Ứng dụng giải bài tập khiến học sinh mắc bệnh "lười", ỷ lại ?
(Dân trí) - "Việc sử dụng các ứng dụng để giải bài tập, bài thi chỉ khiến học sinh mắc bệnh ỷ lại, giáo viên không đánh giá được đúng năng lực của các em. Đây là bài toán giáo dục cần giải quyết".
Đó chính là nhận định của TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng về vấn nạn sử dụng các ứng dụng giải bài tập của học sinh hiện nay.
Lợi bất cập hại
Chỉ cần gõ tìm kiếm trên Google với cụm từ "ứng dụng giải bài tập" thì chỉ sau 0,49 giây đã có thể trả về khoảng 223 triệu kết quả. Các ứng dụng có thể giải bài tập từ lớp 1 cho đến lớp 12 cho tất cả các môn học.
Lan Nhi (học sinh lớp 10, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc sử dụng các phần mềm giải bài tập là phổ biến và giải pháp nhanh nhất khi khối lượng bài tập về nhà rất nhiều.
"Chúng em phải học từ 7-8 tiết/ngày, sau khi kết thúc học trực tuyến chính khóa ở trường lại còn phải học thêm. Để tự làm các bài tập về nhà khi giáo viên giao là điều rất khó, thay vì phải ngồi tự làm thì mình có thể dùng các ứng dụng để làm vừa nhanh - gọn - lẹ", Lan Nhi nói.
Nữ sinh lớp 10 cũng khẳng định: "Lời giải ở các ứng dụng còn chi tiết hơn so với trong sách tham khảo, thậm chí so với lời giải của thầy cô cũng dễ hiểu hơn".
Lan Nhi cũng đã sử dụng một ứng dụng mà cả lớp của em đang dùng để chứng minh tính "nhanh - gọn - lẹ" này.
Không đồng tình với quan điểm của Lan Nhi, Ngô Anh Thư (học sinh lớp 10, Trường Trung học Phổ thông Khoa học Giáo dục HES) cho hay, việc sử dụng các ứng dụng chỉ đang khiến học sinh lười không tự tư duy và không thể chắc chắn lời giải trên đó đúng 100%.
"Em cũng đã từng sử dụng ứng dụng đó để giải bài tập môn Hóa học, vì sự chủ quan mà em cũng không kiểm tra lại đúng hay sai, kết quả em nhận điểm 2. Từ đó em chẳng còn mặn mà hay sử dụng những ứng dụng đó nữa", Anh Thư bộc bạch.
Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra quan ngại và lo lắng khi biết con em sử dụng các ứng dụng này để giải bài tập, nhiều ứng dụng còn yêu cầu học sinh phải trả phí trong một tháng sử dụng.
Anh Trần Mạnh Tiến (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Đến khi được hỏi thì tôi mới biết đến sự hiện diện của những ứng dụng này, bảo sao hàng tháng con xin tiền đều để đóng tiền sử dụng phần mềm gì đó cho việc học. Có lẽ tôi cần quán triệt và có biện pháp xử lý chứ để lâu thì chỉ hại con mình".
Trăn trở về đánh giá năng lực học sinh
Trăn trở trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, trong việc học và thi trực tuyến nếu cứ sử dụng các ứng dụng này, thầy Nguyễn Văn Đức (giáo viên Toán, trường THPT Phan Đình Phùng) cho biết: "Chúng ta không thể cấm đoán các em dùng các ứng dụng này được vì hiện tại nó khá phổ biến và được rất nhiều học sinh sử dụng. Đồng thời, cũng có những em học sinh ý thức tốt, mong muốn tìm kiếm được lời giải cho những bài toán khó mà chưa hỏi được các thầy cô ngay. Điều này không thể phủ nhận được ưu điểm của nó.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, việc giao bài tập về nhà và đánh giá năng lực của học sinh rất quan trọng. Do vậy, tôi vẫn thường giao bài tập với số lượng vừa phải cho học sinh.
