Tuyên dương 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu cả nước
(Dân trí) - Tối qua (12/11), 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo trên cả nước đã được tuyên dương tại Hà Nội trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Đây là những tấm gương thầy cô đã vượt qua mọi khó khăn để đến với những điểm trường xa xôi nhất, ở những nơi nghèo khó nhất trên cả nước. Nhiều thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, gắn bó hàng chục năm trời với những học trò nghèo vùng núi, nơi biên giới xa xôi.
Chương trình tuyên dương các thầy cô giáo “cắm bản” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát động từ tháng 9.
Đại diện BTC lễ tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô”, anh Nguyễn Phi Long - Bí thư TƯ. Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN cho biết mục đích của chương trình là: “nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khơi dậy tinh thần xung kích của xã hội, đặc biệt là đoàn viên, hội viên, thanh niên trong việc mang tri thức tới cho các con, em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi xã hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”.
Các thầy cô giáo từ vùng sâu, vùng xa về Thủ đô dự lễ tuyên dương đều vui mừng, phấn khởi khi được Nhà nước và xã hội ghi nhận nỗ lực. Tại buổi lễ, các thầy cô giáo đến từ địa phương khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An… chia sẻ những câu chuyện chân thực về đời sống của giáo viên “cắm bản” khiến khán giả xúc động rơi lệ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thêu đã trải qua 19 năm “cắm bản” tại trường Tiểu học Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hai vợ chồng chị đều là giáo viên, phải sống xa cha mẹ, con cái cũng phải gửi ông bà ở quê nuôi. Điều kiện vật chất, tinh thần đều thiếu thốn nhưng cô Thêu quyết không bỏ nghề, không bỏ các em học sinh vùng cao để về xuôi.
Tuy không có thâm niên trong nghề như cô Thêu nhưng cô Lò Thị Chiển cũng đã gắn bó 4 năm với Trường Mầm non Nậm Khăn, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Mái trường ở nơi không có điện, không có trạm y tế và sóng điện thoại. Cô Chiến và ngừoi bạn đồng nghiệp thường xuyên mất liên lạc với người thân. Những khi cần gọi điện thoại, các cô giáo phải trèo lên cây cao để “hứng sóng”…
Có nghe kể trực tiếp mới thấy điều kiện sống và làm việc của các giáo viên vùng cao còn quá nhiều gian truân. Chính vì vậy, các thầy cô cần có sự quan tâm, giúp đỡ từ chính sách và xã hội.
Nhân dịp lễ tuyên dương các giáo viên “cắm bản”, BTC đã trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho mỗi thầy, cô giáo để động viên tinh thần. Ngoài ra, BTC còn tặng thêm 280 tấm chăn cho học sinh ở 14 điểm lẻ trường mầm non trong chương trình.
Mai Châm