“Dạy thế nào mà chúng ta rất kém tự học?”
(Dân trí) - Người học kém tự học, chúng ta đang thiên về học kỹ thuật hơn là học để có nền tảng đi tìm chân lý… Những vấn đề về “thực học” được đặt ra tại tọa đàm cùng tên vừa diễn ra tại TPHCM thu hút nhiều học giả và hàng trăm sinh viên tham gia.
So sánh là điều tối kỵ trong mọi vấn đề nhưng nhà văn Nguyên Ngọc luôn trăn trở bởi một câu chuyện mà ông phải “đưa lên bàn cân” chỉ để đặt một câu hỏi.
Một người bạn của ông làm việc ở Tây Nguyên tìm được những vỏ ốc hóa thạch, là những mẫu vật cho thấy ngày trước vùng đất này là biển. Những vỏ ốc rất quý hiếm, người bạn này trưng bày trang trọng ở quán cà phê của mình. Rất nhiều người học hành này nọ, có cả giáo sư tiến sĩ đến quán cà phê nhưng không ai quan tâm, chỉ uống cà phê và hỏi mua mật ong thôi.
Một lần trong nhóm khách du lịch nước ngoài ghé quán cà phê này. Có mấy em học sinh tầm lớp 5, lớp 6 thấy những bộ hóa thạch này thì ồ lên thích thú và say mê cùng tìm hiểu, hỏi chủ quán về nguồn gốc.
Sự say mê của đó làm nhà văn Nguyên Ngọc phải đặt câu hỏi: “Không hiểu họ dạy như thế nào mà tạo cho em được nền tảng như vậy?”
Nên khi nhìn lại, ông tỏ ra lo ngại giáo dục của chúng ta chưa tạo được một cái nền cho người học là khả năng tự học.
TS Nguyễn Khánh Trung (Viên Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) cũng cho rằng cách giáo dục tự học ở một số nước rất đáng phải suy ngẫm. Ông sang Phần Lan, thấy ở đó các thầy dạy Lịch sử chủ yếu bằng cách để các em học sinh tự thuyết trình, tự tìm tài liệu.
Các em học sinh cùng nhau lên thư viện, tìm và chọn lọc nguồn gốc, nội dung, tác giả của từng loại tài liệu. Ông ngỡ ngàng thắc mắc thì các em học sinh - mới chỉ học tiểu học thôi - trả lời: “Để xem tài liệu đó có xứng đáng, có phù hợp đưa vào bài thuyết trình của mình hay không?”.
“Người ta không dạy kiến thức mà dạy các em khả năng tự học và giải quyết vấn đề”, ông Trung nói.
Thực học là học thực tế?
Thực học là một vấn đề được quan tâm từ lâu và gần đây càng được sinh viên, trí thức chú ý. Nhiều người hiểu rằng, thực học là học những gì thực tế, học để có thể ứng dụng cho công việc, cuộc sống. Cách hiểu này được nhiều học giả chỉ ra còn quá hạn hẹp, nông cạn.
TS Dương Ngọc Dũng, khoa Triết, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) lật lại vấn đề nếu hiểu thực học đơn thuần là “học những gì thực tế”. Nhưng ai sẽ trả lời câu hỏi “Vậy cái gì mới là thực tế?”.
Theo ông Dũng, thực học và là khi việc học bảo vệ được lý tính, bảo vệ được khả năng tư duy, tự do suy nghĩ của con người. Ở đó, con người biết chất vấn, biết truy tìm chân lý mà không phục thuộc, chấp nhận một sự áp đặt của một thứ quyền lực nào.
Đồng tình với quan điểm này, nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ, bản thân ông rất lo khi thực học đang được hiểu một cách thực dụng là học kỹ thuật, học kinh tế, học tin học để hướng đến những lợi ích cụ thể. Trong khi bản chất của việc học là học một nền văn minh, đạo đức, học văn hóa chứ không đơn thuần là học kỹ thuật.
Ông đưa ra dẫn chứng dễ hiểu, rất ít sinh viên hiện nay ra trường làm đúng ngành nghề mình được đào tạo. Nếu chỉ tập trung học kỹ thuật như cách hiểu trên thì ra trường không ổn chút nào, các bạn sẽ lúng túng ngay. “Việc học phải tạo ra nền tảng, tạo cho con người quyền đi tìm chân lý đó mới là thực học”, nhà văn Nguyên Ngọc bộc bạch.
Tác giả của Rừng xà nu cũng bày tỏ, ở nền giáo dục khai phóng, người thầy phải hiểu rằng không có học trò kém, người nào cũng giỏi một lĩnh vực nào đó. Có chăng các em bị xem là kém vì không giỏi cái mà người khác muốn mà thôi. Giáo dục phải giúp người học nhận ra khả năng đó để người ta tự giải phóng khả năng của mình. Còn ai mà không tin rằng mỗi người đều có một tiềm năng thì đừng nên làm giáo dục.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |