Tự chủ đại học - chờ đến bao giờ?

Những lạc hậu, trì trệ và yếu kém của giáo dục nói chung và giáo dục đại học (ĐH) nói riêng của Việt Nam là do ĐH thiếu không gian sáng tạo và tự chủ cần thiết.

Trước hết, về mặt quản lý nhà nước, cần phải nói rằng, trách nhiệm lớn nhất đối với những yếu kém nằm ở Bộ GD-ĐT. Theo Giáo sư Vũ Quốc Phong (ĐH Ohio, Mỹ): “Bộ GD-ĐT là cơ quan cung cấp ngân sách, bổ nhiệm hiệu trưởng, quản lý chương trình khung, quy định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường, xét và công nhận các bậc từ phó giáo sư đến giáo sư...” (Vietnamnet, ngày 28/2/2007).

 

Nguyên nhân sâu xa nằm ở thể chế quản lý tập trung, bao cấp nặng nề của cả hệ thống mà cho đến nay vẫn chưa thoát ra được. Vì vậy, điều quan trọng và cần thiết nhất hiện nay là xúc tiến ngay việc trao quyền tự chủ cho trường ĐH.

 

Cái gì của César hãy trả lại cho César

 

Tuy nhiên, tự chủ cần phải được hiểu rõ ràng và chính xác vì có không ít trường hiện nay lợi dụng chiêu bài “tự chủ” để tư lợi. Tự chủ không có nghĩa là độc lập; tự chủ có nghĩa là tự do trong một khung cảnh, trong một vị trí nhất định nào đó trong khuôn khổ quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của xã hội.

 

Thực tế cho thấy ở một số trường ĐH Việt Nam hiện nay, hiện tượng một thành viên vừa là hiệu trưởng vừa là bí thư Đảng ủy hoặc chồng là hiệu trưởng nhưng vợ hoặc người thân lại là chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) không phải là hiếm. Trên nguyên tắc, tự chủ ĐH phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình thông qua hoạt động của hội đồng trường (HĐT) (đối với trường công) và HĐQT (đối với trường tư).

 

Theo đó, thành phần của HĐT/HĐQT bao gồm một số thành viên có uy tín, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, chính khách, cựu SV - người phát ngôn và đại diện cho tiếng nói của trường. Theo điều lệ trường ĐH ban hành năm 2003 thì HĐT/HĐQT là cơ quan quyền lực cao nhất, nơi quyết nghị các chính sách và chủ trương lớn của nhà trường và ban giám hiệu nhà trường là người có trách nhiệm thực hiện.

 

Mặc dù vậy, cho đến nay có rất ít trường ĐH thành lập được HĐT theo đúng nghĩa (GS. Phạm Phụ) vì nhiều nguyên nhân, trong đó sâu xa nhất vẫn là cơ chế hoạt động của HĐT và Đảng ủy có nhiều điểm trùng lắp nhau. Một số ý kiến lo ngại rằng với cơ chế hiện nay, nếu làm không khéo thì HĐT sẽ trở nên thừa vì hiệu trưởng không thể chịu sự chỉ đạo từ hai cấp. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Trên nguyên tắc, lãnh đạo của Đảng ủy ở trường ĐH chỉ mang tính định hướng (nếu nói về chức năng của cấp ủy thì không quyết định những vấn đề cụ thể - trừ vấn đề nhân sự). Ngoài ra, trong cơ chế của Đảng ủy, quyết định về nhân sự cũng có sự phân biệt rõ ràng: cái gì cấp ủy quyết định; cái gì thủ trưởng đơn vị quyết định.

 

Thậm chí trong cơ chế hiện nay, quyền của thủ trưởng/hiệu trưởng là khá lớn, đến nỗi nếu hiệu trưởng không đồng ý với quyết định của Đảng ủy và HĐT thì có quyền báo cáo lên cơ quan chủ quản (nhận định của một phó hiệu trưởng kiêm bí thư đảng ủy ở một trường ĐH trọng điểm phía Nam). Như vậy, có thể thấy, cơ chế này vẫn đảm bảo quyền của hiệu trưởng chứ không hạn chế. Tuy vậy, điều cần xem xét là Đảng ủy lại không chịu trách nhiệm đối với những quyết định/định hướng của mình mà người chịu trách nhiệm chính là hiệu trưởng và HĐT (nếu có).

 

Phân định tiến trình tự chủ     

 

Chúng ta thường đề cập nhiều đến tự chủ về tài chính, nhân sự rồi sau đó mới đến học thuật. Ở các nước tiên tiến, tự chủ về học thuật luôn được đề cập trước tiên, sau đó mới đến tự chủ về nhân sự và tài chính bởi có tự chủ về học thuật/chương trình giảng dạy mới có thể sắp xếp được chương trình, nội dung phù hợp với nhu cầu của xã hội, của thị trường. Trên cơ sở đó cần bao nhiêu giảng viên, giáo sư, cán bộ quản lý và bao nhiêu tiền để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

Nếu cho rằng tự chủ học thuật sẽ dẫn đến những tư tưởng sai lầm thì với vai trò giám sát, Chính phủ và Bộ GD-ĐT sẽ “thổi còi” thông qua việc kiểm định chất lượng: trường nào dạy sai sẽ bị kiểm soát và đóng cửa. Thiết nghĩ trong giai đoạn hiện nay, lộ trình tự chủ về học thuật trước tiên nên thực hiện ở khối ngành khoa học tự nhiên, sau đó đến kinh tế và cuối cùng là các ngành khoa học xã hội khác.

 

Lịch sử quản trị ĐH thế giới đã chứng minh một trường ĐH có trở nên đẳng cấp hay không là do cơ chế quản lý có phù hợp hay không chứ không phải do sao chép/tác động từ bên ngoài. Vấn đề đặt ra ở đây là thế nào là cơ chế quản lý phù hợp?

 

Đó là, Bộ GD-ĐT làm công tác quản lý nhà nước dựa trên việc ban hành các thể chế, chính sách, giám sát, quy định minh bạch và trên hết là bộ không làm thay công việc của trường. Muốn thay đổi và nâng cao chất lượng giáo dục thì không gì khác hơn là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, chuyển đổi từ cơ chế nhà nước kiểm soát (state control) sang cơ chế nhà nước giám sát (state supervision) kết hợp với đào tạo theo thị trường, đồng thời thay đổi thái độ và phương thức làm việc của cán bộ, đầu tư mạnh và đúng chỗ cho giáo dục, tăng lương cho cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy, đổi mới phương pháp, nội dung chương trình giảng dạy và trên hết là giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thông qua cơ chế giám sát chặt chẽ từ xã hội, Bộ GD-ĐT và HĐT.

 

Điều quan trọng và cần thiết là tiến hành kiểm định định kỳ chất lượng các trường theo những tiêu chí phù hợp và sát với thực tiễn giáo dục ĐH thế giới (kết hợp cả định lượng và định tính) để các trường ĐH nhận thấy bản thân mình đang ở đâu nhằm có biện pháp cải tiến chứ không phải kiểm định để xếp hạng thi đua (nếu kiểm định chỉ để xếp hạng thi đua thì một lần nữa sẽ nảy sinh bệnh chạy theo thành tích của các trường).

 

Ngược lại, về phía các trường ĐH cần phải thay đổi tư duy, đổi mới phong cách, phương pháp làm việc và sẵn sàng chấp nhận thách thức, tức làm sao xóa bỏ bao cấp trong tư duy, dứt khoát “nói không” với những trông chờ, ỷ lại nhằm phát huy tối đa sức mạnh và lợi thế cạnh tranh của nhà trường và bản thân từng cán bộ - giảng viên.

 

Theo Đào Văn Khanh

Thời báo Kinh tế Sài Gòn