Bạn đọc viết:

Vì sao giáo viên chán khi học bồi dưỡng thường xuyên?

(Dân trí) - Việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên là rất tốt. Tuy nhiên chúng ta nên thực hiện như thế nào để đem lại hiệu quả cho giáo viên. Theo tôi, hiện nay giáo viên đã gặp rất nhiều áp lực trong giảng dạy rồi. Do đó cái nào thấy không cần thiết cho giáo viên thì có thể giảm tải.

Hiện nay ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông đang tiến hành bồi dưỡng thường xuyên (BDTX). Đây là quá trình bổ sung tri thức, kỹ năng nhằm nâng cao trình độ trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn cho giáo viên. Điều này là hoàn toàn cần thiết cho mỗi giáo viên. Tuy nhiên khi đi được một nửa chặng đường thì các giáo viên đồng loạt phản đối vì họ cho rằng nó không có ý nghĩa gì mà lại gây bao mệt mỏi cho giáo viên.

Công tác bồi dưỡng BDTX cho giáo viên là yêu cầu khách quan, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Cách thức thực hiện qua 3 hình thức là tự học, học tập trung, học từ xa, kết hợp, hội thảo ở tổ chuyên môn của nhà trường hoặc kết hợp với các đoàn thể có liên quan để thực hiện, trong đó hình thức tự học là chủ yếu.

Bồi dưỡng theo hình thức tự học tức là giáo viên phải học đủ 41 mô-đun (với giáo viên THCS). Mỗi giáo viên học 4 mô-đun/năm. Lúc đầu khi triển khai thực hiện, nhiều huyện yêu cầu giáo viên viết tay 100%. Họ cho rằng BDTX cần viết tay để giáo viên còn đọc và suy ngẫm. Nói chung mục đích là bắt giáo viên "học thật".

Thế là các giáo viên cứ ngồi chép bài như con ong chăm chỉ. Họ tận dụng thời gian mọi lúc mọi nơi để học. Đầu tiên họ tải trên mạng về, sau đó in ra và chép vào vở. Có thầy cô mang cả lên trên lớp ngồi chép.

Nhưng sau đó giáo viên bắt đầu phản đối việc chép tay. Nhiều thầy cô cho rằng thời buổi công nghệ thông tìn sao lại bắt giáo viên chép tay. Sau khi hội thảo xin ý kiến, thì nhiều trường đồng ý cho giáo viên làm bằng vi tính. Từ đây hàng loạt hệ lụy đã diễn ra. Các giáo viên bắt đầu sao chép của nhau. Cứ huyện này xin của huyện kia rồi in ra nộp cho xong. Một số thì mướn dịch vụ hoàn toàn... Cuối cùng thì giáo viên chẳng biết trong môđun mình học viết những gì? Tất cả chỉ là đối phó hình thức...

Bên cạnh đó, việc giao và chấm mới nhiều bất cập. Nhiều trường thì đích danh ban giám hiệu chấm, số còn lại thì giao cho tổ chấm rồi báo kết quả. Vậy thử hỏi liệu người chấm có đọc hết nội dung trong đó không? Mỗi người 4 môđun vừa lí thuyết vừa thực hành. Ngoài ra còn tập học chính trị hè. Liệu người chấm có ngồi đọc hết được nội dung? Đa số là lướt qua, xem có đủ mục không. Chỉ cần giáo viên đủ ba nội dung là lí thuyết, thực hành và trả lời câu hỏi là giáo viên đạt giỏi. Mà chấm khó thì dễ mất lòng nhau. Nhiều giáo viên giận dỗi nhau cũng chỉ vì cách chấm điểm này. Thế là cuối cùng ai cũng giỏi cả.

Cuối năm Phòng cấp cho giấy chứng nhận đã hoàn thành BDTX là xong. Điều này gây ra sự bức xúc cho các giáo viên. Họ cho rằng việc học BDTX hiện nay không có ý nghĩa gì, chỉ gây mệt mỏi cho giáo viên mà thôi.

Thực ra việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên là rất tốt. Mỗi giáo viên hàng năm đều phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên chúng ta nên thực hiện như thế nào để đem lại hiệu quả cho giáo viên. Theo tôi, hiện nay giáo viên đã gặp rất nhiều áp lực trong giảng dạy rồi. Do đó cái nào thấy không cần thiết cho giáo viên chúng ta có thể giảm tải.

Ví dụ, thời buổi công nghệ thông tin, các văn bản, thông tư trên mạng cái nào chả có, việc gì phải chép vào vở cho mất thời gian. Thiết nghĩ, chỉ nên tập trung vào những tài liệu chuyên môn của môn học thôi, đồng thời cũng nên thay đổi hình thức học tập cho giáo viên. Có thể tổ chức học tập trung cho giáo viên. Những nội dung quan trọng để cho giáo viên thảo luận trao đổi.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá cũng cần đổi mới lại. Có thể cho giáo viên làm ra giấy và tổ chức thi nghiêm túc hơn. Làm sao để các giáo viên tự nhận thấy việc nâng cao năng lực nghề nghiệp giáo viên là hết sức cần thiết. Có như vậy thì việc BDTX mới có hiệu quả.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm