Từ nhà tù ra trường học - Ranh giới mong manh
Trong chưa đầy hai tháng, hàng loạt biến cố ập vào đời cậu học trò hiền ngoan, chăm chỉ. Cố rũ bỏ ám ảnh về những phiên tòa nghiệt ngã, những trải nghiệm xót đau trong trại giam, ngay sau ngày ra tù, bị án Đỗ Quang Thiện cấp tốc ôn luyện và làm các bài kiểm tra học kỳ, chuẩn bị cho kỳ thi căng thẳng cuối cùng thời học sinh áo trắng…
Tai bay vạ gió?
Trưa ngày 20/9/2012, cú ngã được cho là đột qụy của ông thợ xây Lê Phước Thọ 67 tuổi bỗng trở thành cú ngã định mệnh đối với cậu học trò lớp 10 Đỗ Quang Thiện. Chỉ vì đúng lúc đó xe của Thiện vượt qua xe ông Thọ, còn ông Thọ đột ngột ngoặt sang trái, hai xe va vào nhau đổ xuống đường giữa một giao lộ nội thành Buôn Ma Thuột.
Từ đó, việc học của Thiện trở nên vô cùng khó khăn với vô số lần bị triệu tập làm việc với các cơ quan tố tụng. Từ học lực khá, phải rất cố gắng em mới giữ được điểm số trung bình. Hai lần phải đứng trước vành móng ngựa ở hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, Thiện đều kêu oan, đều bị các quan tòa coi là ngoan cố chối tội!
Tháng 8/2014 bị tòa phúc thẩm tuyên án 9 tháng tù giam, trong khi phấp phỏng chờ bản án có hiệu lực thi hành, được gia đình, thầy cô, bạn bè động viên giúp đỡ, Thiện đã nỗ lực vượt bậc để cuối học kỳ I lớp 12 xếp loại học sinh tiên tiến.
Năm học cuối cấp sắp kết thúc thì sáng ngày 2/4/2015, cả trường sửng sốt chứng kiến cảnh đội Thi hành án Hình sự Công an thành phố Buôn Ma Thuột bất ngờ điều xe đặc chủng đến đậu giữa sân trường, gọi Thiện rời lớp học, áp giải lên xe đưa vào trại giam.
Từ giữa tháng 4, tất cả các bạn cùng học lớp 12A2 với Thiện đã ký đơn kiến nghị gửi nhiều nơi xin cho Thiện tạm hoãn thi hành án trở về trường dự kỳ thi cuối cấp. Gửi đơn kháng cáo rồi ngược xuôi kêu cứu khắp các cửa cho con, ông Đỗ Quang Thanh thấy kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) càng đến gần, thì càng héo hắt lo âu.
Tối Chủ nhật 17/5 ôm chồng hồ sơ kêu oan tìm đến báo Tiền Phong, ông Thanh than sợ con mình không còn cơ hội học hành. Trước đây ông Thanh làm nghề buôn bán xe máy cũ, vợ ông vá may tại nhà, hơn hai năm qua hầu như chẳng làm ăn gì được nữa vì suốt ngày ngược xuôi tìm cách cứu con - ông Thanh kể. Vợ chồng ông nghe người ta nói hễ quá 20 tuổi sẽ không được thi tốt nghiệp THPT, trong khi cháu Thiện hồi học THCS mắc bệnh đau đầu, đã phải nghỉ học liền 2 năm…
Xót con, người đàn ông rắn rỏi nghẹn giọng rơi nước mắt. Tôi chạnh lòng bấm điện thoại gọi thầy giáo chủ nhiệm cũ Trương Thức, nay là Chánh văn phòng Sở Giáo dục đào tạo Đắk Lắk.
Đêm khuya, nghe học trò cũ gọi hỏi về điều kiện dự thi đối với trường hợp cháu Đỗ Quang Thiện đang thụ án tù giam, nếu như may mắn sắp tới cháu được tại ngoại, thầy sốt sắng giải thích về độ tuổi dự thi không hề bị khống chế.
Tuy nhiên, thời hạn chốt lại danh sách học sinh được phép thi tốt nghiệp là ngày cuối tháng 5 này. Thầy hỏi: Liệu em có làm được gì cho cháu không? Nếu chục ngày tới cháu vẫn chưa ra tù thì dù Sở hết sức tạo điều kiện, thầy e không còn kịp nữa!
Câu hỏi của người thầy buộc tôi lao vào cuộc chạy đua với thời gian, nỗ lực đến mức cao nhất vì tương lai của một cậu học trò.
Nỗ lực giành quyền thi cho Thiện
Sáng thứ hai đầu tuần, tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (BV), trong tập hồ sơ bệnh án được lưu trữ cẩn thận gần 3 năm của bệnh nhân Lê Phước Thọ, tôi vô cùng may mắn có được công văn 696 (CV 696 ) - mà trong mắt tôi, nó quan trọng như một chứng cứ có thể xoay chuyển toàn bộ nội dung vụ án, đủ chứng minh em Thiện không phải là bị can, bị cáo, bị án, mà là bị hại, thậm chí là nạn nhân của vụ án này.
Người trao CV 696 cho tôi, ông Nguyễn Văn Hùng - bác sĩ chuyên khoa II, trưởng phòng Tổng hợp Kế hoạch BV, đã không ngại ngần khẳng định: Mình dám chắc là cậu nhỏ này đã lãnh án oan! Tôi đọc CV 696, kinh ngạc thấy từ ngày 26/9/2013, hội đồng chuyên môn của BV đã trả lời chính thức với Viện KSND thành phố Buôn Ma Thuột (Viện KS), là nguyên nhân đột quỵ của ông Thọ hoàn toàn do bệnh lý, không liên quan gì đến tai nạn giao thông.
Vậy mà không những toàn bộ hồ sơ vụ án và 2 phiên tòa đều không đề cập tới CV 696, ngay cả luật sư bào chữa cho Thiện cũng chẳng hề biết về CV 696, vì sau Viện KS và cảnh sát điều tra, chỉ có báo Tiền Phong là cơ quan đến BV tìm hiểu về vấn đề này.
Mấu chốt vấn đề đã bật! Sự lộ diện của vị kiểm sát viên tại BV nhằm xin cấp lại bản gốc CV 696 càng khiến nghi vấn về lý do vụ án sai lệch thêm sáng tỏ. Loạt phóng sự điều tra 5 kỳ, mở đầu bằng bài Tòa “bỏ quên” chứng cứ quan trọng đăng ngày 20/5/2015 trên Tiền Phong nhật báo thu hút sự chú ý của công luận, mong muốn em Thiện được giải oan.
Ngay trong ngày 20/5, phó Chánh án TAND Tối cao (TANDTC) Nguyễn Sơn đã ký liền 2 Quyết định (QĐ) liên quan đến em Thiện, là QĐ cho Thiện tạm hoãn thi hành án, và QĐ kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm ngày 8/8/2014 của TAND tỉnh Đắk Lắk theo hướng hủy bản án về phần trách nhiệm hình sự, để xét xử lại.
Trong khi thời điểm công bố danh sách học sinh được dự thi tốt nghiệp THPT chỉ còn tính từng ngày, thì Quyết định tạm hoãn THA cho Thiện dù đã có hiệu lực từ thứ tư 20/5 và báo chí đã loan tin ngay sau đó, ngày 21/5 Sở GD&ĐT đã ra văn bản “đón đầu” chỉ thị cho các cấp trực thuộc hỗ trợ hết mức để em Thiện bảo đảm đủ các thủ tục dự thi ngay khi được tại ngoại, nhưng tòa tỉnh và tòa thành phố vẫn lạnh lùng bảo chưa nhận được văn bản.
Chiều thứ bảy, bố Thiện báo tin ông vừa nhận được 2 công văn quan trọng của TANDTC. Khi phóng viên liên lạc, ông Nguyễn Minh Hoàng- Chánh án TAND TP BMT cho biết chừng nào nhận được văn bản chính TANDTC gửi đến, ông sẽ cho thi hành.
Bưu điện tỉnh là đơn vị tiếp theo được báo Tiền Phong mời vào “cuộc đua”. Hiểu ra ý nghĩa của chuỗi sự việc khẩn thiết này, ông Nguyễn Như Vân Giám đốc Bưu điện tỉnh hứa sẽ “chịu trách nhiệm giao nhanh nhất tới mức có thể”, và chỉ đạo nhân viên tìm cho ra CV của TANDTC gửi TAND TP BMT, vốn được xếp vào kho chờ sáng thứ hai mới phát theo đúng nguyên tắc công sở.
Đúng 20h giờ 53 phút, nhân viên báo cáo ông Hoàng đã tự tay ký nhận công văn này tại nhà riêng của ông. Sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại nhắc ông Hoàng thực hiện đúng lời hứa. Mười giờ sáng Chủ nhật, Thiện bước ra khỏi cổng trại tạm giam, nghẹn ngào lao vào vòng tay của cha mẹ, thầy cô, anh em bạn bè, rồi cùng ông ngoại về nhà trên xe phóng viên báo Tiền Phong.
Nhà tù và trường học
Trên đường về, Thiện kể cho tôi nghe những trải nghiệm bất đắc dĩ trong tù, mà suốt đời em sẽ không quên được. Vừa bước chân vào trại tạm giam thứ nhất, Thiện đã choáng váng với 2 cú tát như trời giáng của 1 cán bộ quản giáo. Sau đó, có người rỉ tai cho Thiện biết vào đây mà dám gọi cán bộ là anh, là bị đánh liền!
Ở trại giam thứ hai, phòng giam của Thiện gồm 10 phạm nhân, trong đó mức án 9 tháng tù của Thiện là nhẹ nhất. Dù đa số cán bộ quản giáo đối xử tốt, nhưng cũng may nhờ được một người quen gửi gắm nên Thiện mới không đến nỗi bị các đại ca cùng phòng hành. Nhưng quanh quẩn mãi giữa bốn bức tường chật mới thấm ý “mỗi ngày tù dài như cả thiên thu”.
Để giết thời gian, Thiện nhờ bạn tù dạy cách tết những con tôm bằng sợi nilon rút ra từ những túi nhựa đựng đồ thăm nuôi. Dừng lại quán ăn bên đường để mọi người điểm tâm. Thiện rút đôi tôm nhựa trong túi ra khoe: Cháu tết ròng rã 2 ngày mới được 1 con nhỏ bằng này!
Trong khi ngồi tết, cứ lẩn thẩn nghĩ lần sau đi đường gặp người bị nạn, ví dụ bị đột quỵ như ông Thọ, mình có nên đưa họ đi cấp cứu nữa không? Nghĩ mãi, vẫn thấy cháu không thể nào hành xử khác được. Trách nhiệm, và lương tâm giữa người với người nữa chứ!
Thiện về, bạn bè lối xóm tíu tít đến thăm chuyện trò huyên náo đến khuya. Sáng hôm sau, tôi đến trường, trường vắng tênh vì trên 1.650 học sinh của trường đã nghỉ hè. Trong lớp 12A2 có mỗi một mình Thiện nghiêm túc ngồi làm bài kiểm tra học kỳ II, với sự giám sát của cô giám thị và thầy hiệu phó.
Chờ Thiện làm bài xong, tôi hỏi em đã ôn bài lúc nào? - Dạ, hôm qua cháu phải tiếp bạn từ mười rưỡi sáng đến chín rưỡi đêm. Sau đó cháu ôn bài, sáng dậy sớm luyện gần hai tiếng nữa. Trước khi vô tù cháu đã học kỹ nên bây giờ cháu hoàn toàn tự tin khi làm bài.
Thầy Phan Thượng Tòng, Hiệu phó nhà trường cho biết Thiện học khá, đã có đủ các cột điểm bộ môn, chỉ cần có thêm cột điểm kiểm tra học kỳ nữa là được. Sau khi đọc đề kiểm tra, giáo viên có 15 phút hướng dẫn, rồi để em tự làm.
Thấy em nắm vững kiến thức, trường đồng ý cho em kiểm tra liên tục 12 môn trong 2 ngày 25, 26/5, rồi sau đó sẽ giúp em tập trung ôn thi tốt nghiệp, và thi bổ sung thêm các môn kiếm điểm vào đại học kiến trúc, như nguyện vọng em đã đăng ký từ trước khi… đi tù.
Chiều ngày 25/5, sau chuyến công tác từ huyện Lắk về, ông Phan Hồng Giám đốc Sở GD&ĐT cùng một số Trưởng phòng liên quan đã nán lại Sở để tiếp bố con em Thiện. Ông Hồng cho biết: Không chỉ lãnh đạo Sở chú ý, mà cô Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng hết sức quan tâm đến trường hợp đặc biệt này. Cô liên tục gọi điện hỏi thăm em Thiện được ra tù chưa và dặn địa phương hết sức giúp đỡ để cháu được dự kỳ thi quan trọng cuối cấp phổ thông. Thiện cảm động hứa em sẽ cố gắng hết sức, học và thi thật tốt để không phụ lòng biết bao người đã thông cảm, yêu thương. |
Tiền phong