“Vá lỗ hổng” trong ngăn chặn xâm hại tình dục học đường
(Dân trí) - “Quan trọng vẫn là phụ huynh dạy dỗ, theo sát con trẻ thường xuyên và tuyệt đối không quá tin hay giao phó con mình cho bất kỳ ai, nếu không tình trạng xâm hại tình dục học đường sẽ ngày càng có cơ hội gia tăng”.
Trên đây là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm “Xâm hại trong học đường”, do báo Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới (CSAGA), cùng một số đơn vị tổ chức sáng nay (28/6), trước bối cảnh vấn nạn xâm hại tình dục học đường (XHTDHĐ) trong thời gian qua ngày càng gia tăng được dư luận đặc biệt quan tâm.
80% các vụ xâm hại tình dục xuất phát từ gia đình, hàng xóm
Theo Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Xã Đàn, Hà Nội), khảo sát gần đây cho thấy 80% các vụ phạm xâm hại tình dục xuất phát từ gia đình, hàng xóm, nơi các em sinh sống, số còn lại nằm trong nhà trường.
Th.S Đinh Đoàn nhấn mạnh, phụ huynh cần dạy dỗ và theo sát con trẻ thường xuyên. Tuyệt tối không tin và giao phó con mình cho bất kỳ ai, nếu không tình trạng XHTDHĐ sẽ ngày càng có cơ hội gia tăng nhiều hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Vân Anh, chuyên gia về Giới, Giám đốc CSAGA cho rằng, chúng ta đang rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, xảy ra vụ việc mới đi tuyên tuyền và phòng tránh.
"Chưa kể nhiều gia đình cho con học hè các lớp kỹ năng chống XHTDHĐ nhưng đó không phải là tất cả. Tôi nghĩ phụ huynh hãy dạy con hiểu pháp luật và giải quyết vấn đề đó cùng bố mẹ như thế nào; khi nào trẻ dám lên tiếng, phụ huynh mới kịp thời ngăn chặn."
“Dù chưa khảo sát hiệu quả các khoá học hè như vậy được bao nhiêu, nhưng sự thật là các vụ XHTDHĐ vẫn liên tiếp bị phanh phui; cho nên phụ huynh cần thẳng thắn xem xét lại cách dạy con mình về vấn đề này”, bà Vân Anh cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh đó, dù các cấp, các tổ chức xã hội cùng chung tay bảo vệ trẻ em nhưng đến nay tình trạng XHTDHĐ vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Dư luận xã hội hoang mang, lo lắng không hoàn toàn còn tin vào sự quản lý và dạy dỗ của nhà trường như xưa nữa.
Chính những điều trăn trở đó, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, câu hỏi lớn cần đặt ra cho cả xã hội làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm có tính răn đe những kẻ làm vẩn đục tuổi thơ đến trường của trẻ là điều cần làm ngay.
Bà Nguyễn Vân Anh cho rằng nhiều khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Cơ sở pháp lý thiếu chặt chẽ
Chia sẻ tại tọa đàm, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci cho rằng, hiện nay các cơ sở pháp lý liên quan đến xử lý xâm hại tình dục trẻ em nói chung và XHTDHĐ nói riêng chưa chặt chẽ và thiếu rất nhiều điều khoản cụ thể.
Ví dụ, hiện nay mới chỉ có Luật Hình sự (sửa đổi năm 2015) quy định 5 hành vi nghiêm trọng là hiếp dâm - cưỡng dâm - dâm ô - khiêu dâm là bị xử lý. Nhưng trong đời sống tình dục lại có muôn vàn sắc thái sờ soạng, cưỡng hôn, nắn bóp… chưa được đưa vào, đó chính là điểm thiếu, gây ra tình trạng khó kết tội trạng thỏa đáng.
Đồng thời, chưa có Luật, văn bản dưới Luật nào đưa ra khái niệm đầy đủ, định nghĩa nhìn thẳng thắn vào các hành vi XHTD khiến các cơ quan pháp luật không biết căn cứ vào đâu để xử lý.
Điều này dẫn đến việc các cơ quan tố tụng xử lý xâm hại chỉ có thể dựa vào việc mô tả hành vi, hình ảnh được ghi lại mà chưa có cơ sở tính đến mục đích, chủ đích của đối tượng với nạn nhân. Điều này gây nhiều thiệt thòi cho các bé, luật sư Tú nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Bao nhiêu vụ xâm hại khiến dư luận phẫn nộ, nhưng cơ quan pháp quyền lại loay hoay chưa biết kết án ra sao cho thỏa đáng. Đó không phải lỗ hổng mà là “khoảng trống mênh mông” thì đúng hơn.
Ngoài ra, về phía Bộ GD&ĐT cùng các Sở trực thuộc cũng chưa có cuộc thanh kiểm tra về công tác chống XHTD, an toàn học đường… vấn đề này vẫn bị bỏ ngỏ, lẽ ta chúng ta cần làm điều đó từ lâu.
Từ đó, bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, muốn ngăn chặn XHTDHĐ, các đơn vị quản lý giáo dục cần đưa ra chiến lược cụ thể, lâu dài dựa trên các tiêu chí pháp luật làm cơ sở cho các hoạt động, tập huấn giáo viên và học sinh. Có cái nhìn xuyên suốt trong vấn đề này tốt hơn nữa.
“Bớt các khẩu hiệu mang tính chung chung như “trường học an toàn”, “trường học hành phúc”… cần cho trẻ hiểu được, hãy gạch đầu dòng cụ thể an toàn về thân thể, an toàn về vui chơi, an toàn trong lớp học… Càng cụ thể, càng dễ thanh tra xử lý khi sai phạm và các em học sinh cũng ý thức được để phòng tránh”, bà Vân Anh đưa ra giải pháp.
Hà Cường