Tỷ lệ “chọi” sẽ đánh lừa thí sinh chọn trường

(Dân trí) - Xu hướng chọn trường nào, ngành nào vẫn là một trong những vẫn đề được thí sinh đặc biệt quan tâm khi mà ngành ĐKDT đến gần. Ngoài việc tìm trường theo năng lực và sở thích thì không ít thí sinh vấn đặc biệt quan tâm đến con số tỷ lệ “chọi”.

Tỷ lệ “chọi” sẽ đánh lừa thí sinh chọn trường  - 1

Tỷ lệ "chọi" không quyết định điểm chuẩn cao hay thấp. (Ảnh: Việt Hưng)

Như là tiềm thức thì hấu hết các thí sinh đều cho rằng tỷ lệ “chọi” càng thấp thì khả năng trúng tuyển càng cao. Chính vì thế mà không ít thí sinh vẫn có tư tưởng nộp nhiều hồ sơ ĐKDT để chờ đến khi nắm bắt được con số tỷ lệ “chọi” thì sẽ chọn trường “nhẹ ký” để dự thi.

Tỷ lệ “chọi” không phải là yếu tố quyết định độ khó, dễ

Theo nguyên tắc toán học đơn giản thì tỷ lệ chọi chính là tỷ số giữa số lượng hồ sơ nộp vào trường và chỉ tiêu tuyển sinh của trường đó xét tuyển. Có lẽ vì theo sư logic này mà nhiều thí sinh cho rằng trường nào có tỷ lệ “chọi” thấp thì khả năng điểm chuẩn trường đó là không cao.

Nếu hiểu theo chiều sâu về tỉ lệ chọi thì việc thí sinh có đỗ hay không phụ thuộc chính vào sự “chiến đấu” giữa bản thân thí sinh đó với tổng số thí sinh dự thi thực trừ đi mức chỉ tiêu mà trường đó xét tuyển.

Về nguyên tắc khái niệm tỷ lệ “chọi” hoàn toàn đúng nhưng sự so sánh giữa tỷ lệ “chọi” và điểm chuẩn là hoàn toàn sai lầm.

Thống kê dữ liệu tuyển sinh ĐH, CĐ các năm vừa qua cho thấy, nhiều trường có tỷ lệ chọi cao nhưng điểm xét tuyển lại thấp hơn trường có tỷ lệ chọi thấp.

Trên thực tế, số thí sinh “địch thủ” mà thí sinh phải chọi không phải là số thí sinh dự thi vì có rất nhiều bạn điểm kém. Đối thủ thực sự trong cuộc chiến “đỗ và trượt” là những thí sinh có điểm thi cao hơn hoặc bằng điểm xét tuyển.

Như vậy, chất lượng thí sinh dự thi mới quyết định điểm chuẩn cao hay thấp. Trường nào có nhiều thí sinh giỏi dự thi trường đó sẽ có điểm xét tuyển cao. Nếu hồ sơ dự thi đông, tỷ lệ chọi cao nhưng chất lượng thí sinh thấp thì điểm tuyển sẽ không thể cao.

Chẳng hạn qua 3 mùa tuyển sinh gần nhất thì nhiều trường có tỷ lệ “chọi” cao ngất ngưởng nhưng điểm chuẩn vào trường lại không quá cao như ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Nguyên... Trong khi đó các trường có tỷ lệ “chọi” nhẹ ký như ĐH Bách khoa Hà Nội, Xây dựng... thì không phải ai cũng có khả năng bước chân vào những giảng đường này.

Theo số liệu thống kê tuyển sinh các năm thì cho thấy số lượng thí sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 15 trở lên chiếm khoảng 13-20% tổng số thí sinh dự thi cả nước. Chỉ có những có thí sinh đạt ở mức điểm như vậy thì mới có khả năng trúng tuyển. Tuy nhiên, lượng phân bố các em này dự thi vào các trường không đồng đều. Hầu hết các thí sinh giỏi đều tập trung vào các trường “top” trên và các ngành nghề “hot”. Chính vì thế tỷ lệ chọi của các trường này thấp hơn nhiều so với các trường khác nhưng do chất lượng thí sinh dự thi tốt nên điểm chuẩn luôn ở mức cao (từ 21 điểm trở lên).

"Hội chứng" điểm chuẩn năm trước cao năm sau giảm

Thức tế các năm tuyển sinh vừa qua cũng cho thấy nhiều trường năm trước có điểm chuẩn khá cao những đến năm sau thì lại đột ngột giảm. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này vẫn là độ khó dễ của đề thi. Bên cạnh đó “hội chứng” này cũng một phần do nhiều thí sinh dự thi trước các năm trước đó có điểm cao những chưa trúng tuyển đã biết cách lựa chọn trường vừa sức.

Tuy nhiên xu hướng “bấp bênh” này cũng đẩy đến việc nhiều trường “top” giữa lại có điểm chuẩn tăng đột biến lên do một số lượng lớn học sinh khá giỏi biết lượng sức mình đầu đơn vào.

Chẳng hạn như ĐH Y Hà Nội năm 2008 có điểm chuẩn rất cao, thậm chí có rất nhiều thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên nhưng vẫn trượt ĐH. Rõ ràng những thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên vẫn là những thí sinh khá, nếu chọn trường phù hợp thì thừa khả năng đỗ ĐH. Chính vì thế mà năm 2009 nhiều thí sinh khối B, những em có học lực chưa thật xuất sắc đã chọn nhưng trường vừa phải không lao vào các trường danh giá. Chính vì thế đã đẩy điểm chuẩn các ngành có tuyển khối B của nhiều trường tăng vọt so với các năm trước. Trái lại điểm chuẩn các ngành khối B của trường Y lại "nhẹ ký" đi thấy rõ.

Chính vì những “biến động” trong tuyển sinh như vậy thì chỉ những thí sinh học giỏi, tự tin vào sức học của mình thì mới có thể thi vào trường mà bản thân mình thích. Còn những thí sinh chưa thực sự giỏi thì cần quan tâm đến chỉ tiêu của ngành mình chọn, tham khảo điểm tuyển các năm trước để so sánh với lực học của mình sau đó mới nên quyết định chọn trường.

Vậy cần những dữ liệu nào để chọn trường, các dữ liệu này khai thác từ đâu?... Dân trí sẽ cập nhật tới các bạn thí sinh trong bài kế tiếp: “Cách khai thác dữ liệu để chọn trường phù hợp”.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm