Tuyển GV tiếng Anh bản ngữ: Liệu có "tiền nào của nấy?"

(Dân trí) - Lý do mức lương giáo viên đến từ các Anh, Mỹ, Úc hay nhiều nước châu Âu quá cao nên TPHCM chọn giáo viên người Philippines vào dạy tiếng Anh ở trường phổ thông. Điều này làm nhiều người lo ngại liệu có “tiền nào của nấy?”

Tại sao là GV Philippines?

Trong tháng 11/2012, 100 giáo viên (GV) Philippines sẽ được phân bổ về các trường tiểu học, THCS ở TPHCM phục vụ cho việc dạy học tiếng Anh. Đội ngũ GV này do thành phố tuyển, có sở pháp lý rõ ràng, đã trải qua khảo sát về năng lực chuyên môn và khả năng sư phạm. Toàn bộ tiền thuê GV bản ngữ sẽ do phụ huynh có con tham gia chương trình đóng kinh phí.

Các GV bản ngữ sẽ trực tiếp đứng lớp giảng dạy học sinh (HS) theo phân phối chương trình của Sở GD-ĐT, tham gia các hoạt động chuyên môn ở trường và trên địa bà, dự giờ góp ý và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp và tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng môi trường ngôn ngữ cho HS. Tổng 35 tiết mỗi tháng với mức lương 2.000 USD.

Học sinh tiểu học tại TPHCM trong buổi giao lưu với giáo viên, sinh viên nước ngoài. 
Học sinh tiểu học tại TPHCM trong buổi giao lưu với giáo viên, sinh viên nước ngoài. 

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay trước khi quyết định chọn GV người Philippines, Sở đã khảo sát lương trả cho GV bản ngữ đến từ Úc khoảng 5.000 USD/tháng, người Anh, Mỹ và các nước Châu Âu mức lương cao hơn. Trong khi đó, mức lương của GV người Philippines chỉ 2.000 USD/tháng. Theo tính toán với mức lương này, mỗi HS tham gia chương trình sẽ đóng khoảng 120.000 đồng/tháng.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, Philippines là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có tiếng Anh là một trong 2 ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh tại Philippines được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày và trong các loại văn bản hành chính. Hầu hết các trường phổ thông và đại học ở Philippines giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và học theo giáo trình của Mỹ.

Trong những năm gần đây, Philippines trở thành địa chỉ du học tiếng Anh lớn ở khu vực châu Á. Sinh viên châu Á chọn Philippines để du học bởi lợi thế Philippines có dân số nói tiếng Anh đông, giọng phát âm chuẩn, học phí và chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với các nước châu Âu, Bắc Mỹ.

Ít tiền có đảm bảo chất lượng?

Trước thông tin Sở GD-ĐT TPHCM chọn GV Philippines vào giảng dạy tiếng Anh ở trường phổ thông, các trường và phụ huynh trên địa bàn đã có những phản ứng trái ngược nhau.

Nhiều trường đã có hợp đồng với GV bản ngữ từ các trung tâm cho rằng HS của mình đang được tiếp cận với GV người Anh, Mỹ, Úc có chất giọng và phát âm tiếng Anh chuẩn. Nếu như Sở tuyển GV từ Philippines - dù sao cũng là một nước châu Á - thì chẳng khác yêu cầu trường tự hạ chất lượng dạy học?

“Hiện nay trường đã ký hợp đồng một năm với GV người Mỹ từ trung tâm ngoại ngữ nên phải hết năm nay chúng tôi mới nhận GV phân bổ từ Sở. Có điều trường rất hài lòng về GV bản ngữ hiện tại, nếu không phải thay thì tốt quá", hiệu trưởng một Trường tiểu học ở Q.4 băn khoăn và bày tỏ lo ngại, phụ huynh thích cho học với GV người Mỹ, nếu trường đổi GV biết đâu họ không cho con tham gia mà chọn đi học ở trung tâm.

Tuy nhiên, không ít người đồng tình với việc tuyển GV Philippines. Về vấn đề tiền bạc, nếu chờ thuê GV người Anh, Úc, Mỹ với mức lương "ngất ngưởng" thì rất khó để phụ huynh HS kham nổi chi phí. Như vậy, chỉ một số em gia đình có điều kiện mới có cơ hội theo học. Bên cạnh đó, khả năng tiếng Anh của người Philippines cũng được nhiều người ghi nhận.
 

“Tôi đang học tiếng Anh với thầy giáo người Philippines ở trung tâm ngoại ngữ và thấy họ dạy rất tốt, không thua kém với GV các nước đến từ Anh, Úc, Mỹ đâu, phương pháp còn dễ tiếp thu hơn. Nên khi TPHCM tuyển GV Philippines vào trường học dạy tiếng Anh, tôi thấy không vấn đề gì, tôi sẽ cho con tham gia. Chỉ có điều, nói tiếng Anh tốt chưa hẳn là dạy tốt nên phải là những người được khảo sát chặt về chuyên môn và phương pháp sư phạm”. - chị Phạm Thị Nhung, ngụ ở đường Lý Thường Kiệt, Q.11, TPHCM - một phụ huynh học sinh, đang làm việc cho công ty nước ngoài.

Cô Hồ Dương Châu - Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) cho biết, thông qua hợp đồng với trung tâm Apollo, trước đây trường từng có GV bản ngữ là người Philippines đến giảng dạy tiếng Anh.

“Về những GV Sở tuyển thì mình chưa thể đánh giá vì chưa có cơ hội tiếp xúc nhưng những GV người Philippines từng dạy ở trường, tôi đánh giá cao khả năng tiếng Anh và chuyên môn sư phạm của họ.

Nhiều phương pháp dạy tiếng Anh của họ rất hay vì tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của họ. Không chỉ có kinh nghiệm về chuyển tải, GV Philippines còn có lợi thế mà GV đến từ các nước châu Âu đôi khi không thể bằng là văn hóa của họ rất gần với mình”, cô Châu cho hay.

Đại diện nhiều trường cho rằng, chưa thể đánh giá về GV khi chưa làm việc nên… chờ rồi mới biết. Nhưng các trường tỏ ra ra khá yên tâm vì đội ngũ này đã được khảo sát về chuyên môn và khả năng sư phạm. Hơn nữa, Sở GD-ĐT TPHCM đã chia sẻ, trong quá trình làm việc, nếu trường thấy GV không đủ chuyên môn và không đáp ứng các yêu cầu thì có thể ngưng hợp đồng.

Khi việc thuê GV bản ngữ ở các trường lâu nay vẫn theo kiểu “tự lo”, nhiều trường loay hoay lúng túng thì chủ trương tuyển GV nước ngoài tham gia sâu vào việc dạy học tiếng Anh ở trường là cần thiết.

Nhưng phải chăng cần linh động trong việc phân bổ GV. Nếu các trường đã có thể thuê GV đến từ Mỹ, Anh hay Úc, liệu có cần thiết phải đổi GV người Philippines theo chủ trương? Còn nữa, việc kiểm soát chất lượng giảng dạy của đội ngũ GV bản ngữ cũng cần thật chặt chẽ để không rơi vào cảnh sai rồi mới tìm cách sửa như tình trạng học ngoại ngữ lâu nay chúng ta đang gặp phải.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm