Quảng Bình:
Vượt khó gieo chữ giữa đại ngàn
(Dân trí) - “Chúng tôi phải đi ròng rã gần một buổi từ điểm trường trung tâm mới vào được bản Ploang. Đi đến nơi thì cũng khóc hết nước mắt vì trơn trượt, ngã lên ngã xuống không biết bao nhiêu lượt…”, cô Phạm Thị Thêm, một giáo viên cắm bản chia sẻ.
“Băng rừng, lội suối” mang con chữ về bản
Trường Mầm non Trường Sơn nằm trên địa bàn xã Trường Sơn, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ngôi trường này hiện có 1 điểm chính và 13 điểm lẻ với 43 cán bộ, giáo viên và 460 em học sinh, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều.
Điểm trường Ploang là một trong những điểm trường xa nhất và vừa mới được mở vào đầu năm học 2018 - 2019, nhằm thực hiện chủ trương xóa dần "điểm trắng" về bậc học mầm non tại các thôn, bản. Là một bản vùng cao, nơi có địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên điểm trường Bloang rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học...
Do điểm trường này mới được thành lập nên cô và trò phải dùng chung nhà văn hóa bản để làm nơi học tập và sinh hoạt. Nhà văn hóa được ngăn ra 2 phòng, một phần làm lớp học của 25 em học sinh thuộc bản Ploang và Rìn Rìn, phần còn lại làm nơi ở của 2 cô giáo.
Để đến được Ploang, mang con chữ Bác Hồ về với trẻ em dân tộc, những cô giáo của Trường Mầm non Trường Sơn đã vượt qua không ít khó khăn, vất vả, băng qua những triền dốc, khe suối với muôn vàn hiểm nguy luôn thường trực.
Điểm trường Ploang còn là nơi học tập của các em nhỏ tại Rìn Rìn, bản làng cách đó gần 1 giờ đồng hồ đi bộ.
“Chúng tôi phải đi ròng rã gần một buổi từ điểm trường trung tâm mới vào được bản Ploang. Đi đến nơi thì cũng khóc hết nước mắt vì trơn trượt, ngã lên ngã xuống không biết bao nhiêu lượt. Chỉ cần một trận mưa rừng nặng hạt là các con suối sẽ ngập sâu và chảy xiết, đường về bản càng gian nan, nguy hiểm hơn rất nhiều”, cô Phạm Thị Thêm, một giáo viên cắm bản chia sẻ.
Địa hình rừng núi hiểm trở, đường đi lại khó khăn nên các cô giáo thường xuyên phải xa gia đình, không ít lần các cô đã bật khóc vì nhớ nhà, nhớ người thân. Trong khi đó sóng điện thoại không có để liên lạc, các cô đành phải nén nỗi buồn giữa đại ngàn vì tương lai của các em học sinh vùng cao.
Điểm trường chính của Trường Mầm non xã Trường Sơn, từ đây để đi đến được Ploang phải mất nửa ngày đường.
Và cứ mỗi lần về xuôi, các cô giáo lại cố gắng chuẩn bị và mang lên bản thật nhiều thức ăn khô, bánh, kẹo và cả những bộ quần áo, bút sách để dành tặng cho những cô, cậu học trò, tạo niềm vui cho các em mỗi ngày đến lớp.
Cô bảo “ra bể nước”, trò hiểu là “về đi ngủ”
Cô Trương Thị Trang, một giáo viên cắm bản khác tại Ploang cho biết, từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ lên bản, việc nấu ăn, vệ sinh cá nhân của các cô giáo đều được thực hiện ngay cạnh khe suối và bìa rừng nên rất bất tiện. Thấy vậy, người dân bản Ploang đã giúp đỡ dựng thêm một căn bếp nấu ăn và phòng vệ sinh. Với vật liệu là các cọc tre nứa dân bản chặt trên rừng mang về, bao bọc xung quanh là các tấm bạt giáo viên mua từ dưới xuôi mang lên.
Căn bếp nhỏ của các cô giáo cắm bản tại Ploang.
Ngoài những khó khăn trong vấn đề di chuyển và sinh hoạt thì sự bất đồng ngôn ngữ cũng là rào cản rất lớn đối với những cô giáo miền xuôi. Tại điểm trường Ploang, đã không ít lần xảy ra những hiểu nhầm do bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò.
“Các em mầm non ở đây hầu hết không biết tiếng Kinh, các cháu chỉ hiểu tiếng Vân Kiều. Những ngày mới lên bản, thấy học trò chơi nghịch bẩn, các cô mới nói các con “ra bể nước” rửa tay. Nói xong thì các con bỏ ra về. Sau này mới biết, “bể” trong tiếng Vân Kiều là “đi ngủ”. Các cô ở đây cũng phải học từ đồng bào về tiếng của họ để dễ giao tiếp và giảng dạy tốt hơn”, giáo Trang tươi cười kể lại.
Các em học sinh chính là niềm động lực lớn lao để các cô giáo cắm bản vượt qua khó khăn, tiếp tục sự nghiệp gieo chữ nơi bản nghèo.
Còn đối với nhiều phụ huynh tại điểm trường Ploang, họ luôn trân trọng và dành tình cảm cho những cô giáo cắm bản, và hơn hết là hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập. Bởi vậy, dù phải cõng con đi bộ băng núi, vượt suối hiểm trở mới tới được lớp học nhưng từ đầu năm tới nay, rất ít trường hợp học sinh nghỉ học, ngoại trừ những ngày mưa lớn, nước dâng cao không thể đi được.
Các cô giáo của Trường Mầm non Trường Sơn đang cố gắng vượt gian khó để giáo dục trẻ được tốt nhất. Nỗ lực để toàn bộ trẻ em bậc học mầm non tại xã miền núi Trường Sơn đều được đến lớp.
Cô giáo Trần Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Sơn cho biết, ngoài điểm Ploang, thì trên địa bàn xã Trường Sơn còn có điểm Sắt cũng nằm rất xa khu vực điểm trường chính, phải đi bộ cả buổi mới đến được. Những điểm trường khác như Hôi Rấy, Nước Đắng còn phải đi bằng đường sông. Đặc biệt, tại bản Dốc Mây vẫn chưa thể mở được điểm trường lẻ do đường sá vào bản quá xa xôi, hiểm trở, phải đi bộ cả ngày rừng.
Nhà trường cũng đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn, mở thêm điểm trường mới, để toàn bộ các bé tại xã miền núi Trường Sơn đều được đến lớp.
Tiến Thành