Vụ giáo viên cho 21 bài kiểm tra điểm 0: Cô giáo đang giận gì lớp?

Hoài Nam

(Dân trí) - Sự việc giáo viên tại Trường THCS Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hàng loạt bài kiểm tra điểm 0 và sau đó bị kiểm điểm kéo theo nhiều ý kiến tranh cãi.

Không báo cáo nhà trường sau khi chấm điểm 0 cho 21 bài kiểm tra 15 phút tại một lớp 8, cô L.T.T.T, giáo viên Trường THCS Châu Đức, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu bị kiểm điểm và chuyển việc. Cô T. sẽ thôi không dạy môn Công nghệ ở khối 8 và được nhà trường sắp xếp phụ trách thiết bị thí nghiệm. 

Vụ giáo viên cho 21 bài kiểm tra điểm 0: Cô giáo đang giận gì lớp? - 1

Học sinh Trường THCS Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh minh họa: Website nhà trường).

Không bắt học sinh đi học thêm như đồn đoán

Theo thông tin sự việc, học kỳ 1 năm học 2022 - 2023, cô T. cho học sinh lớp 8A6 làm bài kiểm tra 15 phút. Kết quả có đến 21/34 em bị điểm 0, 5 em điểm 1, còn lại là điểm 2, 3, 4. Duy nhất chỉ có một học sinh được điểm 10.

Tại lớp 8A4, 8A5 do cô T. phụ trách cũng hàng loạt bài thi dưới trung bình, trong đó có nhiều điểm 0. 

Bảng điểm này được cô T. đưa lên hệ thống mạng giáo dục Việt Nam VNEDU không thông qua nhà trường. Theo nữ giáo viên, một số học sinh xem thường môn học này vì cho rằng đây là môn phụ nên học lơ là. Tiết học môn Công nghệ nhưng học sinh lại tranh thủ học môn khác.

Trước khi kiểm tra, cô T. đã dặn đề cương cho học sinh ôn tập nhưng học sinh không học bài nên dẫn đến điểm thấp. 

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Châu Đức, lỗi của cô T. là đưa bảng điểm lên hệ thống khi chưa thông qua nhà trường. Khi lớp có nhiều học sinh điểm dưới trung bình, đặc biệt là có rất nhiều điểm 0, giáo viên cần trao đổi với nhà trường để có hướng khắc phục.

Đơn vị này cũng cho rằng, công tác chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và quán triệt thực hiện việc đánh giá học sinh của Trường THCS Châu Đức chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Châu Đức phủ nhận thông tin cô T. dạy môn Công nghệ "o ép" để bắt học sinh đi học thêm như đồn đoán. 

Nói về việc giáo viên cho hàng loạt bài kiểm tra điểm 0, thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM đặt câu hỏi: "Phải chăng cô giáo đang giận gì lớp?". 

Thực tế có tình trạng học sinh thường lơ là, không tập trung ở các môn phụ làm giáo viên có tâm lý "bị học sinh coi thường". Điều này có thể dẫn đến thái độ gay gắt với học sinh hoặc hành vi răn đe bằng hình thức trách phạt, ghi điểm. 

Lớp thầy Chính chủ nhiệm cũng từng xảy ra sự việc tương tự khi học sinh ồn ào, mất trật sự trong giờ Công nghệ. Sau khi giáo viên bộ môn phản ánh, thầy đã trao đổi với lớp để chấn chỉnh ngay. Vấn đề này nếu giáo viên chủ nhiệm xử lý ổn thỏa thì chưa cần thiết phải báo cáo với ban giám hiệu.

Thầy Chính cho rằng, giáo viên cho 21/34 bài kiểm tra điểm 0 là việc không nên. Thầy cô có thể cho bài kiểm tra khó để "đe" học sinh lo học chứ không nên lấy cột điểm đó. La rầy, trách phạt là cần thiết nhưng cần "giơ cao đánh khẽ", nên cho học sinh thấy lỗi để sửa sai. 

"Khi học sinh không hợp tác với giáo viên, chúng ta cần xem xét đây là phản ứng của một số em cá biệt hay là ý kiến của số đông trong lớp? Trong trường hợp này, giáo viên có thể tự xoay xở để giải quyết hoặc báo với giáo viên chủ nhiệm để phối hợp hoặc báo cáo với ban giám hiệu nếu tình trạng lớp không thay đổi", thầy Chính chia sẻ. 

