Ước mơ trở thành nữ y tá của "cô chủ nhỏ" Gen Z trên đất Úc

Vũ Quỳnh Mai

(Dân trí) - Dù đang học năm cuối đầy bận rộn ở trường Victoria University (Úc), Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 2001) vẫn quản lý cửa tiệm nối mi tại Melbourne với khoản thu nhập lên tới hơn 100,000 đô la Úc mỗi năm.

Trong quá trình học tập tại trường Victoria University, Thùy Trang luôn nỗ lực học tập và giành được một số học bổng đáng khích lệ như học bổng VASA (Học bổng của Hội sinh viên Việt Nam tại Úc) trị giá 1.000 đô la Úc, học bổng VICUNI (Học bổng do Victoria University cấp cho sinh viên có thành tích thi Đại học tốt) trị giá 10.000 đô la/ năm, học bổng MUNA (Học bổng do Victoria University trao cho sinh viên có cố gắng phấn đấu trong quá trình học y tá) trị giá 5.000 đô la…

Ước mơ trở thành nữ y tá của cô chủ nhỏ Gen Z trên đất Úc - 1

Thùy Trang đang là sinh viên năm cuối chương trình Cử nhân Y tá ở trường Victoria University, Úc (Ảnh: NVCC).

Những trải nghiệm chỉ đi du học mới có

Bắt đầu cuộc sống du học là chấp nhận một hành trình mới đầy rẫy sự mới mẻ và không thiếu những khó khăn. Đối với Thùy Trang, vấn đề cô gặp phải khi mới đặt chân đến xứ sở chuột túi năm 17 tuổi là rào cản về ngôn ngữ.

Cô bạn Gen Z chia sẻ: "Hồi đó ở Việt Nam mình chỉ tập trung học IELTS, học tiếng Anh học thuật mà bỏ quên đi tiếng Anh giao tiếp thường ngày. Vậy nên khi mới qua, mình không hiểu hết những gì người Úc xung quanh mình nói. Và giọng tiếng Anh Úc rất khác so với những gì mình đã học ở Việt Nam.

Vì vậy lời khuyên của mình dành cho các bạn mong muốn đi du học là hãy học ngôn ngữ, điển hình là tiếng Anh thật giỏi, đặc biệt học qua phim vì nó rất gần với thực tế nên sẽ giúp các bạn hòa nhập nhanh hơn".

Cũng như phần lớn những bạn du học sinh khác, khi sang tới một đất nước hoàn toàn xa lạ, tư tưởng của Thùy Trang đã thay đổi khá nhiều, đặc biệt là cách sống độc lập. "Khi trên 18 tuổi, các bạn Tây không xin tiền ba mẹ nữa, vậy nên mình cũng có tư tưởng sống độc lập lúc mình 18 tuổi.

Mình muốn tự kiếm tiền, tự tiêu tiền mình làm ra và đồng thời phụ giúp gia đình. Thông qua những công việc làm thêm, mình nhận lại không chỉ là tiền, mà còn là bài học, kinh nghiệm và cả trải nghiệm".

Ước mơ trở thành nữ y tá của cô chủ nhỏ Gen Z trên đất Úc - 2

Trong quá trình học tập tại trường Victoria University, Thùy Trang luôn nỗ lực và giành được một số học bổng đáng khích lệ (Ảnh: NVCC).

Cô gái Việt khuyên các bạn du học sinh có mong muốn đi làm thêm nên tìm hiểu kỹ luật lao động ở quốc gia mình du học, trau dồi khả năng giao tiếp và ngôn ngữ thật vững, đặc biệt nên học thêm một số nghề như làm móng, làm mi, pha chế cà phê, cắt tóc,.... để có nhiều cơ hội việc làm hơn khi mới sang.

Xuất phát từ việc bản thân thích chăm sóc người khác, nữ sinh đến từ Hải Phòng đã theo học chuyên ngành Cử nhân Y tá và cô đang thực tập tại một bệnh viện ở Úc.

Trang mong muốn trở thành một y tá nhằm giúp đỡ người Việt khi phải nằm viện tại Úc. Cô gái cho biết y tá là ngành rất được tôn trọng tại Úc, nhiều hướng phát triển sự nghiệp và nhiều đãi ngộ tốt.

