Về nước lập nghiệp, du học sinh tìm được nhiều cơ hội
(Dân trí) - Trong khi nhiều du học sinh tốt nghiệp rồi ở lại thì cũng không ít người chọn con đường quay về. Vì đâu họ trở về? Và trở về có thật sự “dại” như suy nghĩ của nhiều người?
Công việc không chỉ để... kiếm nhiều tiền
Câu chuyện của những nhà leo núi trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, 12/13 gương mặt đi du học và không trở về được xem như là điển hình cho việc “ngại” quay về của du học sinh (DHS) sau khi tốt nghiệp. Có muôn vàn lý do được mổ xẻ nhưng nói ngang nói dọc thì nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là nơi này không có đất cho nhân tài dụng võ, không giữ được người giỏi.
Tuy nhiên, bên cạnh những người không trở về hoặc chưa trở về thì thực tế không ít DHS sau khi tốt nghiệp chọn con đường trở về nước để lập nghiệp. Và không ít người thành công với lựa chọn này.
Thời gian học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh trường Thuderbird, Mỹ, Trần Nguyễn Lê Văn đã nảy sinh ý tưởng thành lập hệ thống bán vé xe qua mạng tại Việt Nam. Cậu băn khoăn: một tấm vé giá không bao nhiêu, lợi nhuận sẽ không cao; các nhà xe đã quen với việc mua bán “thủ công” có chấp nhận hình thức mới này. Liệu có nên đánh đổi tất cả để trở về không?
Nhất là khi đó gia đình phản đối kịch liệt, mẹ Văn còn nói rằng “nếu về Việt Nam thì đừng nhìn mặt mẹ”. Con đi du học, hầu như bố mẹ nào cũng muốn con thành công ở một đất nước phát triển. Lựa chọn với Văn lúc đó không hề dễ dàng.
Những ngày cuối năm cô đơn ở nước người, đọc những bài báo trong nước viết về hàng ngàn lượt người xếp hàng từ sáng đến tối vẫn không mua được vé về quê ăn Tết, rất mất thời gian, công sức càng thôi thúc Văn. Mảng này ở Việt Nam rất hoang sơ, nhiều cơ hội và đây là bài toán lớn của xã hộ. Ý nghĩa của dự án Văn hướng đến có thể cách mạng hóa ngành giao thông Việt Nam.
“Khi đó, tôi tự hỏi: Đâu là giá trị sống của mình? Mình sống để làm gì? Nếu ở Mỹ có cuộc sống vật chất sung sướng nhưng sáng đi làm, tối về để nhận đồng lương mình có thấy được ý nghĩa của cuộc sống hay không? Hướng tới ý nghĩa của việc mình làm, tôi chọn về nước”, Văn bày tỏ.
Trờ về nước đi bán… vé xe, hiện Văn là giám đốc của trang web vexere.com - được xem là hệ thống đặt vé xe online lớn nhất Việt Nam hiện nay. Quan trọng nhất, lựa chọn này giúp Văn tìm thấy giá trị sống của bản thân ngay trên mảnh đất quê hương.
Sống theo cảm tính, không lập trình con đường của mình sẽ làm gì, ở đâu và cũng không bao giờ đặt ra câu hỏi ở lại hay về nhưng chính đam mê, thích trải nghiệm đã “đưa đẩy” chàng trai Nguyễn Chí Hiếu - sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004 trở về lập nghiệp 3 năm nay với cương vị Giám đốc nhân sự và giám đốc chiến lược sản phẩm Học viện Yola.
Sau nhiều năm làm trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ, Anh đúng lĩnh vực đam mê, Chí Hiếu cảm nhận hình như có điều gì đó không hợp với mình. Nếu ở lại, Hiếu có thể mường tượng ra được con đường 5 - 10 năm sau nhưng nếu có một bước ngoặt thì Hiếu sẽ không biết con đường dài phía trước của mình là gì đã thôi thúc anh lên đường.
Nghỉ làm, đi khắp các nước Đông Nam Á cũng đi khắp các vùng miền ở Việt Nam trong 3 tháng liền bằng xe khách. Trên hành trình của mình, Chí Hiếu trải nghiệm những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống khi gặp gỡ, giao lưu với mọi người, ở những nền văn hóa khác nhau.
Cùng thời điểm đó, hai học trò mà Hiếu từng dạy học nhận được học bổng du học, Chí Hiếu càng thấm thía niềm vui trong công việc chưa hẳn là cuối tháng bạn lĩnh lương hay những thứ trước mắt đạt được mà có thể là một con đường dài không biết trước.
“Đã có lúc tôi nghĩ mình ra nước ngoài 10 năm rồi, trở về nơi bắt đầu sẽ không thích nghi được với nhiều vấn đề như ô nhiễm, chửi thề, ăn nhậu… Nhưng bản thân tôi cũng thấy rằng, con người ở đâu cũng sẽ có mặt này mặt kia. Và việc trở về Việt Nam như một sự “vươn xa” trong trải nghiệm của tôi. Có thể sau này tôi sẽ rời Việt Nam nhưng chắc chắn nhìn lại chặng được này tôi sẽ không hối tiếc”, chàng tiến sĩ từ ĐH Stanford Mỹ bộc bạch.
Về nước - nhiều cơ hội
Trong lần nói chuyện với các bạn trẻ, tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng GĐ Công ty Bachy Soletanche Việt Nam chia sẻ lựa chọn ở lại hoặc trở về có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Các bạn có thể tự chấm điểm cho mình giữa được - mất khi ở lại và trở về để tìm được lời giải. Ở lại, có thể bạn có lương cao, có nhà, xe cửa, môi trường làm việc và bạn sẽ mất những gì? Còn về nước, khởi đầu thu nhập của bạn có thể chưa cao nhưng nếu quyết tâm rồi bạn cũng sẽ làm được.
Ông Quang nhấn mạnh, khi trở về chưa bàn đến việc góp phần xây dựng đất nước thì cái được tinh thần cho chính bản thân người đó rất lớn. Khi ốm đau có người thân bên cạnh, hay đơn giản chỉ là một món ăn quê nhà, những điều bạn mong muốn cũng dễ thực hiện hơn. Và một điều nhiều DHS cần nắm bắt là cơ hội lập nghiệp trong nước hiện nay rất lớn nhưng đòi hỏi các bạn phải cố gắng liền tục, bền bỉ.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, dại dột mới quay về nước thì theo tổng giám đốc của một tập đoàn đa quốc gia, trở về là một lựa chọn thông minh. Thị trường lao động ở Việt Nam rất mở, tuy lương khởi điểm không cao nhưng cơ hội phát triển nghề nghiệp về lâu dài, thể hiện đam mê, khát vọng lại rất tốt.
TS Lê Nguyễn Minh Quang đưa ra một minh chứng rõ ràng, làm việc ở nước ngoài các bạn chỉ có thể làm ở cấp quản lý, rất khó, thậm chí là không thể tiến tới quản lý cấp cao. Nhưng về nước, nếu các bạn thật sự có khả năng cùng với sự kiên trì thì cơ hội lập nghiệp, thành công rất lớn.