Về sự việc nhà trường thôi để cô giáo phụ trách môn Công nghệ, thầy Chính bày tỏ việc cho điểm 0 ở một vài em cũng cần xem xét, huống chi là với hơn nửa lớp. Việc thay đổi giáo viên tùy vào đánh giá của ban giám hiệu về mức độ giao tiếp của giáo viên đó với lớp. Nếu sự việc là mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh thì đây là giải pháp chấp nhận được. Khi cần thiết vẫn nên thay đổi giáo viên để "giải tỏa" cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Cần xem xét quy chế kiểm tra, đánh giá của trường 

Bàn về góc độ quản lý trong sự việc kiểm điểm, chuyển việc giáo viên cho nhiều bài kiểm tra điểm 0, Hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM đặt vấn đề rằng, cần xem xét trường đã có quy chế về kiểm tra, đánh giá, cho điểm chưa? Điều lệ trường phổ thông và Quy chế đánh giá cho điểm của Bộ GD&ĐT không đi vào cụ thể, chi tiết nhưng mỗi trường phải có quy chế về kiểm tra đánh giá, cho điểm…

Theo quy chế nhà trường, khi có hiện tượng lớp có bài kiểm tra có điểm dưới trung bình quá nhiều, nếu làm cẩn trọng, hiệu trưởng cần thực hiện các nội dung gồm: Đề nghị giáo viên của lớp giải trình; yêu cầu phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn (nhóm trưởng chuyên môn, khối lớp có bài kiểm tra đó) đánh giá đề kiểm tra của lớp đó để báo cáo hiệu trưởng về đề, tham mưu hướng xử lý.

Lãnh đạo nhà trường cần tham khảo ý kiến của giáo viên, đội ngũ quản lý học sinh, giáo viên bộ môn để nắm tình hình lớp, tình hình học sinh một cách khách quan.

Có thể có các khả năng như thái độ học tập học sinh lớp này không tốt thật, mà các giáo viên khác không muốn động chạm sợ rắc rối, khả năng là do xung đột trong mối quan hệ… Khi đó cần mời giáo viên để trao đổi, yêu cầu hướng khắc phục. Việc xem xét có kiểm điểm, phê bình, đánh giá kết quả công tác hay không cũng phải căn cứ đánh giá của tổ chuyên môn. 

Nhà quản lý này cũng đặt câu hỏi: Khi biết sự việc, hiệu trưởng có cho bộ phận quản lý rà soát các cột điểm của giáo viên, cột điểm hiện nay và các cột điểm trước đó? 

Vì để có góc nhìn toàn diện trước một sự việc, cần xem đó là sự cố về đề kiểm tra hay vấn đề tâm lý nhất thời của giáo viên đối với thái độ học tập của học sinh?

Hiệu trưởng có thể đánh giá tình hình và đề nghị giáo viên điều chỉnh khắc phục ngay nếu xét đó là vấn đề nhất thời, không mang tính hệ thống, không có mưu cầu mục đích tiêu cực.

Theo nhà quản lý này, nếu nhà trường kiểm điểm điều chuyển công việc của cô giáo này vì lý do "không báo cho lãnh đạo khi điểm bài kiểm tra có nhiều điểm 0" là không thuyết phục.

Về lỗi cô T. được nhắc đến "là đã đưa bảng điểm lên hệ thống VNEDU nhưng không thông qua trường", nữ hiệu trưởng cũng đặt ra vấn đề nhà trường có quy chế về việc thực hiện cập nhật điểm lên hệ thống không? Thông thường, trong phân quyền quản lý điểm, đến thời hạn nhập điểm, giáo viên chủ động nhập điểm vào hệ thống, không phải thông qua kết quả với lãnh đạo rồi mới được nhập.

Việc công tác chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và quán triệt thực hiện việc đánh giá học sinh của Trường THCS Châu Đức chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả đánh giá của lãnh đạo Phòng GD&ĐT, theo bà, điều này cần kiểm điểm hiệu trưởng, lãnh đạo trường chứ không phải giáo viên. 

"Nếu tôi là giáo viên này, tôi sẽ thu thập những văn bản quy định, quy chế và các hồ sơ xử lý của nhà trường để khiếu nại", vi hiệu trưởng nêu quan điểm,

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm