Ưu tiên đầu tư cho các trường đại học đã được thế giới và khu vực xếp hạng
(Dân trí) - Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) đã được thế giới và khu vực xếp hạng, CSGDĐH định hướng nghiên cứu, đầu tư và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh,
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trong cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH), để hoàn thiện dự thảo Nghị định sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Đến ngày 17/9/2020, Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với dự thảo Nghị định. Trong đó thống nhất về sự cần thiết xây dựng Nghị định; sự phù hợp của dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính tương thích với các điều ước, về tuân thủ các thủ tục hành chính, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới,…
Ban soạn thảo đã tiếp thu, giải trình 28 ý kiến của Bộ Tư pháp về các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đơn vị quản lý và hỗ trợ hoạt động KHCN, nhóm nghiên cứu mạnh, đầu tư cơ sở vật chất, quỹ phát triển KHCN, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định dự thảo Nghị định có nhiều bước đột phá, bám sát mục tiêu thúc đẩy toàn diện hoạt động KHCN trong các CSGDĐH.
Trong đó, khuyến khích ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các CSGDĐH đã được thế giới và khu vực xếp hạng, CSGDĐH định hướng nghiên cứu, đầu tư và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hoạt động KHCN trong CSGDĐH hiện nay.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ
Dự thảo Nghị định đặc biệt tập trung đề cập việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp KHCN và thương mại hóa các sản phẩm KHCN, hợp tác về KHCN giữa CSGDĐH và doanh nghiệp, khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ, phân chia lợi ích khi chuyển giao kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ và thương hiệu của trường đại học.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định cụ thể về việc hình thành Quỹ Phát triển KHCN tại CSGDĐH nhằm tăng cường nguồn thu về KHCN để CSGDĐH chủ động đẩy mạnh hoạt động KHCN tại cơ sở.
Phải ban hành quy định về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu
Để đảm bảo sự phát triển KHCN trong CSGDĐH đúng hướng và thực chất, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của CSGDĐH cần minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Theo đó, CSGDĐH sẽ phải ban hành quy định nội bộ về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu, đảm bảo kết quả nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của CSGDĐH là kết quả thực chất và được công khai trong dữ liệu KHCN của cơ sở.
Với 7 chương và nhiều điều khoản cụ thể, dự thảo Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất về hoạt động KHCN trong CSGDĐH, xây dựng hành lang pháp lý để có thể thúc đẩy cán bộ, giảng viên và người học tham gia các hoạt động KHCN, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong CSGDĐH ở Việt Nam, không phân biệt CSGDĐH công lập hay ngoài công lập.
Đây là Nghị định đầu tiên đề cập nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi về KHCN trong CSGDĐH, hy vọng sẽ “cởi trói” cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định và trình Chính phủ trong tháng 9/2020.