"Muốn theo ngành này bạn phải thực sự có tình yêu thương chăm sóc người khác. Lý do là bởi nhiều khi mình sẽ là người thay bỉm, thay tã, tắm rửa cho bệnh nhân ở viện. Thực tế khi bệnh nhân vào viện bên Úc, y tá sẽ là người chăm sóc hết, người nhà bệnh nhân không cần lo lắng gì cả, chỉ việc tới thăm và nói chuyện.

Ngành học này cũng rất nhiều áp lực vì khối lượng công việc khá nặng khi đi làm ở bệnh viện, vậy nên nếu bạn có mong muốn theo đuổi cần có khả năng chịu được áp lực tốt. Ngành có nhiều từ ngữ chuyên môn, tên thuốc phải học thuộc và nhiều bài kiểm tra nên cũng cần chuẩn bị kiến thức thật vững để không bị tụt lại".

Ước mơ trở thành nữ y tá của cô chủ nhỏ Gen Z trên đất Úc - 3

Cô gái sinh năm 2001 này còn là quản lý một cửa tiệm chuyên về nối mi tại Melbourne, Úc (Ảnh: NVCC).

Hành trình kinh doanh bắt đầu từ con số 0

Dù bận bịu với việc học ngành y tá, điều ít người nghĩ tới là cô gái sinh năm 2001 này còn đang quản lý một cửa tiệm nối mi tại Melbourne. Ngoài ra, Thùy Trang cũng nhận "cầm tay chỉ việc" cho học viên cả Việt Nam và nước ngoài về nối mi. Chính nhờ vậy, ở độ tuổi 22, Trang đã có thể tự chi trả tiền học phí, sinh hoạt phí của riêng mình.

"Trước khi qua Úc mình đã học nối mi và làm móng. Mình mở cửa tiệm vì mình nghĩ nên bắt đầu từ cái gì nhỏ trước để thêm kinh nghiệm, kiến thức và tiền bạc. Ngoài ra mình muốn kiếm tiền tự trả học phí đắt đỏ tại Úc. Nếu mình đi làm thuê sẽ không đủ tiền đóng học, chỉ có làm chủ mới có thời gian thoải mái và linh hoạt với thời gian đi học của mình".

Khó khăn của cô gái 10x là hoàn toàn đi lên từ 2 bàn tay trắng. 18 tuổi, Trang tiết kiệm được 120 đô la Úc để mua một chiếc giường nối mi và chia đôi phòng ngủ để nối mi cho khách. Dần dần, cô bạn tự mở cho mình cửa hàng riêng.

Năm 2020-2021 là thời gian khó khăn nhất của Trang khi chính phủ bắt buộc cách ly do Covid-19, khiến cô thất nghiệp hoàn toàn. Tuy nhiên, nữ sinh Việt lại chuyển sang kinh doanh trực tuyến để trang trải tiền sinh hoạt phí.

Ước mơ trở thành nữ y tá của cô chủ nhỏ Gen Z trên đất Úc - 4

Trong tương lai, Thùy Trang cũng mong muốn tổ chức những dự án thiện nguyện giúp đỡ người Việt còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: NVCC).

Hiện tại sau vài năm nỗ lực xây dựng, cửa hàng dần là điểm đến của nhiều người Việt và khách bản địa. Số lượng khách quen của tiệm khoảng 100-150 khách mỗi tháng, đồng thời nhận được nhiều sự tin tưởng và ủng hộ của các bạn học viên học nghề nối mi, giúp mang lại cho Trang thu nhập vào khoảng hơn 100.000 đô la Úc mỗi năm.

"Các bạn cứ mạnh dạn thử đi, có đi mới biết được mình đi được đến đâu. Và nếu thất bại thì hãy coi đó như một bài học đáng nhớ để trau dồi hơn ở tương lai", cô gái Gen Z tâm sự.

Chia sẻ về những dự định tương lai, Trang bộc bạch: "Mình có ước mơ được đóng góp cho tổ quốc Việt Nam nơi mình sinh ra và lớn lên. Hiện tại, các mặt hàng mình buôn bán phần lớn nhập từ Việt Nam.

Còn tương lai chắc chắn mình sẽ có những dự án thiện nguyện giúp đỡ người Việt còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, mình cũng dự định sẽ thành lập một dự án giúp đỡ các bạn sinh viên về vấn đề tìm nhà, tìm việc, mua xe… tại Úc, hay định hướng học tiếng Anh".