TS Phạm Duy Nghĩa: Trí thức phải biết thức tỉnh dân chúng
TS Phạm Duy Nghĩa nói, nhiệm vụ của trí thức hiện nay là phải biết thức tỉnh dân chúng
Hồng Thanh Quang: Với tư cách của một người từng đi du học tại một số trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, và cũng là một chuyên gia hàng đầu về luật pháp, anh có thể nói gì một cách chung nhất về ý thức tuân thủ pháp luật của người Việt Nam ta?
TS Phạm Duy Nghĩa
TS Phạm Duy Nghĩa: Theo tôi, một cách chung nhất thì người Việt Nam có khả năng chống lại pháp luật. Vì trong hơn nghìn năm Bắc thuộc, người Trung Quốc đã mang luật vào đất Giao Chỉ nhưng thứ luật cai trị đấy không thể ngấm tới làng xã của người Việt Nam. Và chúng ta cũng phải cám ơn cái tinh thần đó nên người Việt Nam mới trường tồn, mới bảo vệ được bản sắc Việt.
Sau đó, thực dân Pháp trong 80 năm đô hộ cũng mang luật của họ vào, nhưng người Việt Nam cũng mang tinh thần kháng lại những yếu tố vị lai, ngoại lai đó… Những năm của kế hoạch hóa tập trung thì cái gọi là mô hình nhà nước toàn trị với nhà nước làm thay dân cũng mang luật vào đây cũng bị cưỡng lại, thế nên mới phát sinh cái gọi là kế hoạch hóa không toàn diện lắm. Chính vì thế mô hình CNXH ở Việt Nam mềm mại hơn vì cách của mình làm không triệt để. Đặc tính không triệt để đó cũng thể hiện trong pháp luật. Tôi kết luận lại là, dân tộc Việt Nam nói chung là không có thói quen tuân thủ pháp luật.
Tôi thì lại nghĩ hơi khác. Tôi nghĩ cái anh gọi là thói quen không tuân thủ pháp luật là một kiểu pháp luật khác mà sở dĩ người ta tồn tại được không phải do những cái ta gọi là pháp luật mà do bản thân làng xã Việt Nam, cộng đồng Việt Nam, trong xã hội phong kiến Việt Nam có những điều luật riêng của mình. Vậy nếu người ta sống đúng với luật đó thì đâu phải nước ta là một nước không sống với pháp luật?
- Tôi không nói xã hội ta không có pháp luật mà tôi đang nói tới việc người dân chống lại tất cả những quy tắc mà người cai trị mang vào. Điều đó được kiểm định trong lịch sử. Còn cái mà anh gọi, đó là luật lệ, theo nghĩa rộng, tức là cứ một cộng đồng người là phải có quy tắc sống. Cộng đồng dù có man rợ đến thế nào cũng có những nguyên tắc sống. Những cái đó không gọi là luật mà là tục lệ, kiểu như quy ước hay quy phạm xã hội thì dân tộc nào cũng có. Đặc biệt là dân tộc Việt, thậm chí đến gần đây, doanh nhân cũng không cần biết luật kinh doanh, nhưng họ hành xử vẫn rất tốt. Điều này thì kể cả ở các xã hội như Nhật hay Hàn cũng vậy.
- Ý tôi muốn nói là luật pháp trước hết là luật của người cai trị áp đặt vào, còn nếu anh hiểu những quy tắc để điều hành một xã hội có trật tự thì Việt Nam là xứ sở từ xưa tới nay không có kiểu như thế. Mình là xứ sở nhân trị theo nghĩa đạo đức, truyền thống, tôn ti trật tự.
Những cái đó không phải là luật, mà chỉ là những quy tắc, luật lệ con người đặt ra, nó bị cưỡng chế không phải bởi nhà nước. Ví dụ anh nào đó bị cả dòng tộc tẩy chay, bị cả làng tẩy chay thì những cái đó không gọi là luật, không mang tính cưỡng chế bởi nhà nước. Những cái đó người ta gọi là những thói quen, tục lệ, quy phạm xã hội (rất mạnh vì nó vấp phải sự chống đối của toàn xã hội).
Nếu anh không tuân thủ thì họ tẩy chay. Ví dụ nếu anh là doanh nhân, anh không vào được dây kinh doanh nào mà anh đối xử kém, bị mất mặt có nghĩa là anh khó mà tồn tại được. Nhưng chúng ta không đi khái niệm quá xa như thế.
Theo anh, cách sống, lựa chọn nào tốt cho một xã hội mang đầy tính đặc thù như xã hội Việt Nam? Sống dựa trên những thói quen, những tiền lệ hay là sống theo những cái nghiêm ngắn, mạch lạc, mực thước của luật pháp nhà nước?
- Còn tùy. Có hai học phái lớn chi phối toàn bộ tư duy của người phương Đông. Đó là học phái nhân trị của những người theo Nho giáo với Khổng Tử là người đại diện và học phái của Hàn Phi Tử rất nổi tiếng. Ông ta nói, một xã hội phải được cai trị bằng pháp luật, luật pháp nghiêm minh làm cho xã hội có trật tự.
Như vậy từ thời thượng cổ thì người ta có thể điều hành theo hai cách, dùng kỉ luật mềm như đạo đức, uy tín để tạo ra những quyền lực mềm mại hơn hoặc đi theo những kỉ cương hà khắc mà mình phải tuân theo. Thực tế, chế độ Trung Hoa cổ đại không theo một học phái nhất định mà là cộng trừ của hai cái, gọi là ngoại nho, nội pháp, tức là những nhà cai trị bên ngoài thì vẫn khuyến khích có rường cột dựa trên trung hiếu, tiết nghĩa, tam cương ngũ thường, đó là về mặt đạo lý.
Về mặt cai trị, vẫn có những hình phạt rất rõ để răn đe, những giá trị nào mà anh vi phạm thì anh sẽ bị chính quyền can dự. Ví dụ như phạm tội bất hiếu hay bất trung thì cả thể chế sẽ tấn công. Nói cách khác, xã hội phương Đông như mình dung hòa nhân trị với pháp trị.
Anh đánh giá thế nào về hiệu quả sự dung hòa giữa dân trị và pháp trị trong nhà nước ta hiện nay? Trong phương thức quản lý xã hội đó, đâu là “gót chân Asin” có thể dẫn đến sự sai phạm, những rối loạn xã hội?
- Đi xa hơn và tìm hiểu sâu hơn, tôi không nghĩ điều tôi vừa nói không chỉ đúng với Trung Hoa cổ đại. Nếu mình đọc lịch sử của các nước châu Âu hay Mỹ thì luật pháp cũng chỉ là một phần tạo nên của kiến trúc thượng tầng. Xã hội còn được điều tiết bởi hiệp hội, cộng đồng, gia đình.
Người ta cứ nói người phương Đông trọng gia đình nhưng nước Mỹ cũng thế. Anh hãy đến thăm nước Mỹ vào dịp Giáng sinh, anh sẽ thấy các gia đình tại Mỹ cũng rất trân trọng từng li từng tí truyền thống gia đình. Anh hãy sang Đức để xem con cháu họ chăm chút từng kỉ vật gia đình. Ví dụ ông bố đã từng tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất hay chiến tranh thế giới thứ hai thì con cái rất tự hào, nó sẽ lưu giữ tất cả mọi quân trang, quân dụng. Đã làm giống người thì phải nhớ đến tổ tiên của mình, anh em, đồng bào, chiến hữu của mình.
Trong xã hội đương đại, phải tìm cách tương tác giữa luật như là những quy phạm do nhà nước đặt ra và cưỡng chế thi hành, giữa lệ là những thói quen, tục lệ mà người ta tôn trọng và cả những quy phạm hoàn toàn không mang tính pháp luật như niềm tin, đức tin... Bên cạnh pháp lý còn có giáo lý của tôn giáo, niềm tin của tín ngưỡng, và cả những giá trị về mỹ học: người ta cho cái này là tốt, cái này là xấu. Về khía cạnh này cũng cần phải bàn thêm là ở người Việt Nam thì chủ nghĩa cá nhân hơi yếu thành ra người Việt Nam hay uốn theo dư luận, chịu sức ép của dư luận bảo thế là tốt hay xấu…
Điều đó có dẫn tới rối loạn nào cho xã hội hay ứng xử xã hội hay không? Như anh vừa nói, tính cá nhân của người Việt Nam hơi yếu, hoàn cảnh người Việt Nam ngày xưa sống luôn phải dựa vào thiên nhiên thành ra chúng ta sống cũng phải lựa theo hoàn cảnh xã hội. Theo anh có ảnh hưởng đến ứng xử của người Việt Nam?
- Anh có thể nhuộm tóc vàng, mặc quần bò áo thụng, nhảy hip-hop nhưng anh đã là người Việt thì anh vẫn có trong người những tiềm thức những giá trị anh tôn thờ, anh quý, anh yêu, anh ghét.
Tóm lại, quan hệ tương tác giữa những luật lệ và các giá trị xã hội là một quan hệ vĩnh cửu, đấy là một ý. Còn nó có dẫn đến rối loạn gì không thì tôi có thể nghĩ, nếu luật pháp đưa vào mà vênh với truyền thống dân tộc thì có thể dẫn tới luật trên giấy và luật ngoài đời khác nhau.
Nếu luật pháp tôn trọng những giá trị hiện hữu, nâng đỡ truyền thống thì nó sẽ lên một cái bổ trợ, dung hòa, làm cho xã hội tác động đến đâu, luật pháp tác động đến đâu, quy phạm xã hội tác động đến đấy, cái đó là những vectơ, những lực kéo. Nghĩa là nếu làm cho nó đồng chiều thì xã hội sẽ yên ổn, sẽ có nền văn hóa ổn định, nếu nó trái chiều thì nó sẽ triệt tiêu lẫn nhau, luật phá hoại văn hóa và ngược lại, văn hóa triệt phá luật.
Có ý kiến cho rằng công tác biên soạn luật của ta vừa qua do một số “trí thức Tây học” về thực hiện, thành ra có vẻ như bị mang tính sao chép, mô phỏng tư duy logic của phương Tây nhiều quá nên đôi khi nó vênh với truyền thống của chúng ta. Thực tế hiện nay luôn có độ vênh giữa luật và những điều lý giải thực tế. Anh đánh giá thế nào? Nó sai hay nó đúng và như thế nào?
- Nếu nói về văn hóa mà chúng ta hiện có thì nó có một độ gẫy nhất định với truyền thống. Anh không thấy người Việt Nam vào đình chùa miếu mạo không đọc được câu đối, anh không thấy trẻ con không đọc được gia phả của tổ tiên. Có vẻ như cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, người Việt Nam chứng kiến những khắc khoải, những mong muốn cải cách và những người chủ trương Tây học có vẻ như chỉ nhìn thấy sự sáng ngời của văn minh phương Tây mà không nhìn thấy cái gọi là sức mạnh tiềm ẩn trong lòng những nhân tố Việt, trong nền văn minh lúa nước. Ví dụ như việc chuyển ngữ sang quốc ngữ có thể thành công về mặt phổ cập biết chữ, nhưng cũng có tác hại lâu dài, làm cho văn hóa của tiền nhân và các thế hệ sau bị đứt.
Điều đấy cũng có liên hệ với luật pháp. Chúng ta giảng dạy, nghiên cứu luật hiện nay không hề có dẫn chiếu nào với luật Hồng Đức hay luật Gia Long. Có 2 bộ luật lớn của nước Việt, đó là bộ luật đời Lê, còn gọi là Quốc triều hình luật và bộ luật đời Nguyễn 1812, thì chúng ta hầu như bị đoạn tuyệt với những giá trị đó. Tôi lấy ví dụ mình cứ nói anh nào gây thiệt hại cho anh khác thì phải đền bù nguyên trạng, có nghĩa là nếu tôi chạm vào anh thì tôi đền cho anh, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Ngày xưa trong luật Hồng Đức không như vậy, nó có thể phạt 3 đến 4 lần tùy theo nếu anh cố ý gây ra thế. Nghĩa là không nguyên trạng được mà phải cho anh sợ, lần sau không có chí khí để tái phạm. Cũng như vậy đối với vi phạm sở hữu trí tuệ …v…v… Có những loại tội không thể phạt mà phải đánh công khai, những cái đó thì người Mã Lai, người Singapore vẫn còn duy trì. Ví dụ anh hỗn láo với bố mẹ thì phạt 50 nghìn, 100 nghìn không có giá trị gì cả, nhưng mang anh trước đình, đánh cho cả làng xem thì lúc ấy mới có giá trị,
Tội ngoại tình thì gọt đầu bôi vôi có giá trị răn dạy hơn là “đóng cửa bảo nhau”. Ý tôi muốn nói là có rất nhiều thứ của tiền nhân mà chúng ta đã không kế thừa, điều đó rất đáng tiếc...
- Cũng như vậy với 80 năm di sản pháp luật của người Pháp. Người Pháp ra đi mà không để lại dấu ấn đáng kể nào về luật pháp với chúng ta. Các vị có thể tìm đọc bài “60 năm gia tài của thực dân” sẽ thấy nó chua chát vì người Pháp ra đi không để lại giá trị đáng kể nào nào về thể chế và luật pháp.
Chính điều đó tạo sự khó khăn cho các nhà làm luật hiện nay?
- Sau đó 30 năm chúng ta theo kế hoạch hóa tập trung, có thể nói thời gian đầu chúng ta không tôn trọng luật pháp. Giải tán luôn Bộ Tư pháp. Chúng ta đã từng có một trường luật ở 33 Hàng Buồm nhưng rồi lại giải tán luôn. Năm 1946, Cụ Hồ có một sắc lệnh thành lập một Ban pháp lý tại các trường Đại học Việt Nam ở 19 Lê Thánh Tông.
Sau đó khá lâu chúng ta đã lãng quên việc coi pháp luật thành những giá trị nên chúng ta giải tán Bộ Tư pháp. Cho đến tận ngày nay giới luật sư Việt Nam vẫn đang chiến đấu để có một vị trí xã hội quan trọng, còn thẩm phán vẫn chưa có uy, chưa có giá trị xã hội như cần có. Như vậy là chúng ta đã lãng quên pháp luật như một giá trị cần được thượng tôn, câu chuyện này mới bắt đầu quay trở lại khoảng hai thập niên gần đây. Xã hội cần có thời gian để quay trở lại những giá trị đã mất.
Theo anh, liệu tình trạng ấy có nằm trong những cái sơ xảy, thao tác quyết định hay nó nằm trong những hình mẫu sẵn của xã hội mà chúng ta đã lựa chọn từ nhiều năm về trước khi bắt đầu xây dựng xã hội mới?
- Có lẽ nó dài hơn cái anh hỏi. Có lẽ ở cuối thế kỷ XIX, người Việt Nam đã có những cuộc khủng hoảng những giá trị, khủng hoảng luôn những tầng lớp tinh hoa. Tôi hơi hoài nghi ai là tầng lớp tinh hoa ở Việt Nam ? Tầng lớp Tinh Hoa thời Lý-Trần là các nhà sư rất có uy tín. Ngay cả nhà vua cũng phải thỉnh giáo các cao tăng, thậm chí các nhà vua khi tìm thấy sự yên bình rồi thì cũng đi vào chùa. Chùa chiền là nơi tập hợp tinh hoa của thời đó. Đến thời Lê ta đã phá tan thế tam giáo đồng nguyên khi quá nhấn mạnh vào Nho giáo như công cụ và học thuyết cai trị. Phật giáo từ một tín ngưỡng của dân tộc trở thành nơi ẩn dật, nơi thôn quê. Thậm chí đến những năm 80 của thế kỷ XX, Phật giáo về cơ bản trở thành hang cùng ngõ hẻm, ảnh hưởng của Phật giáo rất thấp và bây giờ tái sinh.
Có nghĩa là đến thế kỷ XIX, khi Nho giáo suy tàn, những ông thầy nho không mang lại tư duy cải cách cho đất nước này và bị sụp đổ theo ý nghĩa đó. Và Nho giáo đã trở thành hủ nho, trở thành phản động theo nghĩa cản trở sự phát triển. Dân chúng nhìn vào các ông đồ nho như những ông gàn, những ông thượng tôn những giá trị lỗi thời. Có vẻ như Nho giáo đã bị lỗi thời vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX. Và Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim là những ông thầy đồ cuối cùng đã cố gắng làm cho hậu sinh hiểu Nho giáo không chỉ là hủ nho mà nó còn có những sức mạnh riêng của nó. Sau đó ở miền Nam những năm 60 của thế kỷ XX đã có những cố gắng tìm cách làm cho xã hội phát triển xong vẫn dựa trên những giá trị truyền thống Việt Nam nhưng hình mẫu chưa tìm ra.
Ngoài Bắc, Nho giáo bị coi là một thứ tàn dư của phong kiến, không được nghiên cứu và như thể đã phải lưu vong trong tiềm thức của người Việt, chứ không được phổ cập, nghiên cứu đàng hoàng. Mãi đến gần đây mới phổ biến lại những tác phẩm như “Nho giáo” của Trần Trọng Kim hay như cuốn sách phê phán Nho giáo của Ngô Tất Tố (Ngô Tất Tố không chỉ là nhà văn hiện thực phê phán mà ông còn là một nhà nho). Những công trình của 2 nhà nho này đã được sống lại. Hiện nay ở Trung Quốc có một trào lưu gọi là “tân trang lại Nho giáo cho hợp thời”, ở Singapore thì việc đó đã diễn ra sớm hơn.
Trong miền Nam, những năm 60 có những cố gắng đến những năm 70 thì đã tan tành… Sau đó, những học giả như Phan Ngọc hay Trần Ngọc Vương, những nhà nghiên cứu vắn hóa, đã tìm được những giá trị của Nho giáo và sức sống dai dẳng của Nho giáo. Ý tôi muốn nói, Việt Nam đã có một cái gì đó như khủng hoảng về niềm tin lớn trong hàng thế kỷ, còn mô hình Việt Nam tìm kiếm thì tôi chắc chắn phải tìm dựa trên những giá trị truyền thống của Việt Nam, tất cả những gì chống lại truyền thống đều khó.
Việc pháp luật không được tôn trọng đúng mức của nó, vai trò của người thực thi pháp luật như thẩm phán, quan tòa không có được vị trí xứng đáng với họ. Đó là do hệ lụy của các thao tác, các quyết định nào đấy sơ xẩy trong cái xã hội ta đã chọn khi xã hội ấy không phải là luật pháp mà đôi khi vai trò tối thượng đó là sự diễn giải luật pháp của các lãnh đạo, nói 1 cách nhẹ nhàng là thế.
- Từ hơn hai thập niên trở lại đây, tức là kể từ khi từ Hiến pháp 1992 được thông qua và những lần sửa đổi sau này, chúng ta mới có những tranh luận về thượng tôn pháp luật. Trước đó chúng ta chưa đặt vấn đề này ra.
Có thể do ý thức cá nhân của người Việt Nam không cao, khi mọi việc đều do cấp cao lãnh đạo quyết định, thành ra khi xã hội cởi mở, chúng ta bắt đầu đẩy mạnh xã hội xây dựng theo luật pháp thì điều đó chưa ngấm vào người dân và có thể nói hiện tại dân ta đang sống rất thụ động trong việc tìm hiểu về dân quyền của mình, xác định vai trò, nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng xã hội ấy và vẫn nghĩ rằng tất cả các việc ấy là của nhà nước, của ai đó từ trên xuống. Theo anh, có phải đó là một thực tế không? Và nếu có thực tế đó thì ta phải làm gì để gỡ bỏ thực tế đó?
- Quan có thể thay được nhưng không thay được dân, nhà nước mà chê dân thì không ổn vì những đồng thuế là do dân đóng lên. Dân lý, dân tâm rất dữ dội. Không một nhà cai trị nào chê dân được. Đó là cách đặt vấn đề rất sai vì anh phải sống với những người tạo nên quyền lực cho anh. Khởi nguồn của quyền lực là dân chúng, có người bị trị thì anh mới có quyền cai trị, kể cả nhà vua. Có vẻ như văn hóa Việt Nam chứa đựng những yếu tố không khuyến khích sự sáng tạo, sự phát triển mang tính phá cách, chưa hẳn khuyến khích một xã hội thực sự tự tôn pháp luật.
Ví dụ, xã hội Việt Nam vẫn tồn tại tâm lí ghét người giàu như “xấu đều hơn tốt lỏi”, hay thói kỳ thị khi tự nhiên trong làng có một anh xây cổng nhà sáng trưng lên, hoặc một anh phát biểu mang tính cá nhân. Tức là không khuyến khích sự vuợt trội của cá nhân, không khuyến khích những ai nói công khai “tôi giỏi giang đây”... Do xã hội Việt Nam trọng tình nên dị ứng với chủ nghĩa cá nhân.
Liệu điều anh vừa nói có chứng minh rằng xã hội Việt Nam không cần pháp luật nếu cứ sống đúng như thế. Nếu thực sự như thế thì mọi cố gắng của chúng ta trong việc xây dựng nhà nước pháp trị sẽ khó dẫn đến kết quả tích cực, nếu tâm lý cố hữu của người Việt đúng theo cách anh nói như vậy?
- Đến mức ấy thì không. Nhưng kể từ khi dân Việt Nam mình theo Nguyễn Hoàng vào Nam, chúng ta có cần luật đâu, vẫn sống với luật đời Lê đấy thôi. Người Việt có thể dựa vào truyền thống vẫn tồn tại và phát triển tốt, chứ không đến mức lúc nào cũng cần những đạo luật mới. Hoặc chúng ta thử làm một cuộc điều tra, đạo luật mới có thể đem lại sự tự do đến đâu thì sẽ hiểu…
Theo anh, cách xây dựng luật của mình trước hết và hơn cả phải dựa vào những quy cách ứng xử, truyền thống… Nếu chỉ đơn thuần áp dụng các điều lệ, luật lệ hay ho mà phương Tây đúc kết rất khó để tạo một bộ luật thực sự có thể mang lại những sự tốt đẹp tới cho đời sống người Việt?
- Về câu chuyện này thì có thể tham khảo thời Minh Trị đã thuê các học giả của Đức biên soạn luật cho nước Nhật. Vấn đề lớn đặt ra là, liệu có thể vay mượn luật của phương Tây để điều chỉnh luật của phương Đông không? Câu trả lời là có thể.
Người Nhật đã thành công, người Hàn về một phương diện nào đó đã thành công, Người Nhật bê nguyên luật của mình sang bên Hàn và người Hàn áp dụng nguyên si. Từ đó ta rút ra một vài nguyên lý, thấy những dân tộc đang phát triển như mình nếu thua kém văn minh phương Tây thì mình phải học tập họ. Rút kinh nghiệm xem cái gì cần học, cái gì không cần học… Cái cần học, đó là tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng tự do cá nhân, tôn trọng sở hữu cá nhân, tôn trọng quyền tự định đoạt và sáng kiến của người dân, tôn trọng một xã hội coi pháp luật như một công cụ để chung sống hòa bình. Pháp luật không phải để cai trị, pháp luật là để cho nhà nước với người dân sống với nhau thoải mái, đến mức tôi không hiểu biết pháp luật, nhưng tôi vẫn sống tốt, vẫn tuân thủ pháp luật.
Và đó là điều tuyệt vời! Luật của người Nhật được ban hành hoàn toàn theo mẫu của phương Tây, thế mà nó vẫn tồn tại đó thôi. Vậy mình phải vay. Trong quá trình vay mượn đó, họ đi trước mình thì mình phải nghiên cứu cái gì giống mình, có thể trồng trên đất của mình còn cái gì mang vào trồng sẽ bị héo. Có một thuyết nghiên cứu gọi là “Cấy luật từ hải ngoại vào nước mình”. Khi cấy thì nó sẽ có những tác động tương hỗ và tác động phản nghịch. Phản nghịch là những yếu tố về tâm lý, văn hóa, địa chính trị..v..v.. Ví dụ có những đạo luật khi cấy vào nước ta sẽ teo đi…
Nếu thực sự muốn có sự thay đổi thì chúng ta phải thay đổi điều gì trong đạo luật của chúng ta? Ở mặt gốc rễ, cơ sở, nền móng nếu không tất cả đạo luật của ta chỉ để làm cảnh vì nó không động đến cái căn bản nhất của vấn đề là hệ thống hoàn chỉnh cái nọ bổ sung cái kia. Anh không thể xây một cái móng như thế mà lại đêm một cái nhà có kiến trúc khác tới được.
- Có cái tôi đồng ý với anh nhưng có cái không. Luật không cốt nhiều, chỉ cốt nghiêm theo nghĩa cái gì du nhập dươc mọi người đều tuân thủ thì luật đó mới lên làm (từ quan đến dân). Chứ nhiều luật mà dân chúng nhờn, rồi chi phí xã hội tạo ra để dân chúng tuân thủ luật rất khó và nó mất nghiêm đi. Tôi đồng ý, những gì mà vay vào đây cần phải thích ứng và cẩn trọng…
Làm sao để nâng cao ý thức dân quyền của từng cấp hội? Trí thức có thể làm gì?
- Tôi thấy người Nhật có một câu rất hay là “nước Nhật trở nên mạnh mẽ bởi nước Nhật có một giới quan chức có liêm sỉ, một giới doanh nhân có dũng khí và một giới trí thức có tiết khí”. Trí thức gồm hai chữ “trí” và “thức”. Trí thức là người hiểu biết và người dùng hiểu biết của mình để thức tỉnh dân chúng. Phần thứ nhất có vẻ người Việt Nam làm được, nhưng đôi khi dám nghĩ đã là một chuyện, dám nói là chuyện khó hơn và nói hết là chuyện khó hơn nữa.
Ở Việt Nam phải có một cơ chế làm cho những người trí thức dám mở miệng và điều này phải quy chuẩn thành điều luật. Hình như Cụ Hồ có định nghĩa dân chủ là làm cho dân chúng mở miệng ra. Khi nào dân mở miệng ra được? Khi đầu phải rõ, không phải lo sợ, không phải nhìn nghiêng nhìn ngửa thì miệng mới mở ra được. Muốn vậy phải từng bước để trí thức có trách nhiệm, thấy được sức mạnh của họ. Họ không bị trừng phạt bởi cách nghĩ khác, cách nhìn khác, cách phản biện...
(Theo Đại Đoàn Kết)