Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Tuân thủ pháp luật BHYT là trách nhiệm của cơ sở giáo dục, GV, HS và phụ huynh
(Dân trí) - Liên quan đến bài viết được đăng tải trên báo Dân trí "Giáo viên chủ nhiệm “mất ăn, mất ngủ” vì thu bảo hiểm y tế", Trung tâm Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có ý kiến như sau:
Tại Khoản 2, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ 1/1/2015, quy định rõ: "Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện."
Tại Điều 7b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cũng được nêu rõ: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ GD-ĐT quản lý, trong đó có đối tượng HS, SV.
Chỉ thị số 05-CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT yêu cầu yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HS, SV, đảm bảo đạt 100% HS, SV tham gia BHYT.
Tại tiết a, khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch 41/2014/TTTL-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT quy định: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HS, SV 6 tháng hoặc 1 năm/lần nộp vào quỹ BHYT.
HS, SV tham gia BHYT ngoài việc hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh theo quy định như các nhóm đối tượng khác, còn được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường với mức trích lại cho y tế học đường bằng 7% trên tổng mức thu BHYT HS, SV.
Như vậy, việc tuân thủ pháp luật BHYT là trách nhiệm của cả cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, HS-SV và phụ huynh HS, SV.
PV