Từ điển biến thành tiếu lâm

“Phá án là hủy một bản án ở tòa, chợ phiên là một trò vui, buồn cười là buồn mà cười...”. Những kiểu định nghĩa chỉ có trong chuyện cười nay lại “ngang nhiên” xuất hiện trong từ điển - cẩm nang ngôn ngữ vốn trước nay được coi là chuẩn mực.

Những cuốn từ điển có kiểu định nghĩa như vậy lại nhiều đến mức những nhà ngôn ngữ đã phải dành hai từ “báo động” khi nói về tình trạng làm từ điển quá ẩu hiện nay.

 

Từ điển... cười!

 

Với mục đích tìm mua một cuốn từ điển tiếng Việt bỏ túi để dễ dàng tra cứu, tôi đến khu bán sách nhộn nhịp trên đường Nguyễn Xí. Ở đây bày bán rất nhiều loại từ điển từ cỡ đại, cỡ trung đến loại bỏ túi của rất nhiều tác giả, NXB khác nhau.

 

Nhưng vừa lật qua vài trang của một số từ điển loại bỏ túi, đọc vài mục từ đã thấy cười ra nước mắt!

 

Cuốn Từ điển tiếng Việt của ba tác giả Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm (NXB Thống kê 2005) có những định nghĩa “giật mình” như: chợ phiên là trò vui và bán hàng ngoài trời nhằm mục đích từ thiện, phá án là hủy một bản án ở tòa. Đó còn chưa kể tới những chú thích “vòng vo tam quốc” kiểu sấm ngữ là sấm ngôn sét ngữ, hay kiểu giải thích thiếu đầu thiếu đuôi mà chẳng ai hiểu gì như “Bắc thuộc: có 2 lần, lần I từ năm 111 tr.CN đến năm 939, lần 2 từ năm 1414 đến 1427”...

 

Cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh loại bỏ túi của tác giả Vũ Chất (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành) cũng bị coi là “điển hình” cho lối làm từ điển ẩu với những lỗi sai nghiêm trọng về chữ nghĩa của từ.

 

Từ khai quật được tác giả định nghĩa là đào mồ lên. Nếu vậy, công việc của các nhà khảo cổ để tìm ra, lấy lên cái chôn vùi trong lòng đất sẽ được gọi là gì?

 

Còn từ bụi đời được tác giả định nghĩa là người lăn lóc cực khổ nhiều trong xã hội. Ai chịu nhiều gian truân, vất vả đều thành bụi đời bất kể họ có nghề nghiệp, nhà cửa nghiêm chỉnh, sống đàng hoàng, tử tế. Còn buồn cười được giải thích là buồn mà cười thì đúng là quá tiếu lâm.

 

Quá ngạc nhiên trước cách giải thích của những từ điển bỏ túi này, đem so sánh với loại từ điển cỡ lớn của Viện Ngôn ngữ học thì thấy hầu hết những từ sai đều là những mục từ lược lại một cách ngô nghê từ từ điển cỡ lớn.

 

Thí dụ, mục từ cát địa được Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam giải thích với hai nghĩa: vùng đất tốt và nhượng địa thì cuốn Từ điển tiếng Việt của ba tác giả Hùng Thắng - Thanh Hương - Bàng Cẩm chỉ giữ lại nghĩa nhượng địa khi trên thực tế, nghĩa vùng đất tốt mới là nghĩa chính được sử dụng thường xuyên.

 

Tương tự với từ đế quốc, cuốn từ điển nêu trên của NXB Trẻ chỉ giữ lại mỗi nghĩa đế quốc là nước có vua mà quên hẳn nghĩa đế quốc chủ nghĩa (chủ nghĩa xâm lược). Với cách giải thích “lược” như thế thì nước Mỹ làm gì có vua mà vẫn gọi là đế quốc?

 

Ai cũng có thể “mượn danh”?

 

Khi mang vấn đề làm từ điển ẩu đến Viện Ngôn ngữ học, một giáo sư ngôn ngữ cho biết, hiện nay, rất nhiều nhà sách “luộc” lại từ điển để bán, nội dung sai lệch hoặc đã quá cũ không phù hợp với thực tế song vẫn “mượn danh” là của Viện Ngôn ngữ.

 

Ông cũng cho biết, trước đây cũng đã có một số độc giả đến hỏi về tác giả Vũ Chất song tất cả các cán bộ ở Viện Ngôn ngữ học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng chưa từng biết tới người này.

 

Cuốn từ điển cỡ lớn và cỡ trung của GS Bùi Quang Tịnh, Bùi Thị Tuyết Thanh (NXB VHTT, giấy phép XB 321/CXB cấp ngày 5/4/2000) đang bán đầy trên thị trường cũng chạy dòng chữ “Ngôn ngữ học Việt Nam” to đùng trên bìa sách nhưng cả Viện Ngôn ngữ và Hội Ngôn ngữ đều không phải là cơ quan chịu trách nhiệm xuất bản từ điển này.

 

Trong lĩnh vực xuất bản sách hiện nay, từ điển được xem là mặt hàng “ăn khách” bởi thế số lượng từ điển các cỡ ngày càng tăng đến chóng mặt.

 

Số từ điển là sản phẩm của quá trình “xào xáo”, cắt gọt vô tội vạ cũng không ngừng tăng.

 

Từ điển là một công trình khó bảo hộ về bản quyền và khó kiểm tra nên số từ điển ẩu, sai ấy vẫn mặc nhiên lưu hành trên thị trường mà không thấy cơ quan chức năng nào phát hiện, thu hồi.

 

Theo Nhân Dân, Hà Nội Mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm