Trường xuống cấp, gần 800 học sinh nơm nớp lo sợ
(Dân trí) -Được xây dựng từ những năm 1980, đến nay trường tiểu học xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Những ngày trời mưa, học sinh phải nghỉ học ở nhà. Gần 800 học sinh cùng giáo viên của nhà trường hàng ngày vẫn canh cánh nỗi lo trường sập.
Với hai dãy nhà cấp bốn, hệ thống mái nhà của một số phòng học của Trường tiểu học xã Hải Thượng bị mục nát, hư hỏng nặng.
Nhiều phụ huynh cho biết, những hôm trời mưa họ không dám cho học sinh đến lớp vì lo sợ trường sập có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Không chỉ hệ thống mái nhà của các phòng học mà cửa của một số phòng cũng bị hư, phải chắp vá nhiều lần. Theo ghi nhận của PV Dân trí, Trường tiểu học xã Hải Thượng hiện nay có 14 phòng học, được xây dựng từ những năm 1980. Tong đó, có 10 phòng đã được khắc phục lập hệ thống mái tôn, còn lại 4 phòng vẫn đang còn là mái ngói có thời gian sử dụng hàng chục năm.
Những phòng học có hệ thống mái ngói này đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục như: đòn tay, rui, mè, ngói lợp của mái mà bị mục nát, hư hỏng. Có những phòng ngói bị bong ra, học sinh ngồi trong lớp học nhưng “nắng vẫn tới mặt, mưa vẫn tới đầu”.
Ông Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những hôm trời mưa to, gió lớn, chúng tôi phải cho học sinh nghỉ học ở nhà. Trời mưa, ngồi trong phòng học nhưng vẫn bị dột nước ướt người, ướt sách vở. Những ngày trời mưa nhỏ thì thầy cô giáo vẫn cố gắng để khắc phục cho các em học sinh học ngồi dồn lại với nhau ở những góc không bị dột nước. Mưa dột từ trên mái nhà xuống giáo viên phải dùng chậu hứng nước mưa không cho chảy lênh láng ra khắp phòng học”.
Trường tiểu học xã Hải Thượng hiện có 25 lớp học với 776 học sinh. Tổng số giáo viên của nhà trường là 33 giáo viên. Hiện nay, nhà trường vẫn đang còn thiếu 2 giáo viên bộ môn văn hóa và một giáo viên dạy Mỹ thuật. Do hệ thống các phòng học không đủ và bị xuống cấp nên nhà trường đã phải chia thành 2 ca học trong ngày. Nhiều lớp, học sinh phải dồn lại khiến lớp học đông lên, mỗi bàn phải ngồi chen chúc 3 - 4 học sinh.
Khó khăn về cơ sở vật chất cũng như thiếu giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy của nhà trường. Dẫn chúng tôi đi quanh các phòng học của nhà trường, ông Dũng chia sẻ: “Do không đủ phòng nên các em học sinh giỏi học bồi dưỡng đã phải ngồi trong phòng học cũ và xuống cấp tạm này. Trời nắng ráo, giáo viên mới cố gắng khắc phục dạy tạm chứ trời mưa thì có hôm các em phải học trong văn phòng nhà trường”.
Trước thực trạng trên, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị đến các cấp chính quyền. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở mức sữa chữa lại để khắc phục những tình trạng trên, được một thời gian sau đâu lại vào đó, học sinh lại phải ngồi học trong cảnh vừa học vừa lo trường bị sập. Trong đợt lũ tháng 10 vừa qua, nhà trường bị ngập lụt sâu, nước lũ đã tràn vào văn phòng nhà trường các phòng học làm hư hỏng một số thiết bị cũng như nhiều tài liệu.
Ban giám hiệu nhà trường đã cùng với Hội phụ huynh học sinh đứng ra vận động, quyên góp tiền trong nhân dân, xin tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để có kinh phí nâng cấp làm lại sân trường.
Ông Dũng vui mừng cho biết: “Thấy con em mình bì bõm lội nước đến lớp học, phụ huynh học sinh đã tự nguyện đóng góp để nhà trường làm lại sân trường. Nhiều công ty cũng như doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã ủng hộ vật liệu cũng như số tiền lớn để nhà trường nâng cấp sân. Nhờ sự đóng góp ủng hộ trên mà đến nay, sân trường đã được nâng cấp đổ bê tông hoàn chỉnh sạch sẽ, học sinh không còn phải lội qua sân mỗi giờ đến lớp”.
Được biết, Trường tiểu học xã Hải Thượng nằm trong khu quy hoạch của khu kinh tế Nghi Sơn nên đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới. Ông Dũng kiến nghị: “Kính mong chính quyền các cấp tu sửa lại 4 phòng học mái ngói hiện nay đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng đó để nhà trường có phòng học cho học sinh học tập. Bên cạnh đó, hiện nay nhà trường cũng đang thiếu rất nhiều phòng học nữa, chúng tôi mong muốn được xây dựng thêm 10 phòng học kiên cố nữa thì mới đủ phòng học cho học sinh”.
Thái Bá - Duy Tuyên