Tự chủ toàn diện, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 6 trường thành viên

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang hướng tới trở thành "Đại học", đa ngành, đa lĩnh vực khi thực hiện tự chủ toàn diện. Theo đó, sẽ thành lập 6 trường thành viên.

Tự chủ toàn diện, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 6 trường thành viên - 1

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy nhất vinh dự nhận giải thưởng "Đổi mới sáng tạo năm 2020" của Clarivate.

Nỗ lực chuẩn bị nguồn lực

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mô hình tổ chức Trường ĐHBK Hà Nội hiện tại là kết quả của quá trình tái cấu trúc, thí điểm thực hiện tự chủ đại học từ năm 2011, một mô hình quá độ trong định hướng phát triển thành đại học qua các giai đoạn như:

Từ năm 2011-2016, phân cấp cho các học viện tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu;

Từ năm 2014-2017, thực hiện tự chủ theo tinh thần Nghị quyết số 77 NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập;

Từ năm 2016-2019, thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐHBK Hà Nội theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/10/2016.

Đặc biệt, trong năm 2020, Trường có vị trí trong TOP 1000 trường đại học tốt nhất thế giới và TOP 400 các trường đại học về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ theo các bảng xếp hạng do Times Higher Education thực hiện và công bố. Bốn nhóm ngành của Trường được xếp trong tốp 400 và 500 thế giới theo Bảng xếp hạng QS World University Ranking by Subject 2020.

Ba nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin tăng từ 50 đến 100 bậc so với năm 2019 và tiếp tục giữ vị trí số 1 Việt Nam, trong khi ngành Toán học lần đầu tiên xuất hiện trên bảng xếp hạng này.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy nhất vinh dự nhận giải thưởng "Đổi mới sáng tạo năm 2020" của Clarivate.

Theo PGS.TS Điền, với đội ngũ giảng viên trên một ngàn người, trong đó gần 80% có trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo của Trường đã đạt trên 35 ngàn người học với 57 chương trình đào tạo đại học và trên 30 chương trình đào tạo thạc sĩ, trên 30 chương trình đào tạo tiến sĩ. Tất cả các số liệu nêu trên đã thể hiện nguồn lực mạnh mẽ của Nhà trường trong tiến trình thành lập Đại học.

Tự chủ toàn diện, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 6 trường thành viên - 2

Sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong lễ tốt nghiệp 

Cấu trúc thành một "Bách khoa Hà Nội" với 6 trường thành viên

Hiệu Phó trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho rằng, chủ trương tái cấu trúc các khoa/viện và chuyển đổi Trường thành Đại học không chỉ khắc phục những bất cập trong mô hình tổ chức hiện tại, mà đã nằm trong định hướng, tầm nhìn, chiến lược và quy hoạch phát triển của Trường từ nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Trường.

Luật 34, Luật 43 và các Nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực thi hành tạo điều kiện cho các trường đại học thực hiện tự chủ, đổi mới một cách toàn diện và cũng mở ra cơ hội để Trường ĐHBK Hà Nội chuyển đổi mô hình tổ chức thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Điền cho hay, mục tiêu tới năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, các đơn vị gắn kết hữu cơ, tập trung nguồn lực và hoạt động hiệu quả, khẳng định vị thế trong và ngoài nước. Với mục tiêu này, việc thành lập Đại học sẽ theo một quan điểm thống nhất: "Một Bách khoa Hà Nội" nhằm xây dựng hệ thống tổ chức và quản trị đại học theo mô hình tiên tiến, tinh gọn và hiệu quả, cụ thể:

- Phân cấp mạnh hơn nhưng không phân lập; không xây dựng các đơn vị trực thuộc hoặc các trường đại học thành viên trực thuộc;

 - Giảm số đầu mối, giảm trung gian, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn giữa các trường và ban chức năng.

- Không ghép cơ học; hình thành các đơn vị mới là một thể thống nhất hữu cơ gắn với xây dựng định hướng chiến lược phát triển của từng lĩnh vực chuyên môn để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, đảm bảo tính kế thừa, có lộ trình phù hợp.

Về cấu trúc, mô hình tổ chức Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Điền cho hay, sẽ có Hội đồng đại học, Hội đồng khoa học và đào tạo, Hội đồng cố vấn khoa học quốc tế, Hội đồng giáo sư, các Trường, các Viện/Trung tâm nghiên cứu, một số Khoa (Khoa đại cương, Khoa chuyên ngành), Văn phòng Đại học, các Ban, Thư viện, Trung tâm dịch vụ và Doanh nghiệp BK Holdings. Bộ máy cấp Trường tập trung thực hiện chức năng quản lý hành chính và hỗ trợ chung.

 PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, việc sắp xếp, tổ chức các Trường thuộc đại học theo từng nhóm ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa theo một số nhóm ngành/lĩnh vực đào tạo-nghiên cứu, cụ thể:  

- Điện - Điện tử.

- Cơ khí.

- Hóa học, sinh học, thực phẩm, môi trường.

- Kinh tế quản lý.

- Công nghệ thông tin - Toán tin.

- Vật lý - Vật liệu.

Tự chủ toàn diện, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 6 trường thành viên - 3

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Thay đổi tư duy nặng "quản lý" sang tư duy "hỗ trợ, phục vụ"

 Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, việc chuyển đổi mô hình "Trường" thành "Đại học" có nhiều ưu điểm là được nhìn nhận với vị thế cao hơn, có quyền tự chủ cao hơn trong nhiều lĩnh vực và đi tiên phong thực hiện chủ trương của Chính phủ, do đó sẽ có nhiều cơ hội được ưu tiên đầu tư để thực hiện tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch phát triển Trường.

Đây cũng là cơ hội để Đại học Bách khoa Hà Nội có thể thực hiện tốt nhất sứ mạng của mình trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những thách thức do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ theo tinh thần nghị quyết 52/NQ-TƯ ngày 27/9/2019, Nghị quyết 55/NQ-TƯ ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.

"Đại học Bách khoa Hà Nội sau khi thành lập sẽ có năng lực quản trị tốt hơn, đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi số, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu. Đặc biệt là sự thay đổi từ tư duy nặng "quản lý" sang tư duy "hỗ trợ, phục vụ". Người học sẽ là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ những kết quả này" - ông Điền chia sẻ.

Ông Điền nhận định, trong tình hình hiện nay, cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới ngày càng gia tăng. Với nguồn lực tài chính hiện tại để đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu còn hết sức khiêm tốn so với các trường khác có cùng thứ hạng trên thế giới, Nhà trường đang hết sức nỗ lực để duy trì sức ảnh hưởng và thứ hạng quốc tế đã đạt được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm