Vừa nhập học đã bảo lưu kết quả vì... học phí!

Tại các trường ĐH, CĐ, nhiều sinh viên không có tiền để đóng học phí, phải xin bảo lưu kết quả; nhiều em do Ngân hàng Chính sách xã hội hết vốn cho vay cũng trong tình trạng lao đao... Còn các trường ĐH, CĐ thì lo lắng, lúng túng tìm cách giải quyết chính sách xã hội.

Dù đã rất cố gắng dành dụm nhưng đến hạn đóng học phí năm học 2005-2006, em cũng chỉ mới gom góp được 1,1 triệu đồng. Số còn thiếu em không biết làm sao mà lo cho xong được”. Mai Thị Khuyên, sinh viên lớp 03DTP3 Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH DL Kỹ thuật công nghệ TPHCM, bộc bạch. Khuyên đến từ Tân Thanh, Tân Châu, Tây Ninh, 2 năm qua vừa đi học, vừa đi làm để trang trải cuộc sống.

 

Mới nhập học đã xin bảo lưu kết quả

 

Không chỉ sợ, mà sự thực có rất nhiều sinh viên đã dở dang vì thiếu học phí, thiếu tiền để trang trải cho cuộc sống. Mới nhập học nhưng tân sinh viên Nguyễn Đình Hồng, lớp MX05 Khoa Cơ khí Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, đã “xin bảo lưu kết quả” vì lý do học phí. Hồng nói: “Trong khi chờ sự phê duyệt của nhà trường, em phải cố gắng kiếm tiền để tiếp tục học”. Không có tiền đóng học phí, trình bày với nhà trường Hồng vẫn được nhập học.

 

Hồng tâm sự: “Nhà trường chỉ cho hoãn đóng tiền học phí hoặc hỗ trợ phần nào đó thôi, em nghèo nhưng lại không thuộc diện miễn học phí hoặc cấp học bổng”. Hồng nghĩ, năm sau, khi đã kiếm được một số tiền, em sẽ quay lại, lại được ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng Hồng mới từ quê vừa chân ướt chân ráo vào TP, không ai thân thích...

 

Tại trường này, không ít trường hợp như Hồng. Khoa Kinh tế vận tải có em Ahơ Lăng Ninh không có cả chỗ ở, cơm ăn từng bữa. Anh Trần Đình Long, tổ trưởng tổ công tác sinh viên nhà trường, cho biết năm qua có 137 sinh viên xin nghỉ có thời hạn. “Đa số nghỉ có thời hạn đều do kinh tế quá khó khăn. Tân sinh viên xin bảo lưu kết quả, sắp hoàn thành chương trình ĐH cũng phải xin bảo lưu kết quả vì thiếu tiền, số này nhiều quá, sức của trường không đủ để lo hết”, anh Long cho hay.

 

Nghỉ học vì... ngân hàng hết vốn!

 

Tại Trường ĐH DL Hùng Vương, năm nay có 120 lá đơn xin hoãn học phí vì... chưa nhận được tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước đó, năm 2004, ngân hàng đang cho vay nửa chừng thì ngưng. Những sinh viên rơi vào tình trạng bị ngưng không biết trông cậy vào đâu.

 

Em Lê Xuân Tài, Khoa Quản trị kinh doanh, lớp 02QK, tâm sự: “Mỗi năm được vay 2 lần, mỗi lần 1,5 triệu đồng, tuy chưa đủ đóng học phí nhưng cũng giải quyết được phần nào. Nếu năm nay ngân hàng không cho vay em cũng phải xin nghỉ tạm thời thôi”. Em Đặng Thị Kim Tuyền (Long An), lớp 02CT1 Khoa Tài chính, cũng lao đao vì ngân hàng hết vốn. “Đi làm ráng lắm cũng chỉ đủ ăn, ở. Tiền học phí thì... khó quá”. Mỗi trường ĐH đều có vài trăm sinh viên vẫn đang trong tình trạng khắc khoải như họ...

 

Nhiều trường ĐH cho biết, năm nay “chưa có thông báo ngân hàng tiếp tục cho vay”. Trường ĐH Luật TPHCM năm 2003 có 150 trường hợp được giải quyết vay, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM năm 2004 có 53/61 sinh viên có nhu cầu. Rồi Trường ĐH DL Kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM... “Nhưng năm học 2005-2006 thì hình như ngân hàng đang hết vốn và khả năng sinh viên được vay vốn tín dụng sẽ không cao” - ông Ngô Đức Tuấn, Trưởng Phòng Công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM, nói.

 

Và những trường hợp lơ lửng...

 

Ông Nguyễn Quốc Bính, Phó trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH DL Hùng Vương, nói: “Quy định về vay vốn tín dụng sinh viên còn yêu cầu về kết quả học tập và phân vùng... Như vậy những trường hợp khó khăn không thuộc quy định thì lơ lửng”. Và điều đó xảy ra ở rất nhiều trường ĐH. Trường hợp của sinh viên Trần Xuân Đức, lớp KX04, Trường ĐHDL Hùng Vương là 1 ví dụ. Học được 1 năm, Đức làm đơn xin bảo lưu kết quả. “Em đã cố lắm rồi, vừa học vừa làm để sống và đóng học phí thì không thể có kết quả khá hơn được.”. Gợi ý về vay tiền đâu đó, Đức trả lời: “Biết vay vào đâu, quỹ trường hết, ngân hàng thì em không đủ điều kiện...”.

 

 

Theo Mỹ Dung

Người Lao Động