Đối với các câu hỏi khó, nếu các em chưa thể tìm ra lời giải, tôi vẫn cho phép học sinh của mình được trao đổi cách làm cùng nhau hoặc thậm chí tìm kiếm lời giải trên các ứng dụng để tham khảo.
Tuy nhiên, tôi luôn dặn dò các em là khi tham khảo bạn hoặc dùng các app cần phải xem thật kỹ và hiểu cách giải của bài toán. Có nhiều chỗ lời giải có thể trình bày tắt nhưng khi mình hiểu thì sẽ phải tìm cách diễn đạt nó cho các bạn khác hoặc thầy hiểu được".
Chia sẻ về những giải pháp mà mình đang sử dụng, thầy Đức cho hay: " Đối với bài tập về nhà, tôi thường kiểm tra trực tiếp bằng cách gọi học sinh trình bày hướng giải của mỗi bài toán. Kèm theo đó, tôi cũng hỏi thêm học trò của mình một số câu hỏi khác xoay quanh bài toán đó để xem học trò có thực sự hiểu bài hay không. Khi đó, tôi cũng có thể đánh giá được sát hơn việc học của từng bạn.
Đối với các bài kiểm tra thường xuyên, tôi đã thực hiện việc kiểm tra vấn đáp từng học sinh về các bài toán khác nhau trong chương trình học. Cách này giúp giáo viên đánh giá sát nhất lực học của từng học sinh mà không lo học sinh gian lận được. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là tốn nhiều thời gian cho việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Đối với các bài kiểm tra định kỳ, tổ bộ môn và các thầy cô giáo trong Tổ Toán trường của tôi đã xây dựng các bộ đề mới, cập nhật phù hợp với chương trình học hiện hành. Đặc biệt, khi thầy cô ra đề đã thống nhất rằng các câu hỏi mà trùng lặp với kho dữ liệu của các app sử dụng thì sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra.
Điều này tránh cho học sinh có tâm lý chủ quan, phụ thuộc và ý lại vào các ứng dụng. Mỗi một câu hỏi đưa ra, thầy cô đều thử lại trên các ứng dụng và quyết định chọn hay không chọn. Học sinh cần hiểu bài và ghi nhớ kiến thức mới làm được bài kiểm tra cùng điểm số như ý.
Đồng thời, để có thể tổ chức kì thi online hiệu quả và khách quan nhất, hạn chế tối đa trường hợp học sinh gian lận trong thi cử thì mỗi nhà trường lại cần có những quy chế riêng nghiêm ngặt và không thể thiếu đó chính là sự hỗ trợ từ chính các ứng dụng công nghệ".
"Bệnh ỷ lại" và "Bài toán giáo dục cần phải giải quyết"
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay: "Nhìn vào vấn nạn này, chúng ta chỉ đang đặt vấn đề để cảnh báo chứ để giải bài toán khó này thì cần phải có sự chung tay của rất nhiều bên liên quan".
Theo thầy Tùng Lâm, bài tập về nhà là bắt buộc học sinh phải làm để đánh giá đúng năng lực và việc tiếp thu bài giảng của các em sau mỗi giờ học. Nếu sử dụng ứng dụng là không trung thực, bệnh ỷ lại sẽ ngày càng lớn và khó kiểm soát.
"Sự phụ thuộc của học sinh vào các ứng dụng giải bài tập này từ bé khiến hình thành thói dựa dẫm ỷ lại. Thói dựa dẫm ỷ lại sẽ nảy sinh ra cách sống phụ thuộc.
Cũng giống như một thứ dây leo, sống bám vào thân cây, hút nhựa cây để phát triển, khi cái cây chết đi thì đám dây leo kia cũng chết theo. Nghĩa là khi các con giao phó, phụ thuộc việc giải bài tập về nhà của mình vào chúng và đánh mất hoàn toàn quyền tự sáng tạo, chủ động và trung thực trong học tập cũng như trong cuộc sống", thầy Tùng Lâm khẳng định.