Từ học online đến những chân trời mới trong công nghệ giáo dục
Một số người không còn ngạc nhiên khi biết những giảng viên chuyên nghiệp ở các chương trình học trực tuyến lớn thực ra lại toàn người nghiệp dư, với nghề chính là công chức, doanh nhân, kiểm toán viên, nghiên cứu sinh… Cho thấy sức hấp dẫn của việc dạy và học trực tuyến đang ngày càng không thể phủ nhận.
Không những có thể học ngoại ngữ trực tuyến để nói tiếng Anh như người bản địa, bạn còn có thể học các chương trình cử nhân qua máy tính và mạng internet, thậm chí tiếp cận với những trường đại học hàng đầu thế giới khi đang ngồi ở nhà hoặc quán café.
Điều này, theo ông Mike Michalec, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của EdTech Asia - tổ chức hàng đầu về công nghệ giáo dục ở châu Á, một điều “đặc sắc và mới mẻ”.
Còn theo Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, người sáng lập và điều hành Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica (Topica Edtech Group), là một thay đổi tất yếu ở khu vực châu Á.
“Hàng tỉ người lao động sẽ cập nhật kỹ năng như thế nào, khi mà trong 25 năm tới sẽ có gần một nửa (47%) các việc làm hiện nay biến mất, thay vào đó là hàng ngàn công việc mới đòi hỏi những kỹ năng hoàn toàn mới?”, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn đặt vấn đề tại Hội nghị thượng đỉnh khởi nghiệp châu Á - Echelon Asia Summit 2017 vừa diễn ra.
Học trực tuyến chính là một trong những công nghệ giáo dục được dự báo là sẽ đi đầu và bùng nổ tại châu Á. Thực tế cũng đang chứng minh điều đó.
“Ngày càng nhiều trường đại học ở châu Á cung cấp các khóa học, bài giảng và giáo trình lên mạng internet. Đã chia sẻ như vậy thì người học không cần ở châu Á vẫn có thể học ở bất cứ đâu trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả có thể chưa đồng đều, không phải chương trình trực tuyến nào cũng có nhiều người học”, ông Michalec nói.
Từ đó, giám đốc điều hành EdTech Asia đánh giá cao những tổ chức như Topica ở việc duy trì được tỉ lệ người học cao, giảm tỉ lệ người bỏ học và tăng tỉ lệ người theo học trọn vẹn.
Đối với châu Á, học trực tuyến cũng cho thấy khả năng rút ngắn khoảng cách giữa người học và cơ hội học tập, đôi khi bị hạn chế do tình trạng thiếu giáo viên, trường lớp và thiết bị học tập.
Với những người hoạt động chuyên môn, học trực tuyến với thế mạnh dễ dàng đáp ứng nhu cầu học của từng cá nhân, càng được lựa chọn vì không bị giới hạn bởi không gian và thời gian như các phương pháp học truyền thống.
Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt khóa học đa dạng mà một tổ hợp công nghệ giáo dục như Topica cung cấp qua mạng: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin, luật…
Có thể nói học trực tuyến đã có những bước đi đầu tiên khá vững chắc, câu hỏi quan trọng cần đặt ra tiếp theo, theo ông Mike Michalec, là liệu nó có thể biến đổi một cách thực chất môi trường giáo dục ở châu Á, có thể đem lại cơ hội học tập bền vững cho mọi đối tượng người học hay không.
Đó cũng là câu hỏi mà Hội nghị công nghệ giáo dục châu Á (EdTech Asia Summit) năm 2017 tìm cách trả lời, với việc tập hợp 350 nhân vật chủ chốt về công nghệ giáo dục trong khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 29-30/7.
Lấy chủ đề Một châu Á trỗi dậy - Tăng trưởng chiến lược và Tác động bền vững (Emerging Asia - Strategic Growth and Sustainable Impact), hội nghị năm nay mong muốn kết nối các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng nhau tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và giá trị thực tiễn hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.
Và để tạo ra một hệ sinh thái công nghệ giáo dục sôi động và bền vững cho khu vực châu Á, học trực tuyến chỉ là bước đầu. EdTech Asia Summit 2017 sẽ không ngại ngần chạm đến cả những chân trời mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo, mà những tổ chức tiên phong như GotIt, ELSA, và Topica đã bắt đầu theo đuổi.
EdTech Asia Summit 2017 cũng sẽ là nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục tự định vị và tìm kiếm đầu tư. Hay như lời ông Mike Michalec, là “cơ hội cho những nhân tố năng động hàng đầu trong ngành công nghiệp này gặp gỡ và tìm hiểu các cơ hội tạo ra giá trị”.
Thành phố Hồ Chí Minh - chủ nhà của EdTech Asia Summit 2017 - là trung tâm kinh tế của Việt Nam, và đang trên đường trở thành một điểm hội tụ các cơ hội và nhân tài kinh doanh của khu vực ASEAN.
TPHCM gần đây đã được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp thứ 2 trong số các thành phố năng động nhất thế giới. Với tuyên bố năm 2016 của chính quyền thành phố hỗ trợ 45 triệu USD cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, TPHCM được đánh giá cao trong việc thích nghi, hậu thuẫn và nuôi dưỡng đổi mới.
Đại An