Bạn đọc viết:
Vì sao nữ sinh hay đánh nhau?
(Dân trí) - Chưa bao giờ tình trạng học sinh nữ đánh nhau trong trường học lại được phụ huynh quan tâm như hiện nay. Họ cho rằng đây là vấn nạn cần phải được tháo gỡ giải quyết. Tất cả chúng ta hãy chung tay vì tương lai con em chúng ta.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, huyện với người dân Châu Thành (Tây Ninh) ngày 10/1/2018, một phụ huynh có con gái học cấp 2 cho biết rất lo lắng vì học sinh nữ hiện nay đánh nhau nhiều quá. Phụ huynh mong muốn vấn đề này được tất cả mọi người quan tâm và cùng tìm giải pháp.
Trên thực tế, hiện nay học sinh nữ đánh nhau trong trường học không phải là chuyện lạ. Do vậy, bây giờ nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng cho con em mình. Họ rất sợ chúng bắt chước thói hư tật xấu này. Chính vì vậy mà một cử tri đã tỏ ra rất gay gắt trước thực trạng này. Họ cho rằng trường học cũng như toàn xã hội hãy cùng chung tay để ngăn chặn “vấn nạn” đó.
Là một giáo viên với thâm niên đứng lớp gần hai mươi năm, chưa bao giờ tôi thấy phụ huynh lại gay gắt như thế. Họ cho rằng con đi học mà lòng thấy bất an. Nhiều em nữ ngoan nhưng vẫn bị bạn trong lớp xử lí vì những mâu thuẫn nhỏ. Hôm trước, con gái họ bị bạn cùng khối đánh vì hiểu lầm chuyện bạn bè. Thực sự họ rất muốn nhà trường có giải pháp để khắc phục vấn đề này.
Nhớ lại thời chúng tôi đi học, con gái lúc nào cũng nhẹ nhàng, thùy mị. Dường như chưa bao giờ có hiện tượng đánh nhau. Chúng tôi chỉ cần hơi lớn tiếng một chút là giáo viên uốn nắn ngay. Lúc nào thầy cô cũng quan điểm “con gái phải dịu dàng”, con gái thì phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Chuẩn mực ấy đôi khi khiến chúng tôi trở nên rụt rè, nhút nhát.
Còn bây giờ các học sinh nữ vừa mạnh mẽ vừa hoạt bát. Các em rất tự tin khi tham gia các phong trào. Tuy nhiên một số em lại “nổi loạn” quá mức. Nào là nói tục, chửi thề, đánh nhau, ăn mặc trái quy định. Nhiều em nữ rất muốn gây sự chú ý. Lúc nào các em cũng muốn khẳng định mình là trung tâm. Đôi khi chỉ là hiểu lầm nho nhỏ là các em sẵn sàng lao vào đánh bạn. Có em đánh bạn vì sự thách thức. Các em luôn muốn khẳng định mình cũng như gây sự chú ý của mọi người. Đây là thực trạng đáng báo động trong các trường học.
Phần lớn các em học sinh này thường rơi vào các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Nào là cha mẹ nghèo mải làm ăn hay cha mẹ li dị ở với ông bà... Tất cả đều thiếu sự quan tâm dạy dỗ của người lớn. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm bây giờ lại ngại đụng chạm nên ít la rầy các em, hầu hết các thầy cô né tránh học sinh hư... Cứ như vậy mà tình trạng này ngày một tăng.
Là một giáo viên, tôi nhận thấy đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Theo tôi để hạn chế việc các em nữ đánh nhau, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần đưa pháp luật vào trong chương trình giảng dạy để các em hiểu rằng đánh nhau là vi phạm pháp luật.
Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm hơn nữa đến những học sinh cá biệt. Có thể trò chuyện tâm tình cùng các em để tháo gỡ những vướng mắc trong lòng. Thầy cô luôn động viên và khuyến khích các em cùng cố gắng. Những lời tâm sự của thầy cô sẽ giúp các em có những hành vi chuẩn mực.
Thứ ba, nhà trường cần tổ chức các chuyên đề giáo dục đạo đức học sinh để tất cả các giáo viên cùng tham dự. Khi giảng dạy, giáo viên cần lồng ghép việc giáo dục đạo đức cho các em. Bên cạnh đó, trường cũng có thể đề ra một số hình phạt nặng cho những học sinh đánh nhau. Chẳng hạn như đi lao động công ích, hay buộc thôi học một năm (nếu cần)...
Thứ tư, cha mẹ hãy quan tâm đến con em mình hơn nữa. Chúng ta không đổ tất cả trách nhiệm lên đầu ngành Giáo dục được. Gia đình luôn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ tốt nhất. Trong gia đình, cha mẹ luôn là tấm gương sáng để con noi theo.
Thứ năm, cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hơn nữa để thu hút thanh thiếu niên. Công việc này có thể giao cho Đoàn thanh niên, Trung tâm giáo dục cộng đồng... Hãy tổ chức các chương trình có ý nghĩa cộng đồng để thu hút các em cùng tham gia.
Như vậy để khắc phục tình trạng trên, cần sự chung tay của tất cả mọi người, trong đó, gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng. Tương lai của các em, cuộc sống của các em rất cần đến sự giúp đỡ của tất cả chúng ta.
Loát Trần
(Châu Thành, Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!