Trường nào có điều kiện học tập tốt nhất?

(Dân trí) - Năm nay là năm đầu tiên thí sinh có cơ hội được biết thông tin về trường mình sẽ dự thi có điều kiện học tập như thế nào, thông qua tỷ lệ sinh viên/giảng viên được các trường công bố trước thời điểm thí sinh làm hồ sơ dự thi.

Mặc dù đó chỉ là một “góc” thông tin nhưng nó lại có ý nghĩa khá quan trọng trong điều kiện quyết định chất lượng học tập của các trường ĐH-CĐ hiện nay vẫn chủ yếu trông chờ vào người thầy. 

Theo tỷ lệ sinh viên quy đổi/ giảng viên thì trường ĐH cho thí sinh cơ hội học tập hấp dẫn nhất là trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tại đây, cứ 8 sinh viên là đã có một giảng viên.

Đứng thứ hai là ĐH Mỏ Đại chất Hà Nội với tỷ lệ này là 11, kế đó là ĐH Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, CĐ Sư phạm Mẫu giáo TƯ 3 cùng chung tỷ lệ là 12; ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Huế cùng chung tỷ lệ 13. 

Mức điều kiện học tập tạm được là các trường có tỷ lệ từ 14 đến 18 bao gồm các trường như ĐH Tây Nguyên, ĐH Nông nghiệp I cứ 14 sinh viên được học tập bởi 1 giảng viên; ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, Thương mại, ĐH Vinh, ĐH Nông lâm TPHCM: 15… 

Những trường ĐH vẫn được xem là những trường ĐH “đắt khách” nhất trong mỗi kỳ thi tuyển sinh lại là những trường ĐH mà sinh viên bị “nhồi nhét” nhất so với các trường ĐH khác. Điển hình như tại ĐH Kinh tế TPHCM, cứ 27 sinh viên mới có 1 giảng viên.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mặc dù số sinhviên quy chuẩn/ giảng viên quy chuẩn của trường này theo quy định chỉ là từ 10 đến 15 nhưng ĐH SPKT TPHCM vẫn có mức 22. ĐH Luật TPHCM là 24, ĐH Ngoại thương: 22. 

Nhưng có lẽ “sướng” nhất vẫn là sinh viên tại một số trường ngoài công lập. Chẳng hạn như tại CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân chỉ có 3 sinh viên/ giảng viên, ĐH FPT chỉ có 5 sinh viên/ giảng viên. CĐ Bách khoa Hưng Yên 6 sinh viên/ giảng viên. 

Cũng cùng quy luật như các trường công lập, các trường ngoài công lập nào “nổi đình nổi đám” nhất trong mỗi mùa tuyển sinh luôn là những trường mà sinh viên bị nhồi nhét cao nhất. Chẳng hạn như tại trường ĐH Dân lập Thăng Long - một trường ĐH dân lập lão làng trong “làng” ĐH Dân lập có tỷ lệ sinh viên/ giảng viên lên tới con số 33, DL Phương Đông: 24; Dân lập Ngoại ngữ Tin học TPHCM 25; Dân lập Văn Lang 26, Dân lập Văn Hiến 30… 

Quy định về số sinh viên quy chuẩn bình quân/1 giảng viên quy chuẩn được phép:

 

Nhóm 1: Các ngành khoa học kỹ thuật - công nghệ; khoa học tự nhiên (bao gồm cả đào tạo giáo viên khoa học tự nhiên, giáo viên kỹ thuật); nông lâm thuỷ sản: từ 10 đến 15 sinh viên quy chuẩn/ giảng viên quy chuẩn (Mức thấp áp dụng cho các ngành khoa học cơ bản; mức cao áp dụng cho các ngành công nghệ và kỹ thuật).

 

Nhóm 2: Các ngành khoa học xã hội và nhân văn (bao gồm cả đào tạo giáo viên khoa học xã hội và giáo viên ngoại ngữ), kinh tế - tài chính - quản trị kinh doanh, nhân hàng, pháp lý, văn hoá - du lịch, nghiệp vụ hành chính: từ 20 đến 30 sinh viên quy chuẩn/ 1 giảng viên quy chuẩn (mức thấp áp dụng cho các ngành ngoại ngữ).

 

Nhóm 3: Các ngành y - dược, nghệ thuật (bao gồm cả giáo viên nhạc hoạ) và thể dục thể thao (bao gồm cả giáo viên thể dục thể thao): từ 5 đến 10 sinh viên quy chuẩn/ giảng viên quy chuẩn (mức thấp dànhcho các ngành năng khiếu âm nhạc, nghệ thuật.)

 

(Nguồn: Bộ GD- ĐT)

Mai Minh