời sinh viên bùng cháy, không ngần ngại đắn đo suy nghĩ thầy đã viết đơn tình nguyện ra dạy học ở Trường Sa và được chấp nhận.

Kể về lần đầu bước chân lên xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thầy Hạ bùi ngùi xúc động: "Tôi vẫn nhớ in cái ngày đầu tiên đặt chân lên đảo đập vào mắt là màu xanh tràn ngập, những ngôi nhà với tường vàng và mái ngói đỏ tươi. Phía xa xa là hàng trụ điện, quạt gió thẳng tắp, xa xa ngân vang tiếng chuông chùa trong không gian thật tĩnh lặng. Tối đến, xã đảo sáng bừng lên  như một thành phố về đêm. Một cảm giác vừa lạ vừa thân quen".

Vượt sóng, gieo chữ ở Trường Sa - 1

Thầy Nguyễn Ngọc Hạ giảng dạy tại xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Theo thầy Hạ, việc giảng dạy ở đảo Sinh Tồn có nhiều đặc điểm riêng với 2 cấp học là mầm non và tiểu học. Giáo viên vừa là người thầy vừa là người mẹ để chăm sóc và giáo dục các em. Thời tiết ở đảo rất khắc nghiệt mưa bão liên tục, nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em.  Giáo viên trên đảo như một cuốn sách tổng hợp phải dạy tất cả các môn từ Toán, Tiếng Việt đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Số lượng học sinh rất ít chỉ 8 em đặc biệt nhiều em học mầm non nên giáo viên phải loay hoay vừa dạy chữ vừa dạy các cháu chơi cũng như các kĩ năng sống của học sinh.

Trong khi điều kiện đảo chật hẹp, giáo viên phải nghĩ mọi cách, mọi thứ có thể có như sách, báo, điện thoại, tivi, các hình ảnh trực quan sinh động… tích hợp tất cả vào tiết dạy bài học thêm sinh động, gây hứng thú cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên phải thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa để giúp các em tự tin trong giao tiếp, hình thành nên kĩ năng làm việc nhóm…

Tình cảm đong đầy

Giá trị vật chất gần như không hiện diện ở đây mà chỉ có tình cảm, sự giúp đỡ, quan tâm giữa những con người đang sinh sống tại đảo. "Có một lần học sinh vẽ tặng tôi một bức tranh nhân ngày 20-11 mà tôi chính là nhân vật trong bức tranh đó. Tôi rất xúc động trước tình cảm mà các em dành cho tôi. Có những lần phụ huynh biếu những bó rau, con cá, miếng thịt mà tôi biết để có được những thứ này là cả một quá trình mồ hôi nước mắt của họ"- thầy Hạ xúc động kể lại.

Còn thầy Lê Văn Mạnh, giáo viên ở xã Đảo Song Tử Tây, cho biết lần đầu tiên bước chân lên đảo là cảm giác thanh tịnh, chầm chậm khiến con người ta có cảm giác bình yên. Vẫn tiếng trẻ con gọi nhau í ới đi chơi, tiếng ngư dân giục nhau đi đánh bắt sản. Những vẻ mặt rạng rỡ của người vợ xen lẫn tiếng cười sảng khoái khi người chồng đi biển về.

"Khoảng 5 năm bám đảo dạy học, điều mà tôi nhớ nhất hình ảnh các em học sinh nhảy cẫng lên khi có các đoàn công tác ghé thăm đảo. Những ánh mắt hồ hởi, phấn khích như xoáy vào tim nhưng người thầy như chúng tôi, chúng tôi rất xúc động vì ở đảo quanh năm rất ít có người ghé thăm. Ở đảo, thầy giáo vừa là bảo mẫu, vừa là người anh, là người thầy giúp các cháu học tập, tìm hiểu nhân sinh quan thế giới quan. Cuối tuần nào, chúng tôi cũng tổ chức vui chơi, văn nghệ, thăm chùa, thăm các chú bộ đội, kể những câu chuyện lịch sử cho các cháu nghe. Ở đảo, cuộc sống thì khó khăn nhưng tình cảm thì đong đầy…" - thầy Mạnh nhớ lại.

Vượt sóng, gieo chữ ở Trường Sa - 2

Thấy Lê Văn Mạnh cùng các học sinh nhận thưởng trong lễ tổng kết ở xã đảo Song Tử Tây.

Theo thầy Mạnh, có lẽ lòng yêu nghề, mến trẻ, sự quý mến của mọi người là động lực to lớn giúp các thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù về lại đất liền công tác tại đất liền nhưng mỗi khi nhắc đến hai tiếng Trường Sa là tình yêu quê hương đất nước, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn cống hiến cho Tổ quốc trong tôi trỗi dậy mạnh mẽ. "Chỉ mới xa đảo 6 tháng nay, khi về đất liền tôi được phân công dạy cấp 2 nhưng mỗi lần thấy các cháu tiểu học, mẫu giáo là nỗi nhớ Trường Sa lại ùa về đến da diết" - thầy Mạnh tâm sự.

Còn với thầy Hạ, Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, nơi ấy các thầy cô tự hào đã góp phần gieo chữ cho thế hệ trẻ hiểu hơn về biển đảo Tổ quốc, ở nơi mà ông cha ta đã phải bỏ biết bao xương máu để giữ gìn, bảo vệ. Điều tôi mong mỏi nhất là các em học sinh ngoài này, sau này lớn lên, dù ở nơi nào, các em cũng sẽ trở thành người có ích cho xã hội, tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc và sẽ là những tuyên truyền viên về Hoàng Sa, Trường Sa, nơi mà các em đã từng sinh sống và học tập.

Bài: Kỳ Nam, Ảnh: Hạ Mạnh

Theo Người Lao Động

 

 

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục