TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và 3 chuyện ứng xử khiến học sinh mê đắm

(Dân trí) - Chuyện mình ốm được bạn phô tô bài giúp, chuyện đôi giày thủng hay cốc trà sữa không đá... đã được Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa vào buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) chiều 26/12 với chủ đề “Kĩ năng giao tiếp ứng xử” khiến hàng nghìn học sinh mê đắm.


Buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) chiều 26/12.

Buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) chiều 26/12.

"Que diêm nhỏ sưởi ấm cả căn phòng"

Buổi sinh hoạt dưới cờ chiều 26/12 của học sinh Trường THCS Chu Văn An khác hẳn mọi ngày. Các em háo hức chờ đợi TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, ĐH Sư phạm TP HCM), người được mệnh danh là “hot boy” tâm lý tuổi teen. “Món quà” anh mang đến cho học sinh của trường là 3 level ứng xử để giúp các em giải quyết mâu thuẫn “tóe lửa” giữa thầy cô, bạn bè.

Mở đầu buổi nói chuyện, TS Hiếu xé một tờ giấy, ném ra sân trường và dẫm lên đám rác giấy. Từ hình ảnh đó, anh muốn học sinh biết rằng, hành động xả rác bừa bãi gây ảnh hưởng tới tất cả những người xung quanh. “Rác” mà thầy Hiếu đưa ra ở đây không chỉ rác giấy mà còn là rác âm thanh (những lời nói chưa hay), rác ngôn từ (lên facebook "đá xéo" bạn chẳng hạn)...

Bài học đầu tiên, cũng là level 1 anh muốn đưa đến cho học sinh của Trường Chu Văn An: Mọi hành động trong ứng xử của chúng ta ảnh hưởng tới tất cả mọi người trong xã hội.

Với chất giọng trầm ấm, “hot boy tuổi teen” cũng kể lại câu chuyện hồi bé mình bị ốm. Một người bạn mang đến tận nhà tập bài do bạn chép hộ anh. Tập giấy chỉ có giá trị vài nghìn đồng nhưng nó như một que diêm nhỏ sưởi ấm cả căn phòng, một sự quan tâm nhỏ đã mang lại hạnh phúc to lớn cho người bạn học.

“Ở nhà các con đã rót nước mời ba chưa? Đã rửa bát hộ mẹ chưa? Đã quan tâm tới bạn cạnh mình hay đơn giản là người hàng xóm cạnh nhà chưa?”. Cả sân trường xôn xao trước câu hỏi này, bởi trong số các em, có nhiều người chắc chắn chưa biết cách thể hiện những sự quan tâm nho nhỏ ấy.

Và theo thầy Hiếu, level 2 anh mang tới hôm nay là: Hãy dành sự quan tâm dù nhỏ tới những người xung quanh, bạn sẽ được nhận lại được nhiều hơn thế.

TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và 3 chuyện ứng xử khiến học sinh mê đắm - 2

TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trong buổi nói chuyện tại trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) chiều 26/12.

Chia sẻ với học sinh, thầy Hiếu còn kể lại câu chuyện đôi giày thủng của bạn Thắng từ hồi mình học phổ thông. Cả sân trường như chùng xuống khi câu chuyện có đoạn, cậu bé Khắc Hiếu tìm về nhà bạn Thắng. Hiếu hoàn toàn bất ngờ bởi bạn mồ côi cả mẹ cha, sống với bà ngoại nghèo. Và cậu hiểu vì sao Thắng phải đi giày thủng. Từ đó, Hiếu vận động bạn bè mua cho Thắng được đôi giày mới.

Đấy là thông điệp của level 3: Hãy gieo đi những hạt giống tốt, bạn sẽ nhận lại được quả lành. Hay nói cách khác, hãy cho đi, điều bạn nhận được là hoa vàng trên cỏ xanh.

Dùng ngôn ngữ "teen" để nói với giới trẻ

Ngoài các kĩ năng giao tiếp, thông qua các câu chuyện, thầy Khắc Hiếu còn dạy học sinh các kĩ năng ứng xử với thầy cô, cách biết lắng nghe, cách ứng xử ôn hòa với bạn bè khi có những mâu thuẫn tưởng như “tóe lửa”... Những điều tưởng như rất nhỏ nhưng theo thầy Hiếu, nó sẽ theo suốt cuộc đời các em sau này nếu không biết điều chỉnh ngay từ bây giờ.

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Hiếu cho hay, thực ra các em học sinh giống như một chiếc điện thoại. Các em cũng có tần số và mình cũng có một tần số. Một khi tần số của mình không “khớp” với các em, các em sẽ không tiếp thu.

Do đó, chúng ta cần phải hạ “tần số” xuống một chút để phù hợp với các em. Đó là gì, là các câu chuyện kể, là sự hài hước hoặc những ngôn ngữ giới trẻ để nói với giới trẻ thay vì dùng các ngôn từ đao to búa lớn, xa vời. Nghĩa là người lớn phải “teen hóa” hơn một chút để gần gũi các em hơn nữa trong cách giáo dục.

“Trong buổi nói chuyện này, tôi đưa ra 3 level xử lý kĩ năng. Trong đó level 1 là đưa ra tình huống, level 2 là kĩ năng xử lý tình huống bằng cách cho các em đóng vai và level 3 là cho các em tự trải nghiệm. Hiện tại các nhà trường dạy đến level 2 đã là quá tốt còn nếu muốn cao hơn thì phải đầu tư nhiều hơn”, thầy Hiếu cho hay.

TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và 3 chuyện ứng xử khiến học sinh mê đắm - 3

Cũng theo thầy Hiếu, hiện các nhà trường còn bị hạn chế dạy kĩ năng sống cho học sinh do bị bó buộc bởi thời gian, chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất... Do đó, Bộ GD&ĐT cần có hướng “mở trói” hơn. Do đó, hiếm có trường tâm huyết để đưa các chương trình kĩ năng sống vào buổi sinh hoạt dưới cờ như thế này. Do vậy, hiện nhiều gia đình đưa con đến các TT kĩ năng sống. Tuy nhiên, các gia đình cần tìm hiểu kĩ xem ai dạy và dạy gì để có sự lựa chọn.

Thầy Đặng Việt Hà - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho biết, hiện Trường THCS Chu Văn An và 7 trường nữa trên địa bàn đang thực hiện thí điểm chương trình kĩ năng sống với tuổi teen.

Sau một số lần thực hiện các buổi sinh hoạt dưới cờ, mặc dù chưa phải ngay lập tức nhưng nó đã góp phần “chấn động” tư tưởng phụ huynh học sinh. Thậm chí nhiều học sinh hư đã thay đổi.

Do đó, được sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục quận Tây Hồ, nhà trường đã phối hợp để thực hiện các buổi dạy kĩ năng sống qua các câu chuyện thú vị, từ đó để thay đổi thói quen cũng như suy nghĩ của các em để giúp các em hoàn thiện hơn.

TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và 3 chuyện ứng xử khiến học sinh mê đắm - 4

Và theo thầy Hà, dự kiến các buổi nói chuyện như thế này sẽ tiếp tục được thực phối hợp hiện trong thời gian tới tại nhà trường.

Mỹ Hà

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục