Quảng Trị:

Vợ chồng ông lão Vân Kiều hơn 20 năm nuôi học trò nghèo miễn phí

(Dân trí) - Dù không có quan hệ thân thích, họ hàng gì nhưng hơn 20 năm qua, vợ chồng ông Hồ Xuân Neng vẫn nhận nuôi hàng chục học sinh nghèo và không hề lấy bất cứ một cân thóc nào. Nhiều em học sinh ở với gia đình ông lâu dần trở nên thân quen, vợ chồng ông cũng xem như con cháu trong nhà.

Lòng nhân hậu của “Pả Hiếu”

Nhiều người dân thôn Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị) thường nhắc đến vợ chồng ông Vỗ Công đầy sự kính trọng. Bởi vì, vợ chồng ông thường dang tay giúp đỡ những người nghèo khó, đặc biệt là các em học sinh. Vỗ Công cũng là tên của ông Hồ Xuân Neng, còn mọi người Vân Kiều nơi đây hay gọi là “Pả Hiếu” (Pả tức là bố, còn Hiếu là gọi theo tên con trai của ông).


Hơn 20 năm nay, vợ chồng ông Công luôn tận tình nhận nuôi hàng chục em học sinh khó khăn.

Hơn 20 năm nay, vợ chồng ông Công luôn tận tình nhận nuôi hàng chục em học sinh khó khăn.

Ông Vỗ Công sinh năm 1939, khi lớn lên ông tham gia phục vụ trong quân đội, rồi được phân về công tác tại Binh trạm 47, quân khu Bình Trị Thiên. Sau 20 năm công tác, tháng 10/1977, ông trở về sống với gia đình tại xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ gian khó nên ông cũng thấu hiểu được những vất vả của học sinh quê hương mình trong quá trình theo đuổi giấc mơ tìm con chữ.


Những tấm bằng khen, giấy khen mà Đảng, Nhà nước đã tặng ông Công.

Những tấm bằng khen, giấy khen mà Đảng, Nhà nước đã tặng ông Công.

Thương các em học sinh Vân Kiều nơi đây hàng ngày phải lặn lội đường xa đến trường học chữ. Trong khi đó, đường sá đi lại khá vất vả, nhiều đèo dốc, tệ nhất là về mùa mưa, nhiều bản bị cách trở bởi sông, suối nên không qua được. Nghĩ đến việc học của các em có thể bị gián đoạn, ông Công bàn với vợ và các con mình nhận nuôi 4 em học sinh là con của những người các bản khác mà ông quen biết về nhà trọ học. Tuy hoàn cảnh gia đình ông lúc đó cũng chẳng khấm khá gì, nhưng ông vẫn nuôi ăn ở miễn phí, không nhận bất cứ cân thóc, hạt gạo nào của họ. Những năm sau đó, khi trường được xây dựng gần nhà, số học sinh cứ ngày càng tăng lên, có khi lên tới hơn chục em.

Những việc làm của vợ chồng ông Công đối với học sinh nghèo thì người dân cả bản đều biết. Tuy nhiên, khi nói về mình, ông Công chỉ khiêm tốn: “Thấy các cháu lặn lội đường xa đến trường gặp biết bao vất vả, thậm chí nguy hiểm trên đường nên tui nhận cho các cháu trọ học thôi. Lúc đó, trường xây dựng tạm bợ và không có nhà bán trú như bây chừ. Tui cho các cháu ở trọ để chúng có nhiều thời gian hơn lo cho học hành. Mình đã trải qua rồi nên mình hiểu được những trở ngại của các cháu. Bà con mình bao đời nay chỉ biết gắn bó với nương rẫy, đời sống còn nghèo nên phải học để biết lấy cái chữ mới mong cuộc sống sau này bớt khổ”.

Già Công nhắc nhở các em học sinh chú tâm hơn trong học tập.
Già Công nhắc nhở các em học sinh chú tâm hơn trong học tập.

Các em học sinh đến ở trọ nhà Vỗ Công đều được vợ chồng ông chăm sóc từng li từng tí, không chỉ miếng ăn, giấc ngủ mà ngay cả quần áo cũng được vợ ông tỉ mẫn giặt giũ. Đầu tuần các em được người nhà đưa đến trường hoặc tự đi bộ về học, đến cuối tuần các em mới về thăm nhà một lần.

Ông Công cho biết, các cháu ở nhà ông đều ở các bản xa như: Tà Lao, Vôi, Chai, Ly Tôn…Trong đó, nhiều bản cách trường hàng chục cây số, đường giao thông chủ yếu là đường mòn, đường đất. “Ở trong nhà thì miềng ăn cái gì thì các cháu ăn nấy, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Chỉ khi các cháu ốm đau thì miềng mới gọi cha mẹ chúng về đưa đi khám. Nhà đứa mô cũng nghèo nên miềng cũng không nhận cái gì, thương chúng được chừng nào thì chúng nhờ thôi” – ông Công tâm sự.

Không chỉ nhận nuôi các em học sinh nghèo, năm 2004, ông Công còn hiến hơn 200 m2 đất để xây dựng điểm trường mầm non xã Tà Long ngay cạnh nhà. Gia đình ông tự nguyện giúp đỡ, dẫn nguồn nước sinh hoạt từ nhà qua điểm trường để các cháu có nước sạch.

Chắp cánh tương lai cho trẻ nghèo vùng cao

Gìa Vỗ Công nhẩm tính, từ năm 1993 đến nay ông đã nhận nuôi gần 25 học sinh. Dù vậy, vợ chồng ông chưa bao giờ phàn nàn một điều gì, thậm chí còn coi các cháu như con cái trong nhà. Khi các con ông lớn lên và ra ở riêng, trong nhà chỉ có hai vợ chồng thì tiếng cười nói hàng ngày của các cháu đã tiếp thêm niềm vui cho vợ chồng ông.

Khi chúng tôi gặp già Công, đúng lúc vợ chồng ông và các em đang quây quần trên tấm chiếu được trải giữa nhà. Những tiếng gọi thân mật “Pả Hiếu”, Pỉ Huệ (bà Hồ Thị Huệ, vợ ông Công - PV) càng khiến cho ngôi nhà của ông trở nên ấm cúng. Pỉ Huệ cười bảo: “Có chúng nó bầu bạn, vợ chồng tui cũng cảm thấy vui, không bao giờ buồn nữa”.

Tấm lòng nhân hậu của vợ chồng “Pả Hiếu” đã giúp cho nhiều học sinh có điều kiện hơn để yên tâm học tập. Không chỉ vậy, thấy các em thiếu thốn, ông còn trích tiền phụ cấp của mình để mua sắm quần áo, dép, mũ và các dụng cụ học tập. Sự chăm lo ấy còn hơn cả cha mẹ lẫn những người thân ruột thịt của các em. Nhiều em học sinh được vợ chồng ông nuôi dưỡng, đến khi nhà trường xây dựng nhà bán trú thì không muốn chuyển ra bên ngoài. Một số em học xong có điều kiện được học lên các cấp cao hơn. Trong đó, một người trở thành Bí thư chi bộ thôn, một em tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh và trở về dạy học ở thôn biên giới trong xã Tà Long.

Trong tâm thức các học sinh này, vợ chồng ông Công và vợ chồng chị Dầm là những ân nhân luôn sẵn sàng giúp đỡ các em.
Trong tâm thức các học sinh này, vợ chồng ông Công và vợ chồng chị Dầm là những ân nhân luôn sẵn sàng giúp đỡ các em.

Năm nay, gia đình ông vẫn tiếp tục nhận nuôi thêm 4 học sinh. Em Hồ Thanh Chiều (ở Bản Chai, học sinh lớp 8 trường THCS Tà Long) nói: “Em rất thương Pả Hiếu và Pỉ Huệ, cả cô A Dầm nữa. Nhà ở xa nên em phải về đây trọ học, nhưng chúng em được Pả, Pỉ nuôi ăn ở, có cô Dầm giặt giũ quần áo, nấu cơm cho ăn. Nhờ đó mà chúng em có thời gian để học tập tốt hơn”.

Trong tâm thức của biết bao học sinh luôn xem vợ chồng ông Công và các con của ông là những ân nhân luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ các em những lúc khó khăn nhất.

Chị Dầm luôn săn sóc các học sinh từng li từng tí.
Chị Dầm luôn săn sóc các học sinh từng li từng tí.

Chị Hồ Thị A Dầm, con dâu ông Công nói: “Từ khi tôi về làm dâu nhà này đã thấy bố mẹ chồng tôi nhận nuôi học sinh ở trong nhà rồi. Thấy các cháu nhà nghèo mà ham học tôi cũng thương. Hàng ngày, trước khi đi làm tui nấu cơm cho các cháu để chúng đi học, tối về lại nấu cơm chiều, giặt giũ quần áo. Nhiều lúc sợ các cháu nhịn đói đến trường lại không có sức mà học nên đành phải bỏ việc nương rẫy, về sớm để lo bữa cho các cháu”

Già Công chia sẻ: “Mình còn nuôi được thì giúp đỡ các cháu. Chỉ mong rằng chúng nó học hành thật tốt để tương lai sáng sủa hơn thôi. Nhiều người trong bản nói với mình rằng, nhà trường có nhà bán trú sao bố không bảo chúng về ở đó, nhưng miềng nghĩ chúng nó như là con cháu rồi. Nhìn đứa nào cũng tội, nên gia đình sống như thế nào thì nó sống như vậy”.

Dù đã bước qua tuổi 75, nhưng già Công vẫn ngày ngày chăm lo cho các em học sinh Vân Kiều nơi đây. Vợ chồng ông lấy đó làm nguồn vui, là mục đích sống suốt hàng chục năm qua.

Đăng Đức