TS. Lê Trường Tùng đề xuất phát động “phong trào Bình dân học vụ 2.0”
Theo TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT, hơn 50 năm trước, với phong trào Bình dân học vụ, học vấn bình dân cho dân chúng được hiểu là “biết đọc-viết”. Bình dân học vụ 2.0 sẽ bao gồm “3 biết”: biết đọc- viết, biết Tin học và biết tiếng Anh.
TS. Lê Trường Tùng cho rằng, Việt Nam hiện đang là vùng trũng tiếng Anh trong khu vực khi các nước và vùng lãnh thổ xung quanh như Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Hong Kong… với các bước đi phù hợp đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thông dụng của dân chúng. Đây trở thành rào cản lớn trong hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, xuất/nhập khẩu giáo dục của Việt nam, là một thước đo thể hiện mức độ yếu kém của nguồn nhân lực Việt.
Việt nam đã cơ bản giải quyết xong việc phổ cập “biết đọc- viết”, việc phổ cập “biết Tin học” không phải là công việc quá khó, chỉ cần học một vài tháng, thậm chí không cần trường lớp. Cái biết thứ 3 - biết tiếng Anh khó hơn nhiều - và biết tiếng Anh phải là biết như một công cụ dùng được - chứ không phải là biết dưới dạng một môn học đã từng được học qua như hiện nay.
Việc xóa mù tiếng Anh được giải quyết ở trường phổ thông cũng là tiền để để nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông, tận dụng được học liệu và giảng viên quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng một nền giáo dục sau đại học mang tính quốc tế hóa, cho phép mơ đến viễn cảnh xuất khẩu giáo dục (thu hút sinh viên nước ngoài đến học ở Việt nam, mở cơ sở đào tạo của Việt nam ở nước ngoài) chứ không chỉ đơn thuần hội nhập theo dạng đi nước ngoài du học như hiện nay.
Phổ cập tiếng Anh là con đường Singapore đi cách đây 50 năm, là con đường Malaysia đi cách đây 15 năm, và là con đường Indonesia đang đi hiện nay.
Cũng theo TS. Lê Trường Tùng, hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải tái kiến trúc nhằm giúp định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp sớm, giải quyết tâm lý xã hội đang đổ xô chen chúc vào cửa đại học; liên thông các cấp học trong nước mềm dẻo; giảm thời gian vào đời, hướng tới việc học suốt đời; quản lý nhà nước thuận lợi, không chồng chéo. Kiến trúc này cũng sẽ phù hợp với hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia, đảm bảo tính chuyển đổi, sử dụng được tài nguyên học tập quốc tế và trao đổi giáo dục quốc tế.
Ông đã mạnh dạn đề xuất kiến trúc mới “1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại”. Nghĩa là 1 cấp tiểu học, thời gian học 5 năm; 1 cấp trung học - 4 năm; 1 cấp cao đẳng - 3 năm (hiện đang có dự kiến gộp cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp); và 1 cấp đại học.
9 năm này theo mô hình 5 năm Primary (Tiểu học) + 4 năm Secondary (Trung học cơ sở) trong hệ thống giáo dục của nhiều nước theo mô hình Anh, được áp dụng rộng rãi tại các nước khối thịnh vượng chung. Học xong 9 năm có bằng tốt nghiệp văn hoá phổ thông.
Trung học phổ thông có thể được thay bằng 2 năm “dự bị đại học” (Pre-University) dành cho những ai mong muốn học đại học, 2 năm dự bị này học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường đại học, và cũng để giảm bớt thời lượng học đại học sau này.
“Thanh niên vào đời sớm hơn, phù hợp với tiêu chí sinh học giới trẻ hiện nay, việc giảm thời gian học ngoài cái lợi là giảm chi phí xã hội còn tăng được thời gian cống hiến của cá nhân và đất nước có thêm nguồn lao động trẻ. Bên cạnh đó còn có thể lôi kéo sinh viên học sinh ở nước ngoài vào học tại Việt Nam”, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Vấn đề Tài chính giáo dục, xã hội hoá và thu hút đầu tư cũng được ông Tùng chia sẻ thẳng thắn.
Ông đề xuất Việt Nam cần đặt mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông bắt buộc và phải là giáo dục phổ thông có chất lượng (hệ 9 năm - cùng các năm nhà trẻ mẫu giáo), học sinh đi học không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Đây cũng là ưu việt XHCN cần hướng tới và thực hiện sớm. Còn phải thẳng thắn thừa nhận, có đủ kinh phí cho hệ thống giáo dục sau phổ thông trở thành nhiệm vụ không thể kham nổi của ngân sách quốc gia.
Lời giải ở đây là đối với giáo dục sau phổ thông cần tập trung ngân sách nhà nước vào đào tạo các ngành thiết yếu; đào tạo nhân tài; hỗ trợ sinh viên nghèo - và thu hẹp số lượng sinh viên trường công để duy trì suất đầu tư/sinh viên cao đủ để đảm bảo chất lượng. Song song với đó là tăng cường xã hội hóa giáo dục, có chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư đa thành phần vào lĩnh vực này như một dạng dịch vụ. Tăng cường kiểm soát chất lượng.
Việt Nam đã chi tối đa ngân sách cho giáo dục (20% ngân sách), và ôm đồm quá nhiều sinh viên trường công (86 sinh viên trường công/14 sinh viên trường tư) - bức tranh ngược hẳn mô hình phát triển bình thường của các nước trong khu vực. Suất đầu tư ngân sách/sinh viên thấp - dẫn đến chất lượng thấp là điều không tránh khỏi.
Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, Việt Nam cần bắt đầu từ cải cách giáo dục, để thực hiện mục tiêu chiến lược - biến dân số đông từ gánh nặng kinh tế xã hội thành ưu thế cạnh tranh, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.