Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với thế giới về dạy học trong dịch Covid -19
(Dân trí) - Ngày 18/6, Diễn đàn chính sách trực tuyến Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với chủ đề “Giáo dục trong thế giới hậu Covid-19” (Education in a post Covid-19 World) đã được tổ chức.
Diễn đàn chính sách Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đã thu hút được 16.000 người theo dõi.
Đây là Diễn đàn đặc biệt được tổ chức nhằm bàn các giải pháp quản lý hệ thống giáo dục trong thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, việc đảm bảo cho học sinh tiếp tục được học tập, bất kể khi các em đến trường hay ở nhà và tương lai của giáo dục giai đoạn giáo dục hậu Covid-19.
Tại diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm với các nước về một số việc đã thực hiện tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc đầu tiên là Bộ GDĐT nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch năm học và tinh giản nội dung chương trình giảng dạy để thích ứng với thực trạng.
Trong thời điểm đại dịch, học sinh phải nghỉ học ở nhà, ngành Giáo dục đặc biệt chú ý đến chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi phương pháp giảng dạy. Dạy học trực tuyến được triển khai trên cả nước, giáo viên được khuyến khích chia sẻ tài nguyên trực tuyến, học sinh thuộc nhóm yếu thế, những học sinh không thể truy cập các thiết bị công nghệ số để học từ nhà được quan tâm đặc biệt.
“Các giáo viên đã phát triển các bài học được phát trên hơn 28 kênh truyền hình trong cả nước để đảm bảo “tiếp tục việc học” cho tất cả học sinh trong thời gian nghỉ ở nhà do Covid-19. Giáo viên thậm chí còn mang tài liệu học tập trực tiếp đến nhà học sinh”, Bộ trưởng nói.
Trao đổi kinh nghiệm với Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á về việc mở lại trường học sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến ba khía cạnh mà Việt Nam đã làm tốt.
Trước hết đó là việc đảm bảo chất lượng học tập để bù lại thời gian giãn cách xã hội cho tất cả học sinh, trong đó dành sự quan tâm đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đặc biệt, đã đưa ra được phương án để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi quan trọng khác vẫn được diễn ra theo kế hoạch. Điều này rất quan trọng để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập.
Tiếp đến, theo Bộ trưởng là phải hiểu những khó khăn của học sinh. Trong đó chú ý đến những học sinh không quay trở lại trường học, hoặc những học sinh quay lại trường học nhưng không bắt nhịp được với việc học. “Đối với những trường hợp này, chúng tôi xây dựng kế hoạch riêng với sự tham gia và phối hợp của học sinh và phụ huynh”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cuối cùng, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang tập hợp các video bài giảng được thực hiện và chia sẻ bởi giáo viên trong thời gian qua để tạo thành một kho tài liệu số trực tuyến. Kho học liệu này cũng sẽ từng bước phát triển cả bằng tiếng Anh để đóng góp với kho tài nguyên giáo dục mở trong khu vực.
“Việt Nam đã cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn và tiếp tục việc học cho học sinh. Đại dịch Covid-19 rõ ràng không phải là vấn đề của một quốc gia. Đây là trách nhiệm chung của tất cả các nước Đông Nam Á” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Kết thúc Diễn đàn, Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận, hướng tới thông qua Tuyên bố chung với 3 nội dung ưu tiên:
Nâng cao năng lực của giáo viên, đặc biệt chú trọng phát triển các kỹ năng sử dụng công nghệ thay thế khi khu vực thích nghi với thực tế của Covid-19;
Duy trì sự phát triển bền vững và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các kho các tài nguyên giáo dục mở trong khu vực nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu giáo dục của người học ở Đông Nam Á;
Phát triển quan hệ đối tác và liên minh chiến lược, đảm bảo đầu tư đầy đủ cho giáo dục trong Giai đoạn phục hồi Covid-19.
Hồng Hạnh