Ròng rã dạy trực tuyến, giáo viên than trời vì mệt mỏi và áp lực
(Dân trí) - Hơn 3 tháng phải dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giáo viên cảm thấy quá áp lực và mệt mỏi.
Kể từ khi bắt đầu năm học với hình thức học trực tuyến, thầy trò các cấp học đã thích nghi với hình thức học này. Nhiều bất cập xảy ra trong quá trình dạy và học trực tuyến; trong đó có cả những áp lực đối với giáo viên dạy học trực tuyến.
Ngoài áp lực về lịch dạy như ở trên lớp còn là áp lực về tìm hiểu công nghệ mới ứng dụng vào bài giảng, hay duy trì chất lượng vào từng bài giảng cho học sinh…
Muôn vàn khó khăn, "trăm dâu đổ đầu tằm"
Là một giáo viên dạy cấp 2 tại Hà Nội, cô Lan Anh cảm thấy bối rối, áp lực về thời gian dạy học trực tuyến quá tải trong mùa dịch. "Nhiều khi vì lịch dạy bị áp lực thành ra cũng tâm lý và hay nổi cáu với con", cô Lan Anh tâm sự.
Cô Lan Anh chia sẻ: "Theo như lịch được nhà trường phân công, có những ngày mình dạy đến 8 tiết, còn ít nhất cũng 6 tiết. Soạn giáo án phù hợp cho việc dạy trực tuyến đã là cả một quá trình gian nan, nay với lịch dạy liên tục như vậy thì quả thật khá áp lực đối với giáo viên và nhà trường".
Cô Thanh Huyền (Giáo viên âm nhạc tại một trường ở quận Đống Đa) cũng cảm thấy áp lực vì lịch dạy được xếp như trên lớp. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác là cố gắng để cô trò cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Ngoài thời gian phải dạy ở trên lớp, mình còn phải soạn giáo án theo sách giáo khoa mới nên vô cùng vất vả. Chưa kể đến việc phải thiết kế bài giảng dưới định dạng Powerpoint sinh động, cho học sinh hứng thú với bài. Mỗi một Powerpoint cũng phải mất đến hàng tiếng đồng hồ chứ có ít đâu", cô Huyền thở dài nói.
Bước sang tuổi 50, với 26 năm công tác trong nghề, nhưng cô Dương Thị Kim Cúc (giáo viên chủ nhiệm lớp 3) vẫn ngày ngày gọi điện để con gái ở xa hướng dẫn soạn giáo án bằng Powerpoint.
Cô Cúc tâm sự: "Con gái đi lấy chồng xa, tôi thì cũng có tuổi rồi nên việc tiếp cận với công nghệ cũng gặp phải vô vàn những khó khăn. Nhiều khi 2 giờ sáng mà vẫn phải gọi điện để nhờ con chỉ những chỗ chưa biết, ghi vào sổ đến cả 10 lần cũng chẳng thể nhớ được".
Lịch dạy cũng được chia ra để đảm bảo chất lượng cho học sinh như: Khung giờ 7 giờ 15 đến 9 giờ 15 dành cho học sinh trung bình khá, khung giờ cho học sinh khá giỏi sẽ là từ 9 giờ 30 và kết thúc lúc 11 giờ 30.
Không bị áp lực về giờ dạy giống cô Lan Anh, cô Nguyễn Huyền lại rơi vào những tình huống "dở khóc, dở cười", và đây cũng chính là lý do khiến cô bị căng thẳng và áp lực.
Cô Huyền cho hay: "Kiểm soát học sinh trong lớp học trực tuyến quả thật là một bài toán khó đối với rất nhiều giáo viên như mình. Lớp có đến 45 em học sinh, như vậy là có 45 phụ huynh ngồi dự giờ. Nhiều lúc dạy cũng bị áp lực còn hơn cả có hiệu trưởng tới dự giờ lớp học.
Cùng một lúc, cô không thể quan sát hết được tất cả 45 bạn trên màn hình. Nhiều bạn học sinh dùng điện thoại hay iPad màn hình rất bé, có lúc đang dạy lại có em bật mic: "Thưa cô em không thấy rõ màn hình", làm mình cũng bối rối theo".
Thầy cô hãy thực sự tự tin
TS Trần Văn Tính (Trưởng bộ môn Giáo dục và Phát triển con người, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra các yếu tố khiến giờ học trực tuyến không hiệu quả, nhiều giáo viên phải chịu áp lực.
Đó chính là giờ học quá dài, trong khi khả năng tập trung của con người có giới hạn. Đặc biệt, sức tập trung một chiều qua màn hình thiết bị điện tử sẽ gây căng thẳng về tâm lý. Hay việc bài giảng quá dài nhiều chữ và rất rối mắt, thầy cô chỉ giảng một chiều và liên tục chứ không tương tác. Cuối cùng là sự giao tiếp cảm xúc tích cực không được truyền tới cho học sinh.
"Muốn tiết dạy trực tuyến hiệu quả và không bị áp lực, trước hết thầy cô phải tự tin vào chính mình. Chỉ khi giáo viên tự tin và làm chủ lớp học thì đó mới là một giờ học hiệu quả và bổ ích", TS Tính nhấn mạnh.
TS Tính cũng gợi ý những điều giúp thầy cô có được một giờ dạy trực tuyến hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh như sau: Trước hết, chính là phương pháp tổ chức giờ dạy trực tuyến hiệu quả. Thầy cô phải có tâm thế dạy học tích cực, nó định hướng được cả một ngày dạy kéo dài 3-4 tiếng.
Tiếp đó chính là sự ứng xử, giao tiếp đối với học trò để tạo sự tương tác hai chiều trong lớp học. Nội dung bài học, mục tiêu dạy của buổi học cũng được rút ngắn và chỉ ra một cách rõ ràng. Nên nói những nội dung trọng tâm và quan trọng, tránh nói dài.
Sử dụng các video, hình ảnh cũng tác động trực tiếp đến thị giác của học sinh. Trong tiết học cũng tạo tình huống, câu hỏi hay trò chơi để cho buổi học được sôi động. Những câu hỏi mở, kích thích sự tư duy sáng tạo cho học sinh cũng vô cùng quan trọng, câu hỏi phỏng vấn nhanh để giúp học sinh ghi nhớ kiến thức buổi học.