Vì sao chi tiền tỷ mời giáo sư về dạy trường THPT chuyên lại gây tranh cãi?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng, "sứ mệnh" của đội ngũ giáo sư là nghiên cứu chuyên sâu trong khi ở cấp THPT chỉ thiên về giáo dục, không liên quan đến các nghiên cứu chuyên môn khác.

Đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình trình Hội đồng Nhân dân tỉnh dự thảo sẽ chi tiền tỷ thu hút giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) về công tác tại trường THPT chuyên với cam kết công tác trong 10 năm khiến dư luận có nhiều tranh cãi trái chiều.

Không nên chạy theo mốt

Được biết, Hòa Bình là tỉnh thứ 2 trong cả nước có ý tưởng chi tiền tỷ thu hút các GS,PGS về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh.

Cụ thể, theo đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình vừa trình lên HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên với nội dung hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Giáo sư, Phó giáo sư và 300 triệu đồng cho tiến sĩ cam kết công tác trong 10 năm lại xới lên sự quan tâm và có rất nhiều tranh luận trái chiều.

Theo một số chuyên gia, việc thu hút GS, PGS về trường chuyên ở các tỉnh là không phù hợp với thực tế hiện nay bởi không phải người nào khi về dạy ở trường chuyên cũng tốt hơn giáo viên phổ thông.

Vì sao chi tiền tỷ mời giáo sư về dạy trường THPT chuyên lại gây tranh cãi? - 1

Hòa Bình dự kiến sẽ chi tiền tỉ thu hút GS công tác tại trường THPT chuyên gây tranh cãi (Ảnh: Mỹ Hà).

Trao đổi với PV Dân trí, TS Lê viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, "sứ mệnh" của đội ngũ giáo sư là nghiên cứu chuyên sâu trong khi ở cấp THPT chỉ thiên về giáo dục, không liên quan đến các nghiên cứu chuyên môn khác.

Ở nước ngoài cũng có nhiều trường hợp giáo sư hoặc phó giáo sư dạy phổ thông nhưng các trường ở nước ta không nên chạy theo mốt như vậy.

"Nếu chúng ta mời một số GS, PGS danh tiếng thỉnh giảng một vài tiết ở các trường phổ thông để truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm học tập như GS Ngô Bảo Châu từng thực hiện trước đây thì rất tốt.

Nhưng chi tiền tỷ để thu hút GS về giảng dạy chuyên trách ở trường THPT chuyên, tôi cho rằng việc này không bình thường", TS Khuyến nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, giáo sư là những người nghiên cứu chuyên sâu ở một lĩnh vực chuyên môn hẹp. Trong khi đó, giảng dạy cấp THPT cần kiến thức không quá mức nghiên cứu chuyên sâu mà cần kiến thức phổ quát, phương pháp sư phạm và nắm bắt tâm lý học sinh…

TS Khuyến lấy thí dụ ở nước ngoài, ngay cả các trường ĐH cũng phân chia ra ĐH chuyên sâu hoặc ĐH ứng dụng để có cách tuyển nhân sự có năng lực phù hợp, không theo hướng coi trọng bằng cấp.

Còn ở nước ta có khi một tiến sĩ, đôi khi chỉ cần học thêm một chứng chỉ tầm năm rưỡi là nghiễm nhiên được đánh giá cao hơn một kĩ sư lành nghề. Quan niệm đề cao thành tích và bằng cấp như vậy rất sai lầm.

Vì sao chi tiền tỷ mời giáo sư về dạy trường THPT chuyên lại gây tranh cãi? - 2

Ở cấp phổ thông, để dạy tốt, trước hết đó phải là một nhà sư phạm, không phải đòi hỏi một người có nghiên cứu chuyên môn rất sâu (Ảnh: Mỹ Hà).

Giáo viên và học sinh phổ thông là bạn

Cũng theo TS Lê Viết Khuyến: "Ở cấp phổ thông, để dạy tốt, trước hết đó phải là một nhà sư phạm, không phải đòi hỏi một người có nghiên cứu chuyên môn rất sâu. Hai hướng phát triển này rất khác nhau.

Vì thế, nếu đi theo hướng mời GS, PGS về giảng dạy trường chuyên là vừa thừa vừa thiếu: Thừa kiến thức chuyên ngành nhưng thiếu kiến thức tổng quát và kiến thức sư phạm".

Cùng với góc nhìn này, thầy Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang cho rằng, trong khi ở đại học, giảng viên chỉ là người hướng dẫn còn sinh viên tự học là chủ yếu.

Đối với cấp phổ thông, giáo viên là bạn, cùng nắm tay học sinh đi hàng ngày. Thậm chí nhiều người phải tìm hiểu rõ hoàn cảnh từng học sinh trong lớp để có phương pháp phù hợp, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Vậy nên, nhà giáo này cho rằng, nếu nói mời GS về dạy trường THPT để nâng cao chất lượng thì chưa hoàn toàn đúng. 

Được biết ngoài Hòa Bình, trước đó, năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 02 về việc "Quy định một số chế độ chính sách đối với trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS) cấp quốc gia, khu vực, quốc tế".

Có rất nhiều chính sách nhằm thu hút giáo viên chất lượng, ưu đãi với giáo viên công tác ở trường. Đặc biệt, các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) hoặc Tiến sỹ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay trường THPT chuyên Bắc Ninh chưa có GS hay PGS nào về công tác vì nhiều nguyên nhân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm