Từ vụ bạo lực tại trường quốc tế: Cách bảo vệ con khi bị bạn đánh ở trường

Hoài Nam

(Dân trí) - Sự việc xôn xao tại Trường Quốc tế TPHCM - American Academy kéo theo nhiều tranh cãi và đặt ra vấn đề bảo vệ con khi bị bạn đánh tại trường.

Sự việc chị T.H.T, phụ huynh có con học tại trường Quốc tế TPHCM - American Academy (ISHCMC-AA) "tố" con bị bạn bạo hành tại trường và có những phản ứng, livetream xung quanh sự việc, gây chú ý trong những ngày qua. 

Từ sự việc, Trường quốc tế ISHCMC-AA liên tục bị "ném đá" 1 sao. Nhiều ý kiến cho rằng trường thiếu trách nhiệm khi giải quyết sự việc. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh trong cơn bức xúc khi con bị bạo hành đã cả giận mất khôn, hành xử thiếu kiềm chế.

Giữa những luồng ý kiến đó, nhiều người quan tâm đến khía cạnh cần làm gì khi con bị bạn đánh tại trường. Nhất là khi tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng, nhưng nhiều nơi chưa thật sự quan tâm đến hóa giải vấn đề này. Nhà trường thường chỉ xử lý qua loa, xem nhẹ hoặc né tránh trách nhiệm nên những khó khăn, áp lực với trẻ ít được tháo gỡ. 

Từ vụ bạo lực tại trường quốc tế: Cách bảo vệ con khi bị bạn đánh ở trường - 1

Mẹ của nữ sinh liên quan đến vụ ẩu đả livetream đối chất, đôi co với nhà trường quanh sự việc lên mạng xã hội gây nhiều tranh cãi (Ảnh chụp lại clip)

Phụ huynh cần biết "quyền được" và "không được"

Liên quan đến vụ bạo lực học đường gây "nóng" tại trường quốc tế những ngày qua, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, chia sẻ về quyền và giới hạn của cha mẹ khi con bị bạn đánh ở trường. 

Với học sinh còn đang học phổ thông, dưới 18 tuổi, cha mẹ chính là người giám hộ (guardian) của trẻ. Do vậy, khi con bị hành hung, tấn công, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng… ở trường, cha mẹ có những quyền nhất định để can thiệp và bảo vệ con cái.

Như quyền được nhà trường chủ động thông tin ngay khi có sự việc xảy ra vượt quá mức độ thông thường; Quyền được nhà trường thông tin rõ ràng về chính sách, nội quy của nhà trường đối với các hành vi bị kỷ luật của học sinh, cũng như quy trình thực hiện các biện pháp kỷ luật học sinh.

Chính sách này phải được xây dựng từ trước và được thông tin tới toàn thể cộng đồng học sinh, giáo viên, nhân viên, và cha mẹ. Trong trường hợp trường không có chính sách này, cha mẹ có thể yêu cầu trường áp dụng theo điều lệ trường phổ thông hoặc theo các thông tư quy định việc khen thưởng, kỷ luật học sinh.

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, tất cả các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế đều yêu cầu nhà trường phải có chính sách bảo vệ an toàn và hạnh phúc của học sinh .

Từ vụ bạo lực tại trường quốc tế: Cách bảo vệ con khi bị bạn đánh ở trường - 2

Bạo lực học đường giữa học sinh cần thái độ ứng xử đúng đắn, bình tĩnh của phụ huynh, nhà trường.

Quyền yêu cầu nhà trường lập hội đồng kỷ luật để xem xét vụ việc xâm phạm tới con mình và quyền được tham gia các cuộc họp với nhà trường để trao đổi thông tin, giải quyết sự việc; Quyền yêu cầu nhà trường có chính sách bảo vệ an toàn cho con trong trường hợp con bị đe dọa bởi bạn bè, hoặc người lớn trong trường;

Cha mẹ có quyền yêu cầu cho con tạm ngưng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra cũng như bảo vệ tâm lý cho con; Quyền được yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ từ các nhân sự liên quan trong trường như y tá trường, chuyên viên tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp.

Phụ huynh cũng có quyền khiếu nại về việc nhà trường không thực hiện đúng quy trình kỷ luật học sinh cũng như không ngăn chặn bạo lực học đường; Quyền được báo cảnh sát trong trường hợp trường không giải quyết sự việc hợp lý dẫn tới việc con bị thương tích, xâm hại…

Tuy nhiên, ông Bùi Khánh Nguyên nhấn mạnh, phụ huynh cần lưu ý mình có thể không có các quyền nhất định, như không được gặp trực tiếp học sinh gây ra thương tích hay xâm hại bạn. Lý do trường học phải ngăn chặn cuộc gặp này vì từ phía bị xâm hại, cha mẹ có thể không kiềm chế được và lao vào tấn công đứa trẻ phía bên kia. Vì  như vậy thì từ một cái sai này sẽ dẫn tới một cái sai khác, tiếp tục đẩy tình huống vào mức tệ hơn lúc ban đầu. 

Phụ huynh cũng có thể không được gặp trực tiếp gia đình của đứa trẻ gây ra lỗi, với lý do tương tự là tránh xung đột, bạo lực giữa hai gia đình. Thông thường nếu có tổ chức gặp, phải được tổ chức trong trường, và do trường sắp xếp. Chuyện va chạm của học sinh với nhau có thể xảy ra, và thường xảy ra, nhất là với lứa tuổi teen, các em có thể nóng nảy, liều lĩnh, thiếu kiềm chế.

Cần ổn định tâm lý học sinh 

Sự việc trong mối quan hệ học sinh - học sinh, phụ huynh - phụ huynh, phụ huynh - nhà trường kéo theo những cuộc tranh cãi nảy lửa. Khi sự việc đi quá xa, các cơ quan quản lý cao nhất trong ngành giáo dục từ Bộ GD-ĐT, sở, phòng đều phải lên tiếng. Trong đó, các cơ quan quản lý đều nhấn mạnh việc sớm ổn định tâm lý cho học sinh, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự việc. Các em ở bên nào cũng đang trở thành nạn nhân, cả trên mạng xã hội với nhiều tấn công, phát xét. 

Có thể lúc "say sưa" đối chất đi tìm đúng sai, trong khi ùa theo đám đông ném đá, phê phán dù mình không phải là người trong cuộc, người lớn có thể bỏ quên hoặc làm tổn thương các em. 

Trước sự việc xôn xao tại Trường Quốc tế TPHCM - American Academy, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. 

Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị nhà trường cần có trách nhiệm giải quyết sự việc như gặp phụ huynh học sinh, đảm bảo an toàn cho học sinh, ổn định tâm lý, tránh ảnh hưởng đến việc học tập.

Như băn khoăn của một nhà giáo dục trẻ em tại TPHCM, khi trẻ phải chứng kiến người lớn bạo lực với nhau cũng là một dạng bạo hành. Trong mọi vấn đề, dù bên sai hay bên đúng, trẻ em cũng dễ tổn thương hơn người lớn. Thậm chí có thể tổn thương và nhiễm độc vì những tiếng vỗ tay của người xung quanh, của thế giới mạng. 

Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm, chuyện va chạm của học sinh với nhau thường xảy ra, nhất là với lứa tuổi teen, các em có thể nóng nảy, liều lĩnh, thiếu kiềm chế.

Tuy nhiên, thái độ đúng của nhà trường, cha mẹ sẽ quyết định việc ngăn sự việc trượt ra xa hơn. Mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn được cho em học sinh gặp nạn, và mục tiêu tiếp theo là cảm hóa được học sinh sai phạm, giúp em chủ động nhận thức được lỗi và hòa giải thành công với bạn.

"Trong trường hợp xấu nhất, hãy bảo vệ con bằng biện pháp cuối cùng như chuyển trường, chuyển nơi ở, chọn học online, thậm chí học tại nhà (homeschooling)", ông bày tỏ.