Tự học: Hành trình “mài sắt thành kim”
(Dân trí) - "Thừa thầy, thiếu thợ" đang là nỗi trăn trở của cả xã hội. Dù bạn là thầy hay thợ, việc tự học nâng cao hiểu biết luôn là việc rất cần thiết để xác định rõ chỗ đứng của mỗi người” - chia sẻ của một phụ huynh ở Đông Anh (Hà Nội) gửi đến ban Giáo dục báo <i>Dân trí</i>.
Tôi có chung với suy nghĩ của nhà văn Nguyên Ngọc về hiện thực giáo dục đang chỉ ra sự học chạy đua theo số đông, học thực dụng với những ngành nghề “hot” của đông đảo học sinh, sinh viên. Các bạn lao vào các ngành kỹ thuật hứa hẹn tương lai xán lạn, lương thưởng hấp dẫn như kỹ sư tin học, ngân hàng, kế toán. Mới đây, có lẽ tấm gương nhà triệu phú trẻ Nguyễn Hà Đông có sức mê hoặc với các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa: thi vào trường nào, làm nghề gì để có thật nhiều tiền. Các bạn không hiểu rõ, để đạt được thành công rực rỡ thì quá trình khổ học phải tận tâm ra sao? Sinh viên đa phần có quan niệm, chỉ cần qua môn, bảng điểm đẹp là có quyền hi vọng một chỗ làm ngon lành đang chờ đợi mình. Thực sự, để làm tốt một công việc đòi hỏi bạn không ngừng vươn lên, tác phong làm việc chuyên nghiệp, ứng xử mềm dẻo, linh hoạt.
Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện nhỏ về lãnh tụ Hồ Chí Minh tôi đọc được trong một cuốn sách cũ, kể về quá trình tự học ngoại ngữ của Bác. Bác nói: mỗi ngày bác học vài từ, một tháng Bác học được hơn một trăm từ, vậy cả năm tự học vốn ngoại ngữ của Bác có thể nói là phong phú. Câu chuyện giản dị đời thường của Bác dạy ta điều gì: tự học, say mê tìm hiểu các lĩnh vực trong cuộc sống từ văn hóa nghệ thuật đến khoa học, thiên nhiên. Bác dạy tỉ mỉ "học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không có cơ sở".
Bản thân tôi cũng không phải là sinh viên ưu tú, tôi bỏ ngang việc dùi mài kinh sử khi thi năm hai vẫn trượt đại học. Tôi đi học Trung cấp Giao thông trong nỗi bất mãn, chán chường. Chương trình thầy cô dạy vẫn như thế, lớp tôi có bạn học rất tốt, các bạn vừa học vừa đăng ký thi Đại học tại chức Giao thông, còn tôi trượt môn liên miên. Khi đi làm, rất tiếc vì bản thân mình để lại “vết đen” trong tâm trí bạn bè, tôi cố gắng làm việc với một tâm trạng vui vẻ, tận tụy với công việc. Tự học đâu chỉ trong sách vở dưới mái trường, với thầy cô. Trong công việc, bạn có thể tự học hỏi được những kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp đi trước, từ việc nắm chắc chuyên môn đến việc giao tiếp, ứng xử với khách hàng.
Vốn say mê môn Văn từ ngày đi học, tôi giữ cho mình thói quen đọc bền bỉ theo năm tháng với sách báo. Có thể nhiều người cười thầm khi thấy một nhân viên nhà ga ở môi trường làm việc xô bồ vẫn miệt mài đọc sách. Đọc nhiều có ra sản phẩm là "tiền" không? Đừng vội quy việc tự học ra tiền, sách báo dạy ta kỹ năng sống ở nhiều lĩnh vực thiết thực của đời sống. Bạn có thể hiểu rõ tâm tư con cái mình ở từng độ tuổi, cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân, biết cách quản lý tài chính gia đình hoặc đơn giản là công thức làm một món ăn tươi mới cuối tuần. Tôi dành dụm mua những quyển sách mà thời học sinh không có tiền để mua. Tôi đọc Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh... Tôi có thể tự tin nói với bạn bè rằng: môn văn mình dạy con được ít nhất là hết cấp 2. Như vậy, tự học đối với tôi vừa làm giàu kiến thức bản thân mà lại tiết kiệm một số tiền không nhỏ khi cháu không phải đi học thêm môn Văn.
Việc tự học chưa khi nào có điểm dừng. Tôi lấy ví dụ, ngay một chị nông dân, muốn tăng thu nhập cũng phải tự học, đổ mồ hôi trên cánh đồng mình canh tác. Chị trồng rau sạch chỉ bán quanh chợ gần nhà cũng đủ tiền trang trải cuộc sống thường ngày. Những lứa rau đầu mùa của chị giá cao, dễ bán vì đánh đúng tâm lý muốn đổi món, lạ miệng của các bà nội trợ. Tạo dựng được thương hiệu rau an toàn, gánh hàng rau của chị luôn hết hàng sớm nhất chợ.
Nguyễn Thị Loan
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |