Quảng Bình:

Vượt rừng, lội suối lên bản vận động học sinh đến trường

(Dân trí) - Đồng bào dân tộc trên địa bàn hai xã rẻo cao Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nằm ở các bản xôi, hẻo lánh nên việc học sinh bỏ học giữa chừng hoặc không đến trường là rất phổ biến, đặc biệt là vào mùa rẫy số lượng học sinh bỏ học lại càng tăng cao.

Video: Gian nan công tác vận động học sinh dân tộc tới trường theo học cái chữ Bác Hồ

Trường PT Dân tộc nội trú Bố Trạch (Quảng Bình) nằm trên địa bàn xã Thượng Trạch là nơi học tập của con em dân tộc thiểu số trên địa bàn hai xã biên giới rẻo cao Tân Trạch và Thượng Trạch. Được thành lập từ năm 2006, hiện tại nhà trường có 10 lớp với 269 học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, cũng như các trương học vùng cao khác, công tác vận động học sinh đến trường ở đây cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy giáo Phạm Trường Thọ, Hiệu trưởng trường PT Dân tộc nội trú Bố Trạch cho biết, gần 10 năm qua, trường được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ban ngành nên cơ sở vật chất được cải thiện đáng kể, nhìn chung cơ sở vật chất khá đảm bảo, tuy nhiên hiện nay việc vận động học sinh vẫn đang còn gặp rất nhiều gian nan.


Tuần nào cũng vậy, các cán bộ, thầy cô giáo trường THPT Dân tộc nội trú Bố Trạch lại lội suối, vượt rừng đến 18 bản để vận động các em học sinh đến trường theo học cái chữ

Tuần nào cũng vậy, các cán bộ, thầy cô giáo trường THPT Dân tộc nội trú Bố Trạch lại lội suối, vượt rừng đến 18 bản để vận động các em học sinh đến trường theo học cái chữ

“100% là con em dân tộc thiểu số nên ý thức tham gia học tập của các em còn hạn chế, bên cạnh đó là vùng đặc thù, miền núi rẻo cao nên rất khó khăn trong việc vận động, đặc biệt là vào các mùa rẫy của đồng bào. Mỗi năm đồng bào ở đây có 3 vụ mùa và thường công việc của mùa rẫy diễn ra trong hầu hết thời gian của một năm học, các em học sinh THCS lại là lao động chính trong gia đình nên các em thường nghỉ học. Trước tình hình này, hàng tuần nhà trường đều phải triển khai cán bộ, giáo viên đến từng gia đình học sinh, bản làng để vận động các em đến trường theo học”, thầy Thọ cho hay.

Nhiều năm qua, các cán bộ, thầy cô giáo trường PT Dân tộc nội trú Bố Trạch đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm bám bản, tuyên truyền, vận động để các bậc phụ huynh và các em học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc học. Nhờ vậy đã có rất nhiều em học sinh đã trở lại lớp.

Dù các em đã quay lại trường, nhưng sau đó ít hôm là các em lại ở nhà để lên nương làm rẫy cùng gia đình
Dù các em đã quay lại trường, nhưng sau đó ít hôm là các em lại ở nhà để lên nương làm rẫy cùng gia đình

Là người có thâm niên nhiều năm vận động học sinh, thầy Phạm Thanh Luân, chia sẻ: “Các em học sinh dân tộc hầu hết ở các bản rất xa, có nơi đến 20km, các thầy cô chỉ đi xe máy được nửa quảng đường, còn lại phải đi bộ vào để vận động các em trở lại trường. Vào mùa mưa gió, đi qua khe suối rất vất vả và cùng nguy hiểm. Có những lúc thầy cô vào bản thì các em lại trốn tránh, có những em còn nhảy lên sạp lúa trên nóc nhà để trốn. Các thầy cô đã rất nỗ lực vận động với mong muốn các em trở lại lớp để học tập và có một tương lai tươi sáng hơn”.

Với sự nỗ lực trong việc khuyến khích các em trở lại trường của các thầy cô giáo trường PT Dân tộc nội trú Bố Trạch thời gian qua cũng đã mang đến nhiều chuyển biết tích cực. Tuy nhiên, với nhiều lý do nên cứ vào mỗi mùa rẫy vẫn còn rất nhiều học sinh đồng bào dân tộc thường không chịu trở lại lớp học.

Điều kiện kinh tế khó khăn, bên cạnh đó, việc nhận thức của đồng bào dân tộc về tầm quan trọng của việc học vẫn còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, tình trạng học bỏ học vẫn thường xảy ra tại các trường học vùng núi. Thiết nghĩ, ngoài sự nỗ lực của nhà trường, cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc vận động, tuyên truyền để các em học sinh dân tộc đến trường nhằm góp phần vào việc nỗ lực xóa nạn mù chữ cũng như giúp các em học sinh dân tộc có một tương lai tươi sáng hơn.

Tiến Thành – Đặng Tài