Việt Nam và Pháp sẽ công nhận bằng cấp của nhau

Việt Nam và Pháp sẽ triển khai việc công nhận các quá trình đào tạo và văn bằng của nhau, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên theo học giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp tại nước đối tác.


Việt Nam và Pháp sẽ công nhận bằng cấp của nhau

Lễ ký giữa Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ trưởng Giáo dục quốc gia, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu của CH Pháp.

Đây là nội dung của thỏa thuận hành chính vừa được ký kết tại Paris, ngày 8-6, giữa Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Giáo dục quốc gia, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu của CH Pháp, bà Najat Vallaud-Belkacem. Hai nước cũng sẽ trao đổi các hoạt động văn hóa thể thao, dự kiến sẽ gia tăng trong những năm tới.

Từ ngày 4-6 đến 9-6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận có chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc gia, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu của CH Pháp, Quốc vụ khanh Phát triển và Pháp ngữ Pháp và Giám đốc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.

Tại cuộc hội đàm tại trụ sở Bộ Giáo dục quốc gia, Giảng dạy đại học và Nghiên cứu Pháp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Najat Vallaud-Belkacem thảo luận và thống nhất một số nội dung nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt về trao đổi học bổng giữa hai nước, cử giảng viên - nghiên cứu viên của Việt Nam sang Pháp đào tạo trình độ Tiến sĩ, giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại Pháp.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, Bộ trưởng Najat Vallaud-Belkacem cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét, cập nhật chính sách cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, tập trung vào các bộ môn, lĩnh vực mà hai nước ưu tiên. Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, mở rộng thêm khuôn khổ hợp tác chung quanh dự án Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội (USTH). Trong dự án này, đã có rất nhiều chương trình hợp tác và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm".

Việt Nam và Pháp sẽ công nhận bằng cấp của nhau

Tiếp đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ trì cuộc họp Hội đồng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội lần thứ 2. Tham dự, có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn. Tại phiên họp, sau khi nghe các báo cáo tổng kết giai đoạn 2013-2015 và các định hướng chiến lược của Trường, các thành viên Hội đồng trường đã cùng thảo luận và biểu quyết các nội dung liên quan đến: Quản trị và cơ cấu tổ chức, Bản sắc và truyền thông, Bảo đảm chất lượng, Tài chính kế toán, Đào tạo và Nghiên cứu.

Trước đó, ngày 5-6, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ về phát triển kỹ thuật số trong không gian đại học diễn ra ở Paris. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Pháp và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) với sự hỗ trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

Nhân dịp này, 45 Bộ trưởng đã thảo luận về thực trạng và triển vọng phát triển kỹ thuật số trong không gian đại học Pháp ngữ như: Thực trạng về các nguồn kỹ thuật số trong giáo dục đại học; Kỹ thuật số, công cụ đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy; Các điều kiện về cơ sở vật chất để phát triển kỹ thuật số trong giáo dục đại học; và các điều kiện về tài chính để phát triển kỹ thuật số trong giáo dục đại học.

Các Bộ trưởng đã thống nhất tăng cường tìm hiểu, trao đổi thông tin và sử dụng chung các nguồn học liệu kỹ thuật số của các cơ sở giáo dục đại học thông qua việc xây dựng chung một cổng điện tử Pháp ngữ, cùng nghiên cứu về phương thức công nhận chất lượng của các chương trình giảng dạy bằng kỹ thuật số; huy động các nguồn nhân lực và tài chính trong Cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực kỹ thuật số ở giáo dục đại học; giao Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) chủ trì triển khai các hoạt động tiếp theo.

Theo Khải Hoàn và Đình Tuấn

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp