Về vấn đề cải tổ toàn diện hệ thống giáo dục ở Việt Nam
Chúng ta không có một cái đũa thần để cải tổ giáo dục. Xã hội cũng phải thay đổi mới cải tổ giáo dục được. Trước nhất là bỏ văn hóa chuộng bằng cấp.
Xin trân trọng đăng tải ý kiến của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai, Việt kiều ở Bỉ, cựu giảng sư đại học Liège và giáo sư trường cao Đẳng HELMO, về vấn đề cải tổ toàn diện hệ thống giáo dục ở Việt Nam.
Chúng ta không có một cái đũa thần để cải tổ giáo dục. Xã hội cũng phải thay đổi mới cải tổ giáo dục được. Trước nhất là bỏ văn hóa chuộng bằng cấp. Một thí dụ dễ thực hiện: tại sao các giáo sư Tiến sĩ, Thạc sĩ không bắt đầu bằng cách đừng cho mấy chi tiết đó trước tên của họ? Ông bà ta vẫn nói “hữu xạ tự nhiên hương”, cần gì phải cho chức tước để “chính thống hóa” những ý tưỡng của mình - Rõ ràng nếu Pierre Bourdieu còn sống ông ấy sẽ đem thí dụ nước ta để minh họa cho lý thuyết của ông ấy trong cuốn sách “Ce que parler veut dire” mà tôi có nói vài dòng về quyển sách này ở đây.
Trình bày sơ lược quyển sách “Les sytème éducatifs en Belgique : similitudes et divergences”, OCDE, 1991, 456 trang.
Để giới thiệu hệ thống giáo dục Bỉ, sách này gồm ba phần.
Phần đầu giới thiệu nước Bỉ: địa lý, biến chuyển sử và chính trị, dân số, dân trong tuổi đi học, đi làm, diễn tiến tương lai của cấu trúc dân số, sự đô thị hóa, hoàn cảnh kinh tế và xã hội...
Phần thứ nhì: Mô tả hệ thống giáo dục: Triết lý nền tảng và những cơ sở giáo dục dựa trên Hiến Pháp và dựa trên trào lưu triết lý giáo dục hiện đại (tự do giáo dục, tự do chọn trường theo triết lý cá nhân, quyền đi học và giáo dục cưỡng bách, cơ sở tổ chức các bậc và ngành của giáo dục...).
Cũng trong phần thứ nhì này, những hình thức giáo dục trường phổ thông, trường dạy nghề, giáo dục từ xa, giáo dục cho người lớn, giáo dục trọn đời và những phương thức mang kiến thức và sinh hoạt văn hóa đến cho toàn dân chúng của đủ mọi lứa tuổi (những hình thức cụ thể nhất là giáo dục về âm nhạc và hội họa, trường dạy sinh ngữ buổi tối, Đại học cho người đã nghỉ hưu...).
Tất cả đều được trình bày với những chi phí mà ngân sách quốc gia dành cho các sinh hoạt vì tất cả, ở Bỉ, đều miễn phí cho người đi học. Những chi phí ghi danh chỉ là những chi phí tượng trưng, một cách để tạo trách nhiệm cho người ghi danh.
Phần thứ ba: Phân tích chi tiết hệ thống - Phần quan trọng nhất, gồm 13 chủ đề.
Bắt đầu là những vấn đề thuần giáo dục như chương trình học các cấp trong đó nguyên tắc tự do giáo dục được lặp lại. Vấn đề thất bại hay ngồi lại lớp của học trò cũng được phân tích, vừa triết lý vừa sư phạm lại thực tiển, những phương thức cần áp dụng để tránh hay để giúp học sinh đạt được kết quả tốt.
Một chủ đề riêng cho các học trò có khuyết tật với tất cả những phương tiện đặc biệt dành cho các em.
Chủ đề thứ 4 là giáo dục Đại học và nghiên cứu khoa học : đường hướng chính trị, ngân sách, hiện trạng, kiểm tra giá trị, thành quả và khó khăn cần vượt qua...
Liên hệ giửa giáo dục và việc làm được được phân tích tiếp theo với những cách nhìn dưới những khía cạnh khác nhau: trực tiếp, co giãn (flexible), hòa hợp (combiné) và những khó khăn và tiện lợi của liên hệ giửa trường học và môi trường việc làm. Những viễn ảnh về các biến chuyển của thị trường việc làm cũng được bàn đến.
Người nhập cư và giáo dục là chủ đề thứ 6. Nước Bỉ, cũng như nhiều nước trong OCDE, có khoảng 10-15% dân số là người nhập cư. Những vấn đề đa văn hóa, khó khăn trong học vấn, tiếng mẹ và ngôn ngữ nơi định cư... Nhiều thể chế và phương thức giáo dục được áp dụng để họ thực thi quyền đi học, vượt qua những khó khăn và tiếp cận kiến thức.
Nghề giáo viên, chủ đề thứ 7, phân tích và phê bình về sự đào tạo giáo viên các cấp, về chỗ đứng của giáo viên trong thứ bậc xã hội, những khó khăn và sự thỏa mãn của những người đứng lớp.
Chủ đề thứ 8: Hệ thống kiểm soát và hổ trợ cho các trường học: thanh tra, kiểm định giá trị, cập nhật khả năng cho các giáo viên, các Trung tâm hỗ trợ tâm lý, sức khỏe và xã hội cho cộng đồng giáo dục, Quĩ tài trợ những đổi mới giáo dục...
Chủ đề thứ 10 và 11: Chi phí và tài trợ giáo dục là một vấn đề nan giải ở Bỉ, không phải vì khả năng quốc gia thiếu kém mà vì nước Bỉ được chia ra làm 3 vùng khác nhau với ba ngôn ngữ khác nhau. Việc tài trợ là một vấn đề chính trị và hoàn toàn vượt qua giới hạn của giáo dục.
Chủ đề thứ 12 rất quan trọng. Đó là vấn đề chính sách và canh tân giáo dục, cách nhìn hướng tới tương lai trong đó hơn ba mươi trang của quyển sách nói về nghiên cứu khoa học trong giáo dục.
Những chủ đề nghiên cứu trong giáo dục được kể ra cách đây hai mươi năm, lúc sách này được phát hành, một số đã được thực hiện và tác giả những dòng này đã tiếp cận. Thí dụ: nghiên cứu về về sự thất bại của học trò cấp tiểu học, nghiên cứu về cách dạy khoa học xã hội, kiểm tra hiệu quả của phương pháp dạy học, biến chuyển của nghề giáo...
Chủ đề chót: vấn đề kiểm soát, làm sao để có hiệu quả? Làm sao để đo đạc những hiệu quả này. Tất cả hệ thống nào trước khi vào sinh hoạt phải dụ trù những hệ thống thực hiện, giúp sức và kiểm soát chế tài. Hệ thống giáo dục cũng vậy.
Quyển sách này được phát hành bởi OCDE (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) vì, trong những năm 1980-1990, OCDE chủ tâm đến phát triển giáo dục như một phương tiện ưu tiên để bảo vệ phát triển kinh tế. Hệ thống giáo dục Bỉ thời đó được xem là một trong những hệ thống tiên tiến của OCDE (Bỉ là nước duy nhất trên thế giới có giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho trẻ tới năm tròn 18 tuổi chẳng hạn).
Trong dấu ngoặc, nghiên cứu PISA là một trong những phương thức đo hiệu quả của hệ thống giáo dục phổ thông mà OCDE đề xướng.
Để kết luận: Áp dụng nào cho cải tổ giáo dục ở Việt Nam hiện nay?
Ta không phải bắt chước ai hết, nhưng muốn làm một cuộc cải tổ giáo dục toàn diện thì nên làm một cách tổng thể, có hệ thống. Có lẻ nên lập thống kê sự tình hiện tại (nhu cầu, trường sở, giáo viên, ngân sách hiện thời, ngân sách có thể cho tương lai, diễn tiến dân số trong 10-20 năm tới... nắm đủ dữ liệu, để có thể từ đó đưa ra đề nghị quá trình cải tổ.
Nhưng trước khi cải tổ, vấn đề triết lý giáo dục cần được làm sáng tỏ. Ý kiến của các bậc tinh hoa trong xã hội rất quan trọng nhưng các nghiên cứu về giáo dục là tối cần thiết. Phải biết rõ hiện tại ra sao, phân tích tận tường nguyên nhân hậu quả mới vạch hướng đi mới được. Phải rành các trào lưu giáo dục trên thế giới để tìm đường đi thích hợp cho giáo dục ở nước ta.
Trong cải tổ, vấn đề cập nhật kiến thức cho cộng đồng giáo viên hiện thời là một vấn đề quan trọng.
Quyển sách về hệ thống giáo dục tại Bỉ cho ta một thí dụ.