Muốn thuyết phục “nhân tài” phải bằng công việc thực tế

(Dân trí) - Nói về vấn đề làm thế nào để thu hút nhân tài về nước làm việc, GS.TSKH Phạm Tất Dong cho rằng, những người tri thức nếu áp chế là họ không chịu, thuyết phục họ rất khó. Nếu muốn thuyết phục họ phải bằng công việc thực tế.

Muốn thuyết phục “nhân tài” phải bằng công việc thực tế - 1

GS.TSKH Phạm Tất Dong

Chính sách ứng xử với nhân tài không rộng

Phóng viên: Vừa qua có rất nhiều sự việc nóng trên diễn đàn báo chí mang tên “nhân tài” như sự kiện TP.Đà Nẵng khởi kiện học viên được cử đi du học ở nước ngoài nhưng không trở lại làm việc; sự kiện 12/13 quán quân Olympia đi du học không trở về nước làm việc; sự việc TS Doãn Minh Đăng du học sinh từ Hà Lan trở về vì không bằng lòng với cách quản lý của nhà trường đã lên facebook than vãn và bị kỷ luật… là người vừa tham gia hoạt động chính trị, vừa làm công tác quản lý, và là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu, đồng thời là một nhà giáo hơn 50 tuổi nghề, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS Phạm Tất Dong: Trước hết thái độ ứng xử của nhà cầm quyền họ không ưng. Sống ở nước ngoài họ tự do hơn, không bị o ép. Ở Việt Nam làm việc nếu nói năng không cẩn thận sẽ bị chụp mũ và mất niêu cơm nên họ ngại. Do chính sách ứng xử với nhân tài không rộng, nhìn thiển cận với con mắt của nông dân.

Bên cạnh đó, lương không cao, không đủ điều kiện để hoạt động trí tuệ, không có phòng thí nghiệm, không có xưởng sản xuất…ở nước ngoài lại có sẵn các điều kiện đó để nghiên cứu nên không thể mắng người ta được.

Chúng ta ra chợ công nghệ mà xem, toàn công nghệ nước ngoài chứ rất ít công nghệ Việt Nam vì lấy đâu ra thí nghiệm. Trường đại học Việt Nam rất nhiều thầy giỏi nhưng có tiền, có điều kiện để làm đâu. Đây là nguyên nhân cơ bản không thu hút được “nhân tài”.

Với những người được gọi là “nhân tài” vì họ có học thức cao giúp cho con người nắm được quy luật phát triển nên không thể o ép người khác được, ép mãi thì cũng phải nứt ra. Vậy nên các tri thức thường gắn vào những nơi nào mà đáp ứng được yêu cầu của họ.

Nhân tài phải gắn với lao động

Hiện nay, nhiều người “ảo tưởng” cho rằng, đi ra nước ngoài học là tài giỏi và khi trở về nước họ cần được ứng xử như một “tài năng”. GS nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Những người đi du học có nhiều đối tượng khác nhau, với nhiều cách khác nhau, người có thành tích xuất sắc được nhà nước cử đi học, người đi du học tự túc do gia đình khá giả, người xin được học bổng...đây là những người đi ra nước ngoài để học.

Chúng ta thường  nói nhân cách, nhân lực, nhân tài. Trong đó, nhân lực bao gồm nhân cách, nhân tài.

Nhân tài có trình độ cao nhất, ưu tú nhất trong nhân lực. Nhân tài là lao động trong mọi lĩnh vực mà họ luôn luôn có thành tích nổi trội, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra và có những đóng góp sáng tạo lớn lao với đất nước. Họ thể hiện được năng lực cao của họ và họ nêu cao được phẩm chất của người lao động.

Khái niệm nhân tài được hiểu là những người xuất sắc trong mọi lĩnh vực xã hội và trong sản xuất.

Nhân tài không có nghĩa là thiên tài. Thiên tài là người xuất chúng, có một không hai ví dụ như Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo…

Theo tôi, tài năng xuất chúng nào đi chăng nữa cũng phải học, học từ trong nhà trường, học ngoài xã hội, học trong cuộc đời, học trong chính lao động sản xuất. Không ai trở thành tài năng mà không học cả. Do vậy, nhân tài không thể nào vô học được.

Học giỏi đã khác nhưng từ học giỏi đến làm giỏi cũng khác. Học giỏi mà không làm giỏi thì không thể gọi là nhân tài được. Nhân tài phải gắn với lao động.

Phần lớn những tài năng mà đức độ bao giờ cũng gán cho danh hiệu là một trí thức. Trở thành một trí thức thì luôn luôn đó là một tài năng theo đúng nghĩa của nó.

Còn tri thức bậc trên nữa mà chúng ta hay gọi là tinh hoa thì đó là cũng quá giỏi rồi nhưng cũng chưa đạt đến bậc thiên tài.

Những người tri thức họ thường có những đặc điểm: Học rộng vì được đi nhiều, tiếp thu nền văn hóa của các nơi khá phong phú. Càng đi càng tiếp thu càng học hỏi thì đầu óc tư duy rất dân chủ.

Những người này nếu áp chế là họ không chịu, thuyết phục họ rất khó. Nếu muốn thuyết phục họ phải bằng công việc thực tế. Động chạm tới vấn đề gì mà trái với sự phát triển chung là họ phản ứng. Ví dụ: Vụ Hà Nội chặt cây, phản ứng việc này là những trí thức chứ có phải nông dân đâu. Bởi họ biết đây là vấn đề văn hóa, vấn đề bảo vệ môi trường…hoặc những vấn đề biểu hiện không minh bạch là họ phản ứng lại ngay.

Những người tài năng và tri thức là có chức năng phản biện, phê phán. Chức năng truyền bá văn hóa, bảo tồn văn hóa là ở những người này.

Giới chính trị và giới tri thức phải xích lại với nhau gần hơn nữa

Như vậy cũng không thể đáng trách những nhân tài đi ra nước ngoài không trở về nước làm việc. Vậy bây giờ Việt Nam phải làm gì để thu hút nhân tài về và tới Việt Nam làm việc, thưa giáo sư?

Trước hết phải thay đổi cách nhìn với lực lượng này, phải đánh giá đó là một lực lượng sản xuất tiên tiến. Cần tạo điều kiện để họ phát huy hết năng lực.

Các nhà được giải thưởng Nobel trong lần họp ở Pháp đã đưa ra 1 khuyến cáo cực hay là: Giới chính trị và giới tri thức phải xích lại với nhau gần hơn nữa.

Theo tôi, đã có tài năng thì chẳng bao giờ chết đói. Đã có tài năng là có người sử dụng, nhà nước không sử dụng thì có người khác dùng.

Xin trân trọng cám ơn giáo sư!

“Nhân tài” phải là tầng lớp trung lưu hóa

GS Phạm Tất Dong cho rằng, tầng lớp ưu trội, có tài năng phải là tầng lớp trung lưu hóa thì mới làm việc được. Một đất nước mà giáo viên, bác sĩ nghèo nhất so với thế giới thì làm sao mà trở thành nước công nghiệp.

Do đó, cần để nhóm tri thức phát triển mạnh ngoài xã hội thì mới huy động được lao động. Hiện nay ở Việt Nam lao động thất nghiệp quá nhiều. Càng thất nghiệp nhiều thì càng không công nghiệp hóa được.

Ngược lại, đã là một nước công nghiệp hóa thì phải là một nước thiếu lao động. Khi nào nhập khẩu lao động thì mới là nước giàu. Còn nước phải xuất khẩu lao động là nước nghèo.

 

Hồng Hạnh (ghi)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)