Vì sao ĐH Tôn Đức Thắng gặp vướng mắc trong bầu Hội đồng trường?

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Vấn đề của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã làm “nóng” diễn đàn phiên chất vấn Quốc hội vừa qua. Vậy, vì sao trường ĐH Tôn Đức Thắng gặp vướng mắc trong bầu Hội đồng trường?

"Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt"

Đại biểu Lê Thanh Vân đã chất vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xung quanh sự việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cụ thể là việc cách chức Hiệu trưởng Tôn Đức Thắng (ông Lê Vinh Danh) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng thẩm quyền, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học không?

Vì sao ĐH Tôn Đức Thắng gặp vướng mắc trong bầu Hội đồng trường? - 1

Đại biểu Lê Thanh Vân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng”

Phó Thủ tướng cho rằng, Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất ở trường. Các chức danh lãnh đạo, bao gồm hiệu trưởng, do Hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền, trong trường hợp Trường Đại học Tôn Đức Thắng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phê chuẩn.

Như vậy, trong trường hợp nếu có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là không đúng luật. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất đặc thù do Hội đồng trường của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của  Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chậm trễ, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Đến thời điểm Ban Giám hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bao gồm Hiệu trưởng, nhận kỷ luật về mặt Đảng thì Trường đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, phải vào cuộc để làm rõ đúng, sai và có hướng dẫn. Trước hết phải thành lập lại Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật.

“Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục đại học và tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, chính quyền TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên và Ban lãnh đạo nhà trường, trong đó có Hiệu trưởng là rất đáng trân trọng, còn việc xử lý cán bộ thì phải tuân theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những vướng mắc nào trong quá trình bầu Hội đồng trường?

Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn làm trưởng đoàn, có nhiều ý kiến cán bộ chủ chốt của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã nêu về những vướng mắc trong quá trình bầu Hội đồng trường theo Luật Giáo dục đại học (Luật 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, ví dụ:

Về tỷ lệ phiếu bầu thành viên Hội đồng trường, cơ quan chủ quản yêu cầu tỷ lệ trúng cử của thành viên hội đồng trường phải đạt trên 50% số phiếu bầu. Nếu chưa đạt tỷ lệ 50% đối với bất kỳ thành viên nào thì đều phải tổ chức giới thiệu lại nhân sự mới và tổ chức bầu lại cho đến khi tất cả mọi thành viên đều trúng cử với tối thiểu trên 50% phiếu.

Nhà trường đã đề nghị được áp dụng bầu theo nguyên tắc lấy số phiếu từ cao đến thấp cho đến khi đủ số lượng thành viên với lý do Luật số 34 và Nghị định 99 không quy định cụ thể việc bầu thành viên Hội đồng trường phải đạt trên 50%.

Bên cạnh đó, Luật cũng không giao thẩm quyền này cho cơ quan quản lý trực tiếp quy định mà giao cho Quy chế tổ chức hoạt động của Trường quy định, trong khi hiện nay Quy chế mới của Nhà trường theo đúng tinh thần Luật số 34 và Nghị định 99 phải do Hội đồng trường mới ban hành.

Về hội nghị bầu thành viên Hội đồng trường, theo Điểm d Khoản 1 Điều 7 Nghị định 99 quy định hội nghị bầu chọn một trong hai hình thức: Hội nghị toàn thể hoặc Hội nghị đại biểu để bầu thành viên hội đồng trường, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản cũng chưa có sự thống nhất…

Vì sao ĐH Tôn Đức Thắng gặp vướng mắc trong bầu Hội đồng trường? - 2

Bầu nhân sự có thực hiện theo quy định 5 bước?

Về quy hoạch và quy trình giới thiệu nhân sự, theo trình bày của một số cán bộ nhà trường, cơ quan chủ quản yêu cầu thực hiện quy trình 5 bước theo như tinh thần Phụ lục 2 Quyết định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để phê duyệt nhân sự Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là chỉ phê duyệt quy hoạch và chỉ công nhận những nhân sự đã có trong quy hoạch.

Tuy nhiên, theo Điều 16 Luật số 34; và Điểm c Khoản 1 Điều 7 NĐ 99 thì thẩm quyền quyết định nhân sự Hiệu trưởng thuộc Hội đồng trường thì Hội đồng trường là cấp thực hiện việc quy hoạch và phê duyệt quy hoạch.

 Hơn nữa, Quyết định 105-QĐ/TW ban hành sau Nghị quyết 19-NQ/TW chỉ hơn 1 tháng do đó chưa kịp thời cập nhật việc phân cấp quản lý nhân sự đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW. Quyết định 105-QĐ/TW cũng không có nội dung quy định trực tiếp đối với việc phân cấp, quản lý nhân sự trong các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ. Do đó, việc áp dụng trực tiếp Quyết định 105-QĐ/TW cho trường hợp của ĐH Tôn Đức Thắng không phải là đối tượng của quyết định này theo quy trình 5 bước là chưa phù hợp.

Nhiều ý kiến của Trường ĐH Tôn Đức Thắng băn khoăn cho rằng, việc bầu Chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) sẽ do HĐT giới thiệu và bầu nhưng cơ quan chủ quản yêu cầu phải có sự nhất trí của cơ quan chủ quản về nhân sự được giới thiệu trước khi HĐT bầu, điều này chưa được quy định cụ thể trong Luật số 34 và Nghị định 99.

Theo Nghị quyết 19, nhân sự Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư Đảng ủy nhưng hiện nay Đảng ủy trường nhiệm kỳ mới vẫn chưa được bầu. Do đó sẽ tiến hành bầu Đảng ủy trước hay tiến hành thành lập HĐT trước? Trường hợp bầu Đảng ủy trước và giả sử rằng nhân sự Bí thư được chỉ định nhưng khi ra bầu Chủ tịch nếu không trúng cử thì sẽ như thế nào? Còn nếu thành lập HĐT trước nhưng nhân sự trúng cử Chủ tịch HĐT lại không phải là nhân sự được quy hoạch Bí thư Đảng ủy thì sẽ như thế nào?

Nhiều ý kiến lo lắng đặt câu hỏi, theo quy định của Luật số 34, nhân sự Chủ tịch HĐT phải là cơ hữu của Trường, nếu Chủ tịch HĐT là nhân sự ngoài trường vậy nhân sự này sẽ phải trở thành người cơ hữu của Trường trước hay sau khi trúng cử Chủ tịch HĐT? Trường hợp đã trở thành cơ hữu trong trường trước khi bầu nhưng khi đưa ra bầu lại không trúng cử Chủ tịch HĐT thì sẽ giải quyết như thế nào?

Đó là một số tồn tại, vướng mắc đã nêu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và đề nghị Đoàn công tác xem xét, hướng dẫn cụ thể các vấn đề trên, đồng thời kiến nghị thành phần cơ quan chủ quản và bên ngoài theo Đề án TLĐ đã phê duyệt cần được giảm bớt để tăng số lượng thành viên HĐT là cán bộ, giảng viên cơ hữu của Trường.

Đặc biệt, có nhiều ý kiến cán bộ chủ chốt của Trường đề xuất đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị về việc tổng kết Đề án thí điểm tự chủ của Trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 158/QĐ-TTg và xem xét lại hình thức và mức độ kỷ luật đối với GS. Lê Vinh Danh và tập thể Đảng ủy Trường vì qua quá trình thực hiện tự chủ, Nhà trường đã tạo được sự đột phá, phát triển tốt về nhiều phương diện.

Quá trình tổ chức thực hiện thí điểm rất cần sự đánh giá tổng kết, để chỉ đạo Trường phát huy những gì thành công, những gì làm được; chỉ ra những sai sót để Trường sửa sai, cũng như từ đó ban hành những chính sách mới, phù hợp để thúc đẩy tự chủ đại học phát triển thành công hơn nữa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm