Thanh Hóa:
Trường mầm non “trắng” giáo viên biên chế
(Dân trí) - Những khó khăn, vất vả của giáo viên mầm non lâu nay nhiều người đã được chứng kiến, nhưng ít ai nghĩ rằng, tại huyện miền núi Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa còn có một ngôi trường mầm non không hề có một giáo viên nào trong biên chế.
Chúng tôi tìm về trường mầm non Thượng Ninh, xã Thượng Ninh, huyện miền núi Như Xuân, ngôi trường ở xã nghèo của một trong 62 huyện nghèo nhất nước. Thật ngạc nhiên khi toàn trường hiện có 27 cán bộ và giáo viên (GV), nhưng tất cả họ đều chỉ sống nhờ vào đồng lương hợp đồng ít ỏi lâu nay mà chưa có bất kỳ một suất biên chế nào.
Đời sống khó khăn, công việc vất vả, hàng ngày nhiều GV nơi đây phải vượt hàng chục km đường đồi dốc đến các điểm trường lẻ chỉ bằng niềm đam mê và hi vọng một ngày nào đó, những công sức của họ được đền đáp xứng đáng. Những khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt luôn là "bạn đồng hành" với GV mầm non nơi đây.
Cô Bùi Thị Hoa tâm sự: “GV mầm non ở huyện miền núi như chúng tôi không nói thì nhiều người cũng hiểu vất vả thế nào rồi. Có những cô nhà cách trường hơn 10 km, hàng ngày phải dậy từ 5h sáng đi dạy học và đến tối mịt mới về đến nhà, nhưng mức thu nhập cũng chỉ khoảng 500.000đ/tháng, không đủ tiền xăng xe, nhưng vẫn phải cố gắng và hi vọng một ngày nào đó sẽ được hưởng biên chế của nhà nước”.
Chúng tôi ghé thăm nhà cô Quách Thị Chính, ở thôn Đông Xuân, xã Thượng Ninh, cô Chính về trường công tác từ năm 1986. Đã 26 năm trong nghề, nhưng cũng chừng ấy năm cô Chính “cắn răng” với cuộc sống khó khăn để bám trụ với nghề. Căn nhà xập xệ, tuềnh toàng của gia đình cô đã nói lên tất cả những thiếu thốn về vật chất mà cô đang phải trải qua.
Chuyện GV mầm non vừa đi dạy, vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm nghề tay trái để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình không còn là chuyện hiếm ở Trường mầm non Thượng Ninh. Nhiều GV ở đây tranh thủ làm bất cứ công việc gì miễn là phù hợp thời gian mà có thu nhập dù là rất ít ỏi.
Ngoài cô Chính, nhiều GV khác có thâm niên công tác hàng chục năm cũng chỉ với mức lương bèo bọt như: cô Nguyên, cô Ngoãn, cô Hà... Cũng có GV vì cuộc sống khó khăn qúa mà phải bỏ nghề như cô Hoàng Thị Thương. Trong câu chuyện của nhiều cô giáo, chúng tôi cảm nhận được cũng không ít lần cuộc sống gia đình các cô “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng bởi cuộc sống quá khó khăn, nhưng rồi các cô cũng gắng gượng vượt qua và chỉ còn biết hi vọng ở tương lai...
Với các GV ở khu trung tâm tuy khó khăn, nhưng còn đỡ hơn so với những cô giáo dạy ở các điểm trường lẻ. Ở những thôn cách xa trung tâm xã, việc đi lại là cả một vấn đề với các cô giáo.
Đồng lương thì ít ỏi, địa hình phức tạp, để có thể bám trường, bám lớp, nhiều GV phải lặn lội xuống tận các thôn bản xa trung tâm đến hàng chục cây số để đi dạy. Những hôm trời nắng ráo thì còn đỡ, những khi mưa xuống, đường xá đi lại khó khăn, trơn trượt, nhầy nhụa, nhiều cô đến lớp người lấm lem bùn đất…
Cô Lê Thị Huyền, hiệu trưởng nhà trường, có thâm niên làm việc ở đây từ năm 1995 đến nay, cũng chừng ấy năm với bao công việc nhà trường phải lo, nhưng cô cũng chỉ nhận mức lương bèo bọt gọi là hỗ trợ thêm theo hợp đồng 2480 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cô Huyền tâm sự: “Làm hiệu trưởng, nhưng thu nhập của tôi cũng chỉ được hơn 550.000đ/tháng, bằng 1/10 cán bộ làm công tác quản lý khác trong diện biên chế trong cùng huyện. Nhiều lúc tôi muốn nghỉ dạy để ở nhà bán hàng cùng gia đình. Từ năm 2008 - 2009, thấy cuộc sống của giáo viên quá khó khăn nên các bậc phụ huynh cũng đóng góp thêm mỗi hộ 5.000đ/tháng gọi là hỗ trợ các cô.
Để khắc phục khó khăn, hiện nay, các các cô giáo thay nhau trực vào buổi trưa để tranh thủ thời gian này đi làm thêm như chặt mía, đi cấy... để có thêm ít thu nhập cải thiện cuộc sống. Nhà trường cũng phải tranh thủ họp ngoài giờ để tiết kiệm thời gian giúp chị em có thêm thời gian đi làm thêm”.
Ông Trần Ngọc Chương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Như Xuân, cho biết: “Toàn huyện có 439 cán bộ, GV mầm non nhưng mới có 95 GV biên chế; còn GV ăn lương theo hợp đồng 2480 là 297 GV; hợp đồng huyện có 36 cô; xã có 3 GV. Đời sống của GV mầm non khó khăn, vất vả, nhưng Như Xuân là một huyện nghèo, ngân sách không đủ nên ngành cũng đành bó tay”.
“Do trước đây, các GV ở trường mới học sơ cấp nên không thể xét vào biên chế được. Sau đó, các GV đã củng cố kiến thức chuẩn nhưng lại chưa có đợt để xét biên chế nên ở Trường mầm non Thượng Ninh chưa có giáo viên biên chế là vậy” - ông Chương lý giải thêm.
Để hỗ trợ và giúp đỡ những GV mầm non hợp đồng, ngành giáo dục huyện Như Xuân cũng đã phối hợp với các cấp học kêu gọi những thầy cô có thu nhập cao, trích một phần nhỏ tiền lương để ủng hộ GV mầm non chưa được biên chế. Tuy nhiên cũng như muối bỏ biển, không thấm vào đâu so với cuộc sống khó khăn mà các GV ngoài biên chế đang phải trải qua.
Được biết, tới đây, tỉnh Thanh Hóa sẽ có chủ trương biên chế cho các GV mầm non đủ tiêu chuẩn. Mong sao những GV mầm non ngoài biên chế sẽ sớm được quan tâm để xứng đáng với những công sức của mình.
Duy Tuyên - Phú Nhuận