Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm 2022

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Với 99,56% học sinh tốt nghiệp THPT năm 2023, Hà Nội xếp thứ 16 cả nước và tăng 11 bậc so với năm 2022.

Theo số liệu công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 ghi nhận mức tăng cao nhất từ trước tới nay của địa phương về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp.

Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của thành phố đạt 99,56%, đứng thứ 16 toàn quốc và tăng 11 bậc so với năm 2022.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của khối Giáo dục thường xuyên đạt 98,3%, tăng 4 bậc so với năm 2022.

Cũng tại kỳ thi này, Hà Nội dẫn đầu về số điểm 10, lọt top 10 tỉnh thành có điểm cao nhất ở nhiều môn thi như toán học, sinh học, vật lý...

Các thông tin trên được Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nêu trong báo cáo tổng kết năm học 2022-2023.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm 2022 - 1

Học sinh Hà Nội tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Mạnh Quân).

Giám đốc Sở cũng đưa ra các con số thống kê thể hiện quy mô ổn định của ngành giáo dục Hà Nội. Cụ thể, thành phố có 2840 trường các cấp, trong đó có 2245 trường công lập với hơn 1,8 triệu học sinh, 533 trường ngoài công lập, 40 trường có vốn đầu tư nước ngoài, 22 trường hiệp quản, 29 trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và 1 trường bồi dưỡng cán bộ.

72,5% các trường đạt chuẩn quốc gia, 100% giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn đào tạo trở lên.

Giám đốc Sở đánh giá cao công tác tổ chức các kỳ thi tuyển sinh của thành phố trong năm học 2022-2023.

Chỉ riêng trong tháng 6, Hà Nội cùng lúc tổ chức 6 kỳ thi có quy mô lớn gồm: kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, kỳ thi tuyển  sinh vào lớp 10 song ngữ tiếng Pháp, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ song bằng - tú tài, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Hà Nội - Amsterdam và kỳ thi tốt nghiệp THPT - nơi Hà Nội chiếm 1/10 tổng số thí sinh của cả nước.

Về công tác giáo dục mũi nhọn, Hà Nội có một năm học đạt thành tích cao khi dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Một trong những vấn đề tồn tại được xem là thách thức lớn nhất của ngành giáo dục thủ đô là tình trạng quá tải tuyển sinh đầu cấp.

Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến thiếu trường học công lập cục bộ. Một số trường học cũ chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường. Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả chưa cao...

Không chỉ nội đô, tại một số huyện ngoại thành như Gia Lâm cũng xảy ra trình trạng thiếu trường học bậc THPT khi dân số cơ học tăng mạnh. Sau 20 năm tách huyện Gia Lâm và quận Long Biên, dân số Gia Lâm tăng từ 18 vạn lên 30 vạn nhưng số trường THPT vẫn giữ ở con số 4.

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - nhấn mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường học trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh và tăng dân số cơ học là vấn đề rất khó khăn của Hà Nội.

Sau khi khai giảng năm học mới, các quận huyện sẽ phải tập trung rà soát lại và có kế hoạch cụ thể, chi tiết về cơ sở vật chất để thành phố có phương án triển khai đầu tư xây mới các trường học.