Tự chủ giáo dục nghề nghiệp: Vẫn loay hoay cơ chế và tự chủ

Cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020. Theo đó, ngoài việc tự chủ hơn trong việc thực hiện đào tạo, lựa chọn và phát triển nhân sự và trong các vấn đề về tổ chức, Nhà nước sẽ cấp tài chính theo cơ chế đấu thầu và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo dạy nghề. Dẫu thế, việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở GDNN công lập hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cần sớm được tháo gỡ.

Tự chủ giáo dục nghề nghiệp: Vẫn loay hoay cơ chế và tự chủ - 1

Giáo dục nghề nghiệp cần thiết thực với người học.

Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH), nước ta hiện có gần 2.000 cơ sở GDNN. Trong đó có hơn 1.500 trường trung cấp, CĐ nghề công lập. Có 3 trường đã và đang thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ là CĐ Kỹ nghệ 2 TP Hồ Chí Minh, CĐ Lilama 2 Đồng Nai và CĐ Bình Định. Sau thời gian thí điểm, các trường này đã tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều hơn.

Tự chủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN, tuy nhiên, trong quá trình góp ý về quá trình tự chủ, lãnh đạo một số cơ sở GDNN cho rằng: Bất cập lớn trong tự chủ hiện nay là đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và vẫn phải có đầu tư và định hướng của Nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội.

Vấn đề đặt ra lúc này là chúng ta có mạng lưới cơ sở GDNN bao phủ cả nước, nhưng còn thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng... Do đó, rất cần các nghiên cứu, tính toán để sớm đưa ra các giải pháp phù hợp, tiến tới hiện thực hóa tự chủ trong hệ thống GDNN như mong mỏi của nhiều lãnh đạo trường nghề, đồng thời để tránh để hoạt động GDNN Việt Nam tụt hậu so với xu thế chung.

Một câu hỏi lớn cũng được đặt ra: Tại sao việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở GDNN công lập hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế? Theo lãnh đạo Tổng cục GDNN, hiện hành lang pháp lý cho việc thực hiện tự chủ của cơ sở GDNN chưa tạo được sự thống nhất và đồng bộ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự và tài chính. Các cơ sở GDNN phải đối mặt với nhiều thách thức về quy mô tuyển sinh thấp do tâm lý người học và gia đình không muốn học nghề…Bên cạnh đó, cơ sở GDNN chưa chủ động khai thác các thế mạnh về cơ sở vật chất, giáo viên của trường để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ gắn với đào tạo nhằm tăng cường nguồn thu, thực hiện tiết kiệm chi tiêu, tận dụng tối đa các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên của trường. Năng lực một số cơ sở GDNN còn nhiều hạn chế, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, các trường hoạt động chưa hiệu quả cả về quy mô và chất lượng dẫn đến không tạo được thương hiệu riêng để thu hút người học.

Kết quả thí điểm

Theo Tổng cục GDNN, ngày 4/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của 3 trường: CĐ kỹ nghệ 2, CĐ Công nghệ quốc tế Lilama II, CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2016-2019. Tháng 7 năm 2017, Bộ LĐTBXH đã tổ chức sơ kết, đánh giá 1 năm tình hình thực hiện Đề án. Kết quả cho thấy, sau một năm đi vào thực hiện thí điểm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động.

Đến nay mới vừa hết thời gian thực hiện thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn các trường báo cáo tổng kết tình hình thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động và sẽ phối hợp với các đơn vi liên quan tổ chức đánh giá tổng kết việc thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động trong tháng 11/2019. Theo đó, việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đã đạt được những kết quả khả quan. Các trường đã phối hợp với doanh nghiệp xác định và xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động theo chuẩn kỹ năng. Chất lượng đào tạo và tuyển sinh từng bước được nâng cao, dần tạo được uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Điều đáng nói là khi thực hiện tự chủ thì tư duy về công tác tài chính được đổi mới rõ nét nhất. Mức học phí tăng hơn so với trước khi tự chủ. Nguồn thu sự nghiệp từ học phí và thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ được tăng cường, thu nhập cán bộ giáo viên được cải thiện. Việc kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo vừa giảm kinh phí đào tạo cho nhà trường vừa có thu nhập cho giáo viên và học sinh.

Hiện những khó khăn mà các trường thí điểm cũng gặp phải là họ không còn được hỗ trợ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trong khi cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ chưa được quy định rõ ràng nên không có nguồn thu này (vốn là nguồn thu chính của các đơn vị); mức học phí cao hơn so với các trường chưa thực hiện tự chủ trên địa bàn nên người học có sự so sánh. Đặc biệt, một số quy định được “mở” trong QĐ của Thủ tướng nhưng không được thực hiện như cho phép lãnh đạo quản lý ngoài độ tuổi lao động, tự mở mã ngành nghề… (Trong 3 trường mới chỉ có Trường Kỹ nghệ II thực hiện Hiệu trưởng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khi quá tuổi lao động)

Do đó, việc sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDNN công lập là cần thiết. Điều này góp phần thực hiện việc dần trao quyền tự chủ, đi kèm với đó là đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở GDNN.

Theo Linh Nga

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm