TS. Jung Seung Chul: Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai

(Dân trí) - TS. Jung Seung Chul (quốc tịch Hàn Quốc) đã có 12 năm làm việc và sinh sống tại Việt Nam. TS. Jung Seung Chul coi Việt Nam là quê hương thứ hai và Trường ĐH Công nghệ là ngôi nhà mà anh cùng các đồng nghiệp luôn mong có những thành quả đóng góp, phát triển.

TS. Jung Seung Chul: Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai - 1

TS. Jung Seung Chul (ảnh: Hồng Hạnh)

TS. Jung Seung Chul tốt nghiệp chuyên ngành Cơ điện tử của Khoa Điện tử và điện tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang, Hàn Quốc (viết tắt là POSTECH). Năm 2004, anh JUNG đến Việt Nam làm việc tại Văn phòng đại diện Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tiếp xúc với sinh viên Việt Nam, mong muốn được làm việc tại một trường đại học bấy lâu lại trỗi dậy và anh bắt đầu tìm kiếm cơ hội cho mình. Trường ĐH Công nghệ là điểm đến trong hành trình ấy.

Năm 2007, ngay khi nhận được học bổng của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc, TS. Jung Seung Chul đã đến gặp Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, đề đạt mong muốn được làm việc tại Trường. Nguyện vọng ấy có nhiều điểm tương đồng với ý tưởng của vị Hiệu trưởng nhà trường khi đó là GS. Nguyễn Hữu Đức về việc hội nhập khoa học, hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế. Nhờ đó, các thủ tục được tiến hành nhanh chóng và từ tháng 10/2007, TS. Jung Seung Chul trở thành giảng viên tình nguyện tại Khoa Cơ học kĩ thuật và Tự động hóa, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

Nhiều năm “nhúng” trong môi trường đại học Việt Nam

Tại Trường ĐH Công nghệ, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của PGS.TS Phạm Mạnh Thắng - Phó Chủ nhiệm Khoa, TS. Jung Seung Chul đã nhanh chóng tiếp cận với hệ thống phòng thí nghiệm, bắt nhịp cùng các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Khoa.

Với vốn tiếng Anh và tiếng Việt khá phong phú, TS. Jung Seung Chul tham gia giảng dạy các môn: Lập trình PLC, Vi điều khiển và Vi xử lý bậc đại học, 1-2 chuyên đề bậc thạc sĩ và hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho 5-6 sinh viên mỗi năm. Anh cũng đã chắp nối cho hàng chục sinh viên đến làm việc và nhiều sinh viên đi làm thực tập sinh, tại các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc.

Các đồng nghiệp và sinh viên của Trường ĐH Công nghệ rất ấn tượng với TS. Jung Seung Chul - người đồng nghiệp, giảng viên có chuyên môn sâu và hết sức đam mê, nhiệt huyết trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Mọi người đã không còn ngạc nhiên khi phòng thí nghiệm SIS, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN sáng đèn đến 21 – 22 h đêm và TS. Jung Seung Chul còn miệt mài trong đó.

Sau nhiều năm “nhúng” trong môi trường đại học Việt Nam, TS. Jung Seung Chul thấy rằng, cơ sở vật chất và hạ tầng kĩ thuật để phục vụ cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với một số trường đại học của Hàn Quốc. Song anh cũng cho rằng, sự nhiệt huyết, đam mê của thầy và tố chất thông minh của trò chính là lợi thế, tiềm năng cho những kết quả nghiên cứu tốt.


TS. Jung Seung Chul tâm sự, anh yêu quí và muốn gắn bó với ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ là bởi tình người.

TS. Jung Seung Chul tâm sự, anh yêu quí và muốn gắn bó với ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ là bởi tình người.

Thiết kế và chế tạo thành công hệ thống 30 sản phẩm tự động hoá lắp cho nhà cao tầng, biệt thự.

Trong vai trò một giảng viên, TS. Jung Seung Chul cho biết, có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa đại học giữa các trường đại học Việt Nam và Hàn Quốc. Ở Việt Nam có Ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11 hoặc ngày KH&CN Việt Nam 18/5 thì tương tự hàng năm Hàn Quốc có Ngày Nhà giáo 15/5 va Home coming day. Ngày đó, các sinh viên đến tri ân, chúc mừng các Thầy Cô giáo. Đó cũng chính là điều khiến anh thấy cuộc sống ở Việt Nam ít có sự khác biệt so với Hàn Quốc.

TS. Jung Seung Chul nhận thấy, cùng với xu hướng phát triển của thế giới, các thiết bị tự động hoá đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến và ở Việt Nam. Nhờ sự phát triển của khoa học tự động hóa, con người đã có thể điều khiển các thiết bị từ xa qua điện thoại di động hoặc giám sát trạng thái các thiết bị trong nhà cũng như hệ thống cửa tự động, đem đến sự tiện nghi cho người sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, hầu hết các công trình hiện đại đều sử dụng các trang thiết bị được nhập ngoại. Chính vì thế, giá thành của những thiết bị này còn cao, công đoạn bảo trì, bảo dưỡng cũng rất phức tạp, tốn kém.

Làm chủ công nghệ, làm chủ thiết bị là khát khao của nhóm các nhà khoa học gồm PGS. Trần Quang Vinh, PGS. Phạm Mạnh Thắng, TS. Jung Seung Chul và các cộng sự đang công tác tại Khoa Cơ học và Tự động hóa, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

Không chỉ làm chủ công nghệ phần cứng mà nhóm nghiên cứu còn mong muốn làm chủ cả phần mềm, tức là thiết kế, chế tạo các bo mạch điện tử, lập trình nhúng cho những bo mạch ấy và hoàn thiện sản phẩm, tiến tới thương mại hoá cho các sản phẩm KHCN mang thương hiệu VNU - UET.

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước KC03.12 “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các cấu kiện và hệ thống thiết bị tự động hoá cho nhà cao tầng” do PGS. Phạm Mạnh Thắng chủ trì, nhóm nghiên cứu mà TS. Jung Seung Chul là một thành viên đã thiết kế và chế tạo thành công hệ thống 30 sản phẩm tự động hoá lắp cho nhà cao tầng, biệt thự.

Các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm được người tiêu dùng sử dụng trong thực tiễn đã nhân lên niềm vui của các nhà khoa học. Không dừng lại ở đó, nhóm các nhà khoa học của Khoa Cơ học kĩ thuật và tự động hóa đang tiếp tục nghiên cứu về "Thiết kế hệ thống tự động quan trắc ô nhiễm không khí" – một hướng nghiên cứu mới mẻ ở Việt Nam.

Theo TS. Jung Seung Chul, bên cạnh văn minh vật chất thì không khí là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sống. Những thông tin về đình trệ mọi hoạt động của đời sống ô nhiễm khói bụi tại Thượng Hải, Bắc Kinh trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nhà quản lí về hệ quả của ô nhiễm không khí.

Các nhà khoa học của Trường ĐH Công nghệ mong muốn hệ thống tự động quan trắc ô nhiễm không khí sớm hoàn thiện để đem vào ứng dụng trong đời sống. Hệ thống đó sẽ là một trong những căn cứ khoa học để lãnh đạo địa phương ban hành những chính sách sát với thực tế đồng thời có những quyết định phù hợp, quản trị hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Các nhà khoa học mong nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp để có thể thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Tiềm năng khoa học của nhóm còn nhiều và nếu sự phối hợp của các doanh nghiệp đến sớm thì việc đưa các kết quả nghiên cứu vào dây chuyền sản xuất sản phẩm ở quy mô đại trà sẽ gần hơn.


TS. Jung Seung Chul và sinh viên Việt Nam

TS. Jung Seung Chul và sinh viên Việt Nam

Mong muốn tiếp tục được cống hiến cho Việt Nam

Khi được hỏi vì sao không chọn một nước phát triển để đeo đuổi các nghiên cứu mà lại gắn bó với Việt Nam - một quốc gia đang phát triển thì TS. Jung Seung Chul tâm sự, anh yêu quí và muốn gắn bó với ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ là bởi tình người.

TS. Jung Seung Chul quan niệm, sự hiện đại làm con người choáng ngợp trên con đường du ngoạn khám phá đó đây. Cảnh vật, không khí hay các món đặc sản suy cho cùng là kí ức đẹp trong lòng du khách. Còn để gắn bó dài lâu thì con người mới là điều quan trọng nhất. Ở Hà Nội, anh thấy mình như đang sống ở quê hương Hàn Quốc. Những đồng nghiệp ở Trường ĐH Công nghệ là những người bạn thân thiết nhất của anh và gia đình.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, gia đình anh nhận được nhiều món quà ý nghĩa, những lời chúc tốt đẹp từ đồng nghiệp, sinh viên và hàng xóm. Mỗi dịp xum vầy tại Việt Nam, Anh lại nhớ tới thủa ấu thơ, khi còn sinh sống ở Hàn Quốc.

Jung Seung Chul bảo, tình cảm, sự thân thiện của người Hà Nội làm ấm lòng những người Hàn Quốc xa xứ. Anh cùng vợ và 2 con luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai. Anh cho biết chính cách trọng dụng của nhà trường và của cả lãnh đạo ĐHQGHN luôn làm anh ấm lòng. Anh tin tưởng vào mục tiêu phát triển của nhà trường và mong muốn được tiếp tục ở lại đóng góp lâu dài cho sự phát triển đó.

Đỗ Ngọc